8 năm chuẩn bị cho công binh làm nhiệm vụ quốc tế

2 years ago 98

0h25 ngày 4/5, đoàn tiền trạm Đội Công binh số 1 gồm 28 thành viên bắt đầu đến Phái bộ an ninh lâm thời Liên Hợp Quốc tại Abyei (UNISFA). Đoàn sẽ có mặt tại Phái bộ để đón nhận 2.000 tấn hàng hóa, trang bị, phương tiện do Liên Hợp Quốc phụ trách vận chuyển bằng đường biển từ Việt Nam (xuất phát hồi đầu tháng 4).

Đại tá Mạc Đức Trọng, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ ở Abyei, Đội trưởng Đội Công binh số 1, cho biết sau khi tiếp nhận hàng hóa, đoàn tiền trạm sẽ làm mọi công tác chuẩn bị cần thiết như thiết lập hệ thống lều bạt, container, hệ thống điện, nước, Internet, nhà ăn, nhà bếp..., sẵn sàng cho đội hình chính gồm 156 người đến và hoạt động được ngay.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử Đội Công binh tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, cũng là đội hình cấp đơn vị có số lượng thành viên lớn nhất với 184 người, gấp ba lần quy mô đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 đã được Việt Nam triển khai tại Phái bộ ở Nam Sudan.

Đội Công binh số 1 tại lễ xuất quân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc sáng 27/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dặn dò và động viên. Ảnh: Giang Huy

Đội Công binh số 1 tại lễ xuất quân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc sáng 27/4. Ảnh: Giang Huy

Theo thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Quốc phòng đã thành lập Đội Công binh và chuẩn bị để triển khai ở một phái bộ phù hợp khi có đề nghị của Liên Hợp Quốc. Ngày 14/7/2017, Bộ Chính trị họp và đồng ý chủ trương cử Đội Công binh Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế.

Công tác chuẩn bị cho Đội Công binh, nhất là về tổ chức, biên chế phải liên tục điều chỉnh theo yêu cầu nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Ban đầu 268 người, đến 319 người và hiện triển khai tại Phái bộ UNISFA là 203 người, trong đó 184 thành viên chính thức và 19 dự bị. Có 21 nữ, chiếm 11,4%.

Liên Hợp Quốc thông báo và có thư mời Việt Nam cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNISFA ngày 21/9/2021, sau khi xem xét 15 đội công binh của các nước đăng ký triển khai. Cơ quan có thẩm quyền sau đó ban hành biểu tổ chức, biên chế của Đội Công binh số 1 với ban chỉ huy (10 người); hai phân đội Công binh công trình (mỗi phân đội 34 người); một phân đội công binh cầu đường (36 người); một phân đội bảo vệ (30 người); một phân đội bảo đảm (40 người), một bệnh viện dã chiến cấp 1 (11 người).

Nhân sự tham gia Đội Công binh số 1 được tuyển chọn kỹ lưỡng từ 11 cơ quan, đơn vị, gồm Bộ tư lệnh Công binh, Đặc công, Thông tin liên lạc, Bộ tư lệnh 86, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Cục Quân huấn, Hậu cần (Bộ Tổng tham mưu), Quân khu 1, 3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tất cả thành viên có trình độ chuyên môn và sức khỏe đáp ứng các vị trí và yêu cầu của Liên Hợp Quốc, có phẩm chất chính trị và năng lực tốt.

Đặc biệt, trong biên chế tổ chức có đặc công, với nhiệm vụ bảo vệ các công trình, sự an toàn của đơn vị khi hành quân ra bên ngoài làm việc. Đây là những quân nhân có năng lực cao, được tuyển chọn từ Bộ tư lệnh Đặc công.

Thành viên Phân đội bảo vệ của Đội Công binh số 1 biểu diễn nhảy qua vòng lửa, ngày 25/11/2021. Ảnh: Giang Huy

Thành viên Phân đội bảo vệ của Đội Công binh số 1 biểu diễn nhảy qua vòng lửa, ngày 25/11/2021. Ảnh: Giang Huy

Lực lượng tham gia Đội Công binh số 1 phải trải qua chương trình huấn luyện quân sự, tiền triển khai, chuyên môn công binh; tham gia các khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng trong khuôn khổ Đối tác ba bên của Liên Hợp Quốc. Các thành viên cũng được đào tạo tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệm thực tế với chuyên gia quốc tế; huấn luyện về luật quốc tế, đảm bảo an ninh an toàn, chống bóc lột và lạm dụng tình dục, chuyển giao công nghệ và thực hành trên bộ trang bị, diễn tập tổng hợp...

Tháng 6/2017, Đoàn tư vấn, đánh giá của Liên Hợp Quốc (AAV) đến Việt Nam kiểm tra năng lực và tư vấn cho Đội Công binh đã đánh giá tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác tổ chức huấn luyện nghiêm túc, sát với quy trình của Liên Hợp Quốc.

