Bài 2: Trường Sa - Những nét đời thường giữa trùng khơi

2 years ago 83

 Trường Sa-Điều bình thường giữa trùng khơi - Ảnh 1.

Nhà của các hộ dân ở Trường Sa được xây kiên cố và được đánh số như nhà ở phố xá đất liền - Ảnh: VGP/Minh Minh Đức

Công dân đầu tiên chào đời ở Trường Sa có tên Hồ Song Tất Minh, chào đời lúc 12h5' ngày 16/5/2009 tại bệnh xá quân-dân y xã đảo Song Tử Tây. Sau niềm vui chung này, nhiều em bé đã có "Hộ khẩu huyện Trường Sa".

Để đáp ứng nhu cầu hành chính của người dân địa phương và từ các nơi khác đến đảo, việc tổ chức hành chính huyện đảo khá căn cơ. Huyện và các xã, thị trấn đều có đủ bộ máy Đảng, chính quyền và một số ban ngành chức năng ở cơ sở.

Mỗi xã, thị trấn đều có hội trường, khu dân cư, khu bệnh xá, lớp học, công trình văn hóa (chùa, đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách, sân vận động, sân bóng chuyền, khu vui chơi thiếu nhi…). Ở các đảo, hệ thống đường xá được bê tông hóa nên việc đi lại rất dễ dàng…

Các khu dân cư quy hoạch thành các căn hộ diện tích vừa phải cho một gia đình 4-5 người ở. Nhà cấp 4 xây dựng kiên cố, có số nhà, có bậc tam cấp. Trong nhà có phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh… Mỗi gia đình đều có bồn hoa, vườn rau, chuồng nuôi gia súc, gia cầm.

Các hộ dân đều có thiết bị điện gia dụng (tivi, tủ lạnh…). Sóng điện thoại phủ khắp các đảo ở Trường Sa, liên lạc qua sóng viễn thông di động thông suốt; mạng Internet cũng khá dễ dàng ở một số đảo; nhờ đó mà thông tin giữa quân và dân ở huyện đảo, giữa huyện đảo với đất liền được nhanh chóng, kịp thời.

 Trường Sa-Điều bình thường giữa trùng khơi - Ảnh 2.

Chùa Trường Sa Lớn ở thị trấn Trường Sa - Ảnh: VGP/Minh Minh Đức

Về giáo dục, các xã đảo, thị trấn đều có trường tiểu học. Từ 2009 trở về trước, các em học sinh chỉ học hết lớp 4 rồi trở lại đất liền học tiếp. Từ năm 2010, các em có thể học hết lớp 5 trên đảo.

Các xã, thị trấn của huyện đảo đều có trạm xá, bệnh xá với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường cho người dân trên các đảo. Các y, bác sĩ còn khám chữa bệnh, cấp cứu, cấp thuốc cho ngư dân hoặc những trường hợp gặp thiên tai, hoạn nạn.

Tại Trường Sa, một số thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân được xây dựng. Từ năm 2008, Nhà nước đã đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp một số ngôi chùa tại xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa; trong đó, chùa lớn nhất nằm trên đảo Song Tử Tây, có ban thờ các anh hùng liệt sĩ.

Các chùa vẫn giữ kiến trúc truyền thống (một gian hai chái, mái cong có đầu đao...). Khuôn viên chùa có cây đa, cây bồ đề, cây phong ba, cây bàng vuông... Tượng trong các chùa được chế tác công phu bằng gỗ quý; hoành phi câu đối đều được sơn son thếp vàng ghi lại hào khí của dân tộc. Các chùa đều lấy giờ thỉnh chuông vào lúc 4h30' sáng và 18h chiều.

Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng gió, bão giông khắc nghiệt nhưng trong không gian tĩnh mịch của biển chiều, tiếng chuông chùa ngân nga đem lại cảm giác thanh bình, ấm áp như ở bất kỳ làng quê nào trong đất liền.

 Trường Sa-Điều bình thường giữa trùng khơi - Ảnh 3.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa lớn

Vào năm 2010, tại Trường Sa xuất hiện một công trình đặc biệt: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình do tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng trên đảo Trường Sa lớn thuộc thị trấn Trường Sa, tổng diện tích gần 800 m2 ở vị trí trung tâm đảo. Trong nhà tưởng niệm có đặt bức tượng toàn thân của Bác bằng đồng và trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ. Đây là địa chỉ sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên đảo.

Có thể nói giữa mênh mông trời nước, cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa vẫn luôn phát triển, với nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ, tiếng cười trong trẻo của các em nhỏ, tiếng trống trường rộn ràng, tiếng chuông chùa ngân nga… Một mai, có phiên chợ tháng hay chợ tuần khi tàu từ đất liền ra đảo nhiều hơn, cuộc sống nơi đây sẽ càng thêm vui!

Minh Minh Đức


Read Entire Article