Biến thể phụ BA.4 và BA.5 lây lan nhanh, Covid-19 lại làm “chao đảo” thế giới

1 year ago 137

BA.4 và BA.5 được cho là “bậc thầy” trong việc né tránh kháng thể do vaccine tạo ra và do từng lây nhiễm.

Biến thể phụ BA.4 và BA.5 hiện là các chủng SARS-CoV-2 gây lo ngại lớn khi chúng đang lây lan nhanh và trở thành biến thể chủ đạo với 55% tổng số ca mắc Covid-19 mới trên toàn cầu. Điều này có thể là lý do khiến nhiều quốc gia đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 mới.

Mức độ nguy hiểm của BA.4 và BA.5

Biến thể phụ BA.4 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2022 tại Nam Phi. BA.5 cũng được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 2/2022.

Tulio de Oliviera, Giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Nam Phi, cho biết, BA.4 và BA.5 có kiểu protein gai tương tự như Omicron “tàng hình” BA.2, ngoại trừ một vài đột biến bổ sung.

Một báo cáo của nhóm nghiên cứu Nhật Bản phát hiện ra rằng, trong thử nghiệm nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, biến thể phụ BA.4 và BA.5 có thể lây nhiễm sang các tế bào phổi cao hơn so với BA.2. Trong các thí nghiệm trên chuột đồng, hai biến thể này gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Nam Phi và Anh cho thấy làn sóng biến thể BA.4 và BA.5 không gây ra sự gia tăng đáng kể về số ca mắc bệnh nặng và tử vong.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết, dù hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 không gây nguy hiểm hơn so với biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn.

Theo WHO, việc gây bệnh nặng và khiến cho các ca tử vong tăng lên của BA.5 không bằng Delta song chúng có khả năng lây nhiễm cho những người từng mắc Omicron và những biến thể trước đó.

Nguy cơ bùng phát dịch trước BA.4 và BA.5

Reuters dẫn thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, số ca mắc hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 chiếm hơn 70% tổng số ca Covid-19 ở Mỹ.

BA.4 đang chiếm 16,5% số ca giải trình tự gen, trong khi đó BA.5 chiếm tới 53,6%. Thống kê được tính đến hết ngày 2/7 và được CDC công bố cuối ngày 5/7.

Tỷ lệ này tăng so với dữ liệu của vào cuối tháng 6, khi BA.4 và BA.5 ước tính chiếm 52% số ca mắc bệnh mới tại Mỹ.

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine Covid-19 thay đổi thiết kế của các mũi tiêm tăng cường bắt đầu từ mùa thu này, bao gồm các thành phần được điều chỉnh để chống lại BA.4 và BA.5.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), số ca mắc Covid-19 ở Anh tăng 32% so với tuần trước với ước tính khoảng 2,3 triệu người nhiễm bệnh.

ONS cho biết, sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Anh có thể được thúc đẩy bởi sự lây lan của hai biến thể BA.4 và BA.5.

Số bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện tại Anh ngày càng tăng. Ngày 30/6, Anh ghi nhận gần 9.000 bệnh nhân Covid-19 nằm viện và con số này đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 7.

Các quan chức y tế bang New South Wales của Australia ngày 4/7 cảnh báo bang này đang đối mặt với làn sóng Covid-19 mới, đồng thời kêu gọi người dân tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Bộ trưởng Y tế New South Wales Brad Hazzard cho rằng bang này đang ở giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 3 biến thể Omicron, có khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Theo ông Hazzard, đợt bùng phát này liên quan các biến thể BA.4 và BA.5 .

Theo các chuyên gia Australia, để ứng phó với làn sóng Covid-19 mới, bên cạnh việc tiêm mũi vaccine tăng cường, người dân cần duy trì đeo khẩu trang ở những không gian kín.

New Zealand cũng đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 mới khi số ca mắc bệnh gia tăng và xuất hiện nhiều biến thể mới.

Ngày 5/7, New Zealand ghi nhận 9.629 ca mắc Covid-19 mới. Trung bình trong 7 ngày qua, số ca mắc bệnh mới tại quốc gia này là 7.246 người/ngày, tăng so với mức 5.480 người/ngày trong 7 ngày của tuần trước đó.

Michael Baker, chuyên gia y tế công cộng thuộc trường Đại học Otago, và các quan chức y tế của New Zealand kêu gọi chính phủ và người dân áp dụng trở lại một số hạn chế cơ bản để ứng phó với dịch bệnh, như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn và tự cách ly nếu mắc Covid-19, thay vì theo đuổi mục tiêu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch như hiện tại.

Dịch Covid-19 cũng có dấu hiệu bùng phát trở lại tại châu Âu do tác động của biến thể phụ BA.5. Số ca ở một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Bồ Đào Nha. Tại Pháp và Italy, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới đã liên tục tăng kể từ cuối tháng 5, với số ca mắc bệnh trung bình trong 7 ngày đã tăng gấp 4-5 lần tính từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7.

Bộ trưởng Y tế Pháp Brigitte Bourguignon đã yêu cầu người dân quay trở lại đeo khẩu trang ở khu vực đông người, đặc biệt trên các phương tiện giao thông công cộng. Giám đốc trung tâm tiêm chủng quốc gia Pháp Alain Fischer cũng ủng hộ áp dụng trở lại một số biện pháp phòng dịch ngằm ngăn chặn virus lây lan.

Tại Italy, số ca mắc Covid-19 cũng có chiều hướng gia tăng. Ngày 5/7, Bộ Y tế Italy cho biết, nước này ghi nhận 132.274 ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 2/2 với 118.994 ca bệnh mới.

Tình hình dịch bệnh tại châu Á dường như cũng không khả quan hơn. Indonesia và Philippines đã phát hiện các ca nhiễm BA.4 và BA.5. Các quan chức Indonesia cho rằng làn sóng lây nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 có thể đạt đỉnh vào tháng 7. Tuần trước, Hiệp hội Bác sĩ Indonesia kêu gọi chính phủ áp đặt lại quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng và xét nghiệm PCR đối với di chuyển nội địa.

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cũng cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho một đợt lây nhiễm mới, có thể xảy ra trong vài tháng tới.

Tiến sỹ Kumitaa Theva Das, chuyên gia virus học của Đại học Sains Malaysia, khuyến nghị người dân Malaysia nên duy trì thói quen vệ sinh như rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người và đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tại Singapore, khoảng 45% số ca mắc mới trong cộng đồng trong tuần qua do 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5.

“BA.4 và BA.5 có thể đã dẫn đến sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây. Còn quá sớm để khẳng định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng chúng ta đã thấy hai biến thể phụ này gây ra tác động lớn đến một số quốc gia trên thế giới”, Tom Inglesby, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc của Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết./.

Read Entire Article