Đội trưởng Đội Công binh số 1, đại tá Mạc Đức Trọng nói, nhiệm vụ của Đội tại Abyei là khảo sát, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường vận tải chính, vận tải dự phòng; sửa chữa khôi phục đường băng dã chiến; chuẩn bị và bảo dưỡng các tuyến đường kết nối căn cứ, xây dựng bãi đỗ trực thăng. Kiểm tra, khắc phục sự cố giao thông cũng là công việc thường xuyên của Đội nhằm đảm bảo thông tuyến cho các đoàn xe của Liên Hợp Quốc và vận tải cứu trợ.

Ngoài ra, Công binh Việt Nam sẽ sửa chữa, nâng cấp căn cứ Liên Hợp Quốc; xây mới hạ tầng, làm hàng rào, xây dựng và di chuyển vọng gác, lắp đặt cổng doanh trại; phục hồi và sửa chữa cấu trúc khu vực trú ẩn an toàn của các căn cứ, hệ thống hào bảo vệ, đê chắn đạn...

Đội Công binh sẽ khoan giếng phục vụ cung cấp nước cho Phái bộ và địa phương; hỗ trợ nhân đạo người dân bản địa như xây dựng nhà cộng đồng, trường học, các cơ sở công cộng... "Công việc rất nhiều và vất vả. Song lực lượng Công binh của ta, với kinh nghiệm xây dựng công trình quốc phòng phức tạp sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ", đại tá Trọng tin tưởng.

Để đảm đương khối lượng công việc khổng lồ nói trên, Đội Công binh số 1 Việt Nam phải trang bị số lượng lớn thiết bị, xe, máy theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Hàng trăm phương tiện đã được nhập khẩu; 10 nhóm trang thiết bị, phương tiện khác cũng được Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng cải hoán như xe thiết giáp cứu thương, xe thiết giáp chở quân...

Viện trưởng Kỹ thuật Cơ giới quân sự, đại tá Trần Hữu Lý, cho biết đơn vị phải xây dựng tính năng kỹ chiến thuật của từng nhóm trang bị, sau đó tính toán, thiết kế, xây dựng bản vẽ, rồi xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Tất cả đều phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi cải hoán 10 trang bị mẫu. Sau khi các cơ quan kiểm tra, đóng góp ý kiến và phái đoàn tiền trạm của Liên Hợp Quốc kiểm tra, Viện mới hoàn thiện các trang bị còn lại.

Việc cải hoán phương tiện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện địa hình ở Phái bộ UNISFA, đồng thời tiết kiệm ngân sách. Một số phương tiện cũng phải cải hoán do trang bị đặc thù, khó mua trên thị trường như xe công trình sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, xe, máy, nhà cửa... có gắn cần cẩu. "Thực tế, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã cải hoán xe BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương, đang phục vụ tốt tại bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan", đại tá Lý cho hay.

Sau khi có đầy đủ phương tiện, Đội Công binh tập trung huấn luyện. Đầu tháng 12/2021, đoàn kiểm tra tiền triển khai của Liên Hợp Quốc sang, đánh giá cao Đội Công binh số 1 của Việt Nam, cả về biên chế, tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, công tác huấn luyện và năng lực, nhận thức của nhân sự. Đoàn nhận định Đội Công binh của Việt Nam "hoàn toàn có đủ năng lực và đủ trang thiết bị để triển khai sang Phái bộ".

Đầu tháng 4, Liên Hợp Quốc điều tàu vận tải đến cảng Hải Phòng, phụ trách vận chuyển trang thiết bị của Công binh Việt Nam đến Phái bộ UNISFA. 147 đầu xe, máy trang bị và 62 container hàng hóa với tổng trọng lượng 2.000 tấn đang trong hành trình đến Abyei.

 Đội Công binh số 1

Xe - máy của Đội Công binh số 1 được xếp lên tàu chở hàng, do Liên Hợp Quốc phụ trách vận chuyển từ Việt Nam sang Phái bộ An ninh lâm thời tại Abyei (UNISFA). Ảnh: Đội Công binh số 1

Tại lễ xuất quân ngày 27/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Đội Công binh số 1 sẽ phát huy truyền thống "mở đường thắng lợi", bản lĩnh, năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng phái bộ và cơ sở hạ tầng dân sinh, đáp ứng các yêu cầu của Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch nước dặn dò các quân nhân chủ động, hợp tác hiệu quả với các quốc gia, đối tác quốc tế để nâng cao năng lực, kinh nghiệm và tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Lãnh đạo Nhà nước yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất cho các lực lượng, cá nhân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trên tất cả địa bàn.

Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước đã ký Thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết sẽ rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cho đến nay hai nước chưa có nhiều tiến triển thực chất.

Phái bộ an ninh lâm thời Liên Hợp Quốc tại Abyei (UNISFA) được thành lập từ năm 2011, với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei. Trước đây, lực lượng bộ binh, công binh của Ethiopia làm nhiệm vụ tại đây, nhưng đã hết nhiệm kỳ, trở về nước. Đội Công binh số 1 Việt Nam sẽ thay thế đội công binh Ethiopia, nhiệm kỳ một năm.

Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an thành lập dưới hình thức các Phái bộ nhằm tạo điều kiện chấm dứt xung đột và gìn giữ hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của Liên Hợp Quốc. Việt Nam chính thức tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014, đến nay đã cử 76 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ cá nhân và 436 quân nhân trong các đội hình đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh).

Hoàng Thùy

Read Entire Article