Bàn về y đức trong thời đại cách mạng 4.0

2 years ago 97

Bổ sung tiêu đề - Ảnh 1.

Thầy thuốc phải kịp thời và tận tâm, tận lực cứu sống sinh mạng người bệnh trước nguy nan.

Trách nhiệm của thầy thuốc trước sinh mạng người bệnh là một khái niệm rộng, được biểu hiện bằng nhiều tiêu chí tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện  khác nhau. Nhưng có hai tiêu chí chung nhất được nói đến trong bất kỳ thời đại nào.

Một là, thầy thuốc phải kịp thời và tận tâm, tận lực cứu sống sinh mạng người bệnh trước nguy nan.

Hai là, không được lợi dụng và biến sự đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh thành cơ hội cho mục đích làm giàu cá nhân và hưởng vinh hoa phú quý không chính đáng của bản thân thầy thuốc.

Trình độ khoa học công nghệ y tế tạo ra không những thuận lợi mà cả thách thức trong thực hiện các hành vi liên quan đến y đức.

Chúng ta đang đứng trước thời cơ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều này không chỉ tác động đến mặt khoa học công nghệ mà còn tác động đến cả mặt xã hội trong y học và y tế, trong đó có y đức.

Khi khoa học công nghệ tiến bộ và phát triển, nền y học và y tế là một trong những lĩnh vực mà con người áp dụng sớm nhất các thành quả đó, bởi vì ai cũng muốn sống khoẻ và sống lâu. Tất nhiên, khi một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới được áp dụng vào y tế, thầy thuốc có thêm nhiều cơ hội thành công trong việc cứu sinh mạng người bệnh. Xin lấy một ví dụ: Việc tạo ra những tiến bộ trong kỹ thuật thông tim và khai thông tắc mạch vành đã cứu sống rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim do sơ vữa mạch vành, điều mà cách đây 20 đến 30 năm không thể làm được.

Thành công trong việc mổ nội soi đã giúp giảm đi rất nhiều sự can thiệp nặng nề vào cơ thể người bệnh, làm cho thời gian phục hồi sau mổ diễn ra nhanh chóng…

Việc áp dụng công nghệ cao vào y tế là một điều tất yếu và mang lại những thuận lợi cơ bản cho kết quả điều trị. Thông qua đó người thầy thuốc có nhiều cơ hội thể hiện sự tận tâm, tận lực để cứu sinh mạng người bệnh. Nói cách khác công nghệ cao đã góp phần làm thể hiện những nét tốt, nét đẹp về y đức.

Tuy vậy, người thầy thuốc cũng cần nhận dạng những thách thức xuất hiện khi áp dụng công nghệ cao với y đức.

Thách thức đầu tiên là người thầy thuốc phải hăng say học tập suốt đời để có kiến thức và tay nghề phù hợp với trình độ khoa học tiên tiến. Ngoài kiến thức, còn đòi hỏi tay nghề thành thạo và chính xác để có thể áp dụng công nghệ cao một cách thành thục.

Thứ hai, công nghệ cao sẽ có tính tự động và tính chính xác cao, điều đó không nghĩa là thiết bị, máy móc hoàn toàn thay thế và hoàn hảo hơn con người. Chính con người phải lập trình (programing) cho hoạt động của thiết bị và điều khiển thiết bị trong việc thiết lập quy trình, vận hành quy trình và cả kiểm tra quy trình.

Nhiều khâu thực hành y học sẽ do máy móc nhân tạo và trong tương lai do trí tuệ nhân tạo thực hiện, nhưng không vì thế mà giảm bớt trách nhiệm của người thầy thuốc. Trái lại, trách nhiệm của thầy thuốc lại được nâng lên ở một tầm cao mới.

Máy móc và thiết bị không thể thay thế cái mà các thầy thuốc gọi là "nhạy cảm lâm sàng". Sự tiếp xúc trực diện giữa thầy thuốc và người bệnh luôn mang lại một tình cảm ấm cúng, gần gũi và tin tưởng không thể có được của "thầy thuốc robot".

Dù khoa học công nghệ tiến bộ đến mấy thì cũng do con người tạo ra và áp dụng, vì vậy, chúng ta cần phân tích mặt được cũng như mặt chưa được cả về kỹ thuật lẫn xã hội. Chỉ có cách nhìn biện chứng như vậy mới giúp chúng ta thành công và nâng cao y đức trong thời đại công nghệ 4.0.

GS.TSKH PHẠM MẠNH HÙNG

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Nguyên Phó trưởng ban  Tuyên giáo Trung ương

Nguyên Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam


Read Entire Article