Bốn yếu tố khiến người xưa coi trọng phép tắc, lễ tiết

2 years ago 303

Thời cổ đại, gõ cửa cũng phải theo phép tắc, trước tiên gõ một tiếng rồi dừng lại một chút để người bên trong nhà nghe thấy, nếu không có ai mở cửa thì gõ tiếp hai tiếng, tuyệt đối không được gõ quá ba tiếng. Nếu như gõ liên tục nhiều tiếng thì đó không phải là gõ cửa mà là đập cửa. Thời xưa, đập cửa là để báo tang có người mất. Cho nên, chỉ cần không phải là báo tang thì sẽ không được gõ cửa liên hồi nhiều tiếng. Đây đều là những quy định, phép tắc mà người xưa định ra. Có thể thấy, khuôn phép, phép tắc từ những điều nhỏ nhất là điều cổ nhân rất coi trọng.

Vậy vì sao người xưa lại coi trọng khuôn phép, phép tắc như vậy? Có bốn yếu tố thể hiện tầm quan trọng của khuôn phép, phép tắc như sau:

Phép tắc là lễ tiết

Cổ ngữ nói: “Lễ giả, kính nhân dã”, ý nói người có lễ thì kính trọng người. Tuân thủ lễ tiết là thể hiện của lòng tôn kính phát ra từ nội tâm. Khi một người không biết lễ tiết thì tự nhiên sẽ mất đi dáng vẻ trang trọng và tâm kính sợ. Nếu một gia đình đánh mất phép tắc, ai cũng không giữ lễ tiết thì gia đình sẽ loạn.

Thời Tam Quốc, Mã Siêu muốn góp sức với Lưu Bị, Lưu Bị phong Mã Siêu làm Bình Tây tướng quân, phong làm Đô Đình hầu. Mã Siêu đắc ý sinh tâm cao ngạo, khi nói chuyện với Lưu Bị đều gọi thẳng tên thật. Quan Vũ và Trương Phi thấy vậy trong lòng rất tức giận, quyết định giáo huấn Mã Siêu một phen.

Ngày hôm sau, Lưu Bị hội kiến Mã Siêu, Quan Vũ và Trương Phi cầm vũ khí đứng hai bên Lưu Bị rất trang nghiêm. Mã Siêu một mình tiến vào, ngồi xuống mới phát hiện Quan Vũ và Trương Phi đứng bên cạnh. Mã Siêu nhất thời hiểu ra, từ đó về sau không dám thất lễ đối với Lưu Bị nữa.

Gia Cát Lượng nói: “Tương bất khả kiêu, kiêu tắc thất lễ, thất lễ tắc nhân li, nhân li tắc chúng bạn”, làm tướng là không thể kiêu ngạo, kiêu ngạo thì sẽ thất lễ, thất lễ thì dân sẽ rời xa, dân chúng rời xa thì tất sẽ loạn.

Thất lễ là biểu hiện của ngạo mạn, của không tôn trọng người khác. Một người biết giữ lễ tiết phép tắc thì trong tâm ắt sẽ khiêm tốn, nhún nhường. Một gia đình biết giữ lễ tiết phép tắc thì có thể hưng vượng. Một quốc gia biết giữ lễ tiết phép tắc thì sẽ hưng thịnh.

Giữ phép tắc là trí tuệ

Cổ nhân giảng: “Dục thành phương diện viên nhi tùy kì quy củ, tắc vạn sự chi công hình hĩ”, nghĩa là muốn sự thành thì tuân theo phép tắc. Trong cuộc sống, rất nhiều sự tình chỉ cần chúng ta tuân thủ theo phép tắc thì sẽ dễ làm và có thể đạt được thành công. Cũng có những sự tình nếu chúng ta không tuân theo phép tắc thì sẽ bị rối loạn, thậm chí bị phá hỏng. Cho nên, tuân theo phép tắc là một loại trí tuệ.

Triều nhà Minh, văn học gia, chính trị gia Từ Giai từng giám sát việc thi cử ở Chiết Giang. Có hai thư sinh vì muốn đạt được vị trí cống sinh mà ở công đường tranh cãi. Từ Giai ở trên công đường một mực chuyên tâm xem xét bài, không để ý đến hai người họ. Một lúc sau, lại có hai thư sinh vì muốn nhường lại vị trí cống sinh mà tranh cãi với nhau. Từ Giai vẫn như cũ, không để ý đến họ.

Sau khi xem xét bài vở xong, Từ Giai gọi mấy thư sinh kia lại và nói: “Ta không hy vọng có người tranh đoạt, cũng không hy vọng có người nhượng bộ. Điều này được ghi rõ ràng trong nội quy học tập. Tất cả việc tuyển sinh được xác định bằng điểm và ta không có quyền thay đổi điều đó. Tất cả mọi người chỉ cần tuân theo các quy tắc là được rồi!” Thế là việc tranh cãi kia tự nhiên dừng lại. Thông thường, càng là những người có thành tựu trong đời thì đều là người biết lập phép tắc và tuân thủ phép tắc. 

Lúc Hán Quang Đế Lưu Tú còn làm Đại ti mã, một người hầu của ông đã phạm pháp và đã bị Tế Tuân xử trảm theo pháp luật. Không ngờ, Lưu Tú không những không trừng trị Tế Tuân mà còn để ông phụ trách quân pháp. Ông còn nói với các hạ thần: “Ngay cả người nhà của ta, Tế Tuân cũng dám giết, các ngươi nhất định nên cẩn thận!”

Chính nhờ điều này, quân đội của Lưu Tú mới có kỷ luật nghiêm minh, luôn giành được nhiều chiến thắng, