Bộ Ngoại giao thông tin về tình hình hai công dân Việt bị điều tra ở Tây Ban Nha

1 year ago 177

Tình hình bảo hộ công dân ở nước ngoài

Trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 7/7, thông tin về vụ việc 2 công dân Việt Nam bị điều tra ở Tây Ban Nha và các biện pháp bảo hộ công dân, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết ngày 1/7, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin về 2 trường hợp này. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã nhận được thông báo từ cảnh sát Tây Ban Nha.

Đại sứ quán đã khẩn trương bước đầu triển khai các biện pháp bảo hộ công dân. Hiện nay Đại sứ quán vẫn tiếp tục theo dõi vụ việc, sẵn sàng triển khai các biện pháp hỗ trợ công dân theo đúng quy định của pháp luật sở tại và của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm, các cơ quan chức năng Tây Ban Nha đang trong quá trình thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ điều tra vụ án. 2 công dân nói trên sức khỏe bình thường, được hỗ trợ pháp lý theo đúng quy định.

"Thông tin về vụ việc cũng như những vụ việc liên quan đến bảo hộ công dân sẽ được Bộ Ngoại giao cung cấp theo đúng chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam", bà Hằng nhấn mạnh.

Về tình hình người Việt Nam bị lừa đảo đi lao động ở Campuchia, người phát ngôn thông tin thêm như sau: thực hiện chỉ đạo, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương ở trong nước, đặc biệt là ở các địa phương giáp biên giới và các cơ quan chức năng của Campuchia thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước, như lập các nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân, đăng cảnh báo lên tài khoản trang điện tử và mạng xã hội của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã có đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, cũng như có đường dây nóng của Cục lãnh sự để tiếp nhận thông tin về các nạn nhân, cũng như những thông tin cảnh báo khác.

Với sự phối hợp của các cơ quan trong nước và phía Campuchia, cho tới nay, các cơ quan hai bên đã đưa về nước khoảng 400 trường hợp, hướng dẫn can thiệp và hỗ trợ pháp lý khoảng 1.500 trường hợp công dân gặp khó khăn trong xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hay vi phạm quy định của nước sở tại. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trong nước và Campuchia để tăng cường điều tra, kịp thời xử lý các vụ việc để sớm đẩy lùi tình trạng này.

Mỹ tuyên bố hợp tác với Việt Nam chống đánh cá trái phép

Về thông tin Nhà Trắng tuyên bố sẽ hợp tác với Việt Nam để chống đánh cá trái phép (IUU), bà Lê Thị Thu Hằng nói: "Chúng tôi quan tâm đến thông tin này".

Quan điểm của Việt Nam về vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần. Việt Nam chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển, duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác các nguồn lợi thủy sản, tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU và các công ước, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia là thành viên. Trong đó phải kể đến Hiệp định thực thi các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa, Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn chống lại đánh bắt IUU của FAO, bà Hằng nhấn mạnh.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đồng thời triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu, hạn chế hoạt động khai thác IUU, ngăn chặn, chấm dứt việc tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Các cơ quan chức năng cũng như các địa phương ven biển của Việt Nam thường xuyên quản lý, tuyên truyền, giáo dục và triển khai các biện pháp cụ thể để ngư dân tuân thủ pháp luật của Việt Nam, tôn trọng các vùng biển các nước được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Việt Nam cũng tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các diễn đàn quốc tế, các kế hoạch hành động của khu vực về chống đánh bắt IUU (RPOAIUU), cũng như luôn sẵn sàng cùng các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong chống khai thác IUU, thúc đẩy quản lý nghề cá hiệu quả, bền vững, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Read Entire Article