Bộ trưởng GTVT: Không để nhà thầu chịu thiệt do giá vật liệu xây dựng 'leo thang'

1 year ago 62

 Không để nhà thầu chịu thiệt do giá vật liệu xây dựng 'leo thang' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn ngày 9/6. Ảnh: VGP

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, giao thông vận tải (GTVT) là mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển đến đâu kinh tế phát triển đến đó. Ngành GTVT luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ, có một số biểu hiện lãng phí trong quá trình thực hiện.

“Với trách nhiệm của mình, ngành GTVT xin nhận những hạn chế, khuyết điểm này”, người đứng đầu ngành giao thông nói. Bộ trưởng cũng chia sẻ: "Hôm nay, tôi rất may mắn được Quốc hội chọn để chất vấn và tôi cho rằng đây là cơ hội để chúng tôi có thể giải trình những vấn đề ngành đang phụ trách trước Quốc hội, trước nhân dân".

Trả lời đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) về áp lực triển khai hơn 2.000 km đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: Áp lực khá lớn, nhưng các đại biểu không lo thiếu vốn khi thực hiện dự án. Bởi theo Luật Đầu tư công phải cân đối đủ vốn thì dự án mới được phê duyệt đầu tư.

Bên cạnh vấn đề về vốn triển khai, giải phóng mặt bằng cũng là thách thức khi các dự án đi qua nhiều địa phương. Bộ GTVT sẽ đồng hành cùng các địa phương, dồn toàn lực vào khâu giải phóng mặt bằng để có đủ ‘mặt bằng sạch’ cho thi công.

“Để hoàn thành 2.000 km cao tốc là khối lượng công việc rất lớn, khó khăn không ít, nhưng chúng tôi tin tưởng, với kinh nghiệm của ngành, Bộ GTVT sẽ cố gắng hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết với Chính phủ, với nhân dân cả nước”, Bộ trưởng nói.

Không để nhà thầu thiệt khi giá vật liệu xây dựng tăng cao

Với câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) về việc giải quyết khó khăn biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trước tình hình biến động giá xăng dầu, tình hình chiến sự Nga-Ukraine, vật giá leo thang… Bộ GTVT đã họp với Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ cùng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở công trường.

Theo quy định, địa phương sẽ báo giá vật liệu, nhiên liệu từ 1-3 tháng. Hiện, có 37 địa phương thông báo hằng tháng về giá vật liệu, các địa phương còn lại báo 3 tháng/1 lần. Tuy nhiên, do giá vật liệu xây dựng leo thang, Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương có cao tốc đi qua tập trung thông báo 1 tháng/1 lần để nhà đầu tư kịp thời cập nhật tình hình biến động giá.

“Những dự án lớn trong hợp đồng đều có điều khoản về việc biến động giá. Nếu các địa phương thông báo cập nhật giá kịp thời hoàn toàn có thể điều chỉnh. Nhưng thực tế hiện nay, giá vật liệu biến động nhanh nhưng cơ chế chậm nên ít nhiều đã ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu. Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có giải pháp xử lý phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Cùng nỗi lo lắng về biến động giá vật liệu, trả lời đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành GTVT đang phối hợp rất chặt chẽ với địa phương, các bộ, ngành nắm diễn biến của các công trường. Căn cứ vào sổ nhật ký công trình, kiểm tra nghiệm thu cơ sở để điều chỉnh giá, tổ chức nghiệm thu thường xuyên để tổng hợp và áp dụng điều chỉnh giá vật liệu sát với thực tế.

“Nếu các nhà thầu làm công khai, minh bạch thì các đơn vị liên quan của Bộ sẽ xử lý rất nhanh gọn. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung tối đa để rút ngắn thời gian thanh, quyết toán; xác định khối lượng để các nhà thầu không bị thiệt thòi trong quá trình thi công do giá cả vật liệu leo thang”, Bộ trưởng khẳng định.

 Không để nhà thầu chịu thiệt do giá vật liệu xây dựng 'leo thang' - Ảnh 2.

Những khu vực chưa có mỏ vật liệu Bộ GTVT cũng yêu cầu tư vấn điều tra, khảo sát, bổ sung đưa vào quy hoạch của địa phương để đưa về các mỏ dọc theo tuyến cao tốc được triển khai

Bộ GTVT đã lập hồ sơ đánh giá kỹ các mỏ vật liệu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Nam Sinh (đoàn An Giang) về giải pháp nâng cao năng lực quản lý các dự án và bảo đảm các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay sẽ khởi công.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc thiếu nguyên vật liệu xây dựng nên sẽ rất khó khăn cho các địa phương khi triển khai dự án.

Về giải pháp nâng cao năng lực quản lý các dự án, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, ở các địa phương có từ 3 - 4 ban quản lý dự án (QLDA) chuyên nghiệp làm tất cả công trình, bao gồm cả giao thông, xây dựng, nông nghiệp, cả các dự án từ nguồn vốn ODA.

Bộ GTVT đang kiến nghị chính quyền địa phương chọn ra ban QLDA mạnh nhất, tập hợp lực lượng tốt nhất về ban quản lý chủ lực cho tỉnh. Các ban QLDA cũng có thể thuê các chuyên gia, người có kinh nghiệm ở các cơ quan đơn vị, tập hợp lại thành một lực lượng mạnh hoặc có thể liên doanh, liên kết với các ban QLDA ở Trung ương của Bộ GTVT hoặc các bộ, ngành để phối hợp thành một liên doanh điều hành dự án.

