Biện pháp cứng rắn chặn xe quá tải

1 year ago 47

Cũng giống Việt Nam, nhiều nước đang vất vả xử lý xe quá tải. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng biện pháp hiệu quả nhất là trừng phạt mạnh về kinh tế để chủ xe không thể có được lợi nhuận từ phần hàng hóa vận chuyển dôi dư so với tải trọng cho phép. Việt Nam có thể tham khảo mô hình xử phạt lũy tiến được thực hiện ở Mỹ.

Tại Mỹ, mức phạt dựa trên khối lượng chênh lệch giữa tải trọng xe và giới hạn cho phép. California quy định mức phạt là 20 USD cho dưới 450 kg hàng quá tải (1.000 pound). Nhưng thực tế, tổng số tiền người bị phạt phải đóng là 175 USD (4 triệu đồng) do thêm phí kiểm tra, phí tòa án và lệ phí khác.

 Newspressnow.com

Biển báo hướng dẫn lối đi vào trạm cân tại Mỹ. Ảnh: Newspressnow

Một số bang ở Mỹ bổ sung quy định lũy tiến mức tiền phạt trên từng pound khi tổng trọng lượng xe vượt quá mức cho phép 5.000 pound (2,27 tấn). Ví dụ, khi xe chở quá từ một đến dưới 5.000 pound, mức phạt là 20 đến 175 USD.

Khi khối lượng vượt quá 5.000 pound, số tiền phạt là 200 USD cộng thêm 4 cent trên mỗi pound vượt; vượt 6.000-7.000 pound bị phạt 360 USD cộng 8 cent/pound; vượt 7.000-8.000 pound bị phạt 560 USD cộng 8 cent/pound; 8.000-10.000 pound bị phạt 1.200 USD cộng 15 cent/pound và vượt 10.000 pound mức tiền phạt là 2.000 USD cộng 20 cent/pound.

Giả sử một xe chở quá tải trọng 10.500 pound (4,7 tấn) thì phải trả tiền phạt lên đến 4.100 USD (khoảng 95 triệu đồng). Con số này chưa bao gồm chi phí kiểm tra tải trọng, lệ phí tòa án, thuế...

Bên cạnh đó, nếu xe quá tải gây tai nạn hoặc làm hư hại công trình, hạ tầng giao thông thì tài xế sẽ bị xem xét trách nhiệm bổ sung, thậm chí hình sự. Chi phí bồi thường, sửa chữa đường sá được cộng dồn vào tiền phạt. Lúc này, số tiền phạt là không giới hạn, kèm giờ lao động công ích hoặc hình phạt tù.

Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất thế giới từ vấn nạn xe quá tải. Thống kê của cơ quan phụ trách an toàn đường bộ, khoảng 70 cây cầu đã bị sập, hư hại và 8 người chết do xe quá tải trong giai đoạn 2006-2016.

Ngoài việc tăng nặng mức phạt tiền, Trung Quốc áp dụng một số quy định mới như cấm vĩnh viễn phương tiện lưu thông khi bị phát hiện chở quá tải trọng ba lần trong một năm. Quyết định xử phạt này cũng áp dụng đối với cơ sở bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa sử dụng xe tải. Trung Quốc cũng cấm việc thay đổi kết cấu, hình dáng thùng xe tải để tăng tải trọng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng Việt Nam cần áp dụng công nghệ cao để phát hiện, xử lý xe quá tải. Ông đề xuất mô hình cân cảm ứng chuyển động kết hợp camera đọc biển số ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ.

Mô hình gồm hệ thống cân cảm ứng đặt ngầm dưới mặt đường và camera nhận diện biển số. Bộ cảm biến trọng lượng thường được đặt ở tuyến có lưu lượng xe tải lớn. Khi xe quá tải đi qua, hệ thống sẽ báo khối lượng, vận tốc và biển số xe về trung tâm quản lý làm căn cứ để xử phạt.

 Tnet4iot.com

Mô tả hệ thống cân cảm biến Weigh-in motion. Ảnh: Tnet4iot

Theo ông Tuấn, hệ thống cân điện tử tại trạm đang được áp dụng ở Việt Nam yêu cầu phương tiện dừng hẳn mới có thể ghi nhận được tải trọng, trong khi hệ thống cân cảm ứng (weigh-in motion) vẫn xác định được trọng lượng của xe ngay cả khi chuyển động.

"Độ sai số của công nghệ này không đáng kể, tương đương 95-98% so với cân điện tử truyền thống. Công nghệ này đã được thử nghiệm tại Việt Nam nhưng chưa đưa vào sử dụng do thiếu văn bản hướng dẫn và quy định trong luật liên quan", ông Tuấn nói.

Để phát huy hiệu quả của công nghệ này, một số nước như Mỹ, Canada, Anh lắp đặt trạm cân, cân cảm ứng để kiểm soát xe quá tải ở hầu hết tuyến đường có mật độ xe tải lớn. Ngoài ra, một số khu vực còn được lắp đặt thêm cân cảm ứng tốc độ cao, có thể đo được tải trọng ngay khi phương tiện di chuyển với vận tốc lớn.

Về chiến lược dài hơi, ông Thủy đề xuất mở rộng và tăng cường chất lượng mạng lưới đường sắt nhằm giảm thiểu tác động của xe quá tải lên hạ tầng đường bộ trong tương lai. Bốn nước dẫn đầu thế giới về quy mô đường sắt đều nằm trong nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, Mỹ có mạng lưới đường sắt lớn nhất với tổng chiều dài 250.000 km, theo sau là Trung Quốc 100.000 km, Nga 85.000 km và Ấn Độ 65.000 km.

Chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng cao tốc luôn cao hơn so với hệ thống ray đường sắt; việc tu sửa, bảo dưỡng khi đường sá xuống cấp do xe quá tải cũng đắt đỏ hơn. Việc thúc đẩy vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sẽ hạn chế xe tải lưu thông trên đường, tăng tuổi thọ hạ tầng giao thông.

Sơn Hà

Read Entire Article