Về vấn đề thiếu vật liệu, Bộ trưởng cho biết, từ những bài học kinh nghiệm triển khai cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, với các dự án ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Bộ GTVT đã lập hồ sơ đánh giá kỹ lưỡng các mỏ vật liệu. Những khu vực chưa có mỏ vật liệu Bộ GTVT cũng yêu cầu tư vấn điều tra, khảo sát, bổ sung đưa vào quy hoạch của địa phương để đưa về các mỏ dọc theo tuyến cao tốc được triển khai.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT sẽ báo cáo với Chính phủ làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp bởi đây là những tỉnh có trữ lượng mỏ cát tốt nhất có thể hỗ trợ cho các dự án khu vực Cần Thơ, Cà Mau (những khu vực không có cát sông).

Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu cát biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, theo đánh giá có trữ lượng lên đến 1 tỷ khối, các tiêu chuẩn về hạt, kích thước bảo đảm. Tuy nhiên, trước khi đưa vào sử dụng các đơn vị vẫn đang thực hiện các đánh giá về tác động môi trường.

“Để bảo đảm các nguồn cung ứng vật tư cho công trình, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam, tôi cho rằng các địa phương cần đoàn kết, thống nhất với nhau. An Giang, Đồng Tháp hỗ trợ các tỉnh về mỏ cát, còn các tỉnh ở ven biển sẽ hỗ trợ An Giang, Đồng Tháp về cát biển để sao cho sử dụng cát biển nhiều, cát sông ít và vì mục tiêu cao nhất đó là hoàn thành các dự án trọng điểm của đất nước”, Bộ trưởng chia sẻ.

Thanh tra, kiểm toán đồng hành, không ảnh hưởng tới nhà thầu

Về ý kiến đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng việc mời các cơ quan công an, kiểm toán, thanh tra tham gia ngay từ đầu khi triển khai dự án sẽ làm tăng thêm áp lực cho doanh nghiệp, chậm thêm tiến độ thi công của dự án, Bộ trưởng GTVT khẳng định: “Sự tham gia của lực lượng thanh tra, kiểm toán không ảnh hưởng tới các nhà thầu”.

Trong quá trình triển khai cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan vào vào cuộc, đồng hành cùng Bộ GTVT giám sát từ khâu lập dự án, thiết kế, tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện của nhà thầu.

“Các cơ quan này chỉ làm việc với Bộ GTVT. Bộ có trách nhiệm làm việc với các nhà thầu. Chúng tôi tin rằng, sự tham gia đồng hành của các đơn vị thanh tra, kiểm toán như vậy sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, giúp công việc triển khai dự án tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Nghiên cứu việc hình thành quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

Đối với ý kiến đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu về việc tiếp sức cho nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia hợp đồng công – tư với nhà nước thì chính phủ các nước thường hình thành quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để huy động nguồn vốn từ xã hội và vốn của nhà nước để cho các nhà đầu tư tư nhân vay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là nội dung Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, giao cho Bộ GTVT cùng các bộ, ngành nghiên cứu.

“Chúng ta rất mong hình thành một quỹ, trong đó có sự đóng góp vốn của các nhà hảo tâm, có thể có cơ chế lãi suất để tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước. Ý kiến đại biểu nêu, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, nghiên cứu”, Bộ trưởng nói.

Trước phiên trả lời chất vấn, Bộ GTVT đã gửi báo cáo giải trình cho đại biểu Quốc hội, nêu sơ bộ tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm như 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và 12 dự án giai đoạn 2021-2025. Tiến độ sân bay Long Thành, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội...

Ngoài những dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng GTVT thừa nhận một số dự án giao thông chậm tiến độ, chất lượng có vấn đề và có biểu hiện thất thoát, lãng phí và nhiều dự án BOT có vướng mắc. Bộ GTVT đã nghiêm túc tiếp thu, nhận những hạn chế, khuyết điểm này.

Cụ thể, trong 4 năm qua, Bộ GTVT đã rà soát tổng thể 70 trạm thu phí BOT và nhận thấy 21 trạm thu phí còn tồn tại bất cập. Đối với các trạm thu phí BOT chưa được thu phí hoặc bị vỡ phương án tài chính, Bộ GTVT đã đưa ra phương án sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Bộ GTVT cũng để ngỏ khả năng đề xuất lộ trình tăng phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT nhưng không gây tác động nhiều đến chi phí vận chuyển hàng hóa và chính sách điều tiết nền kinh tế.

Đối với tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT khẳng định trong năm 2022 sẽ có thêm 4 dự án thành phần về đích gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. 6 dự án còn lại sẽ về đích trong năm 2023 và 2024.

Về tiến độ sân bay Long Thành, Bộ GTVT cho biết tường rào ranh giới của toàn bộ dự án chưa được xây dựng, việc giải phóng mặt bằng còn "xôi đỗ" dẫn đến khó khăn trong việc san nền. Bộ GTVT đã thành lập ban chỉ đạo do một thứ trưởng làm trưởng ban để đôn đốc tiến độ dự án.

Phan Trang


Read Entire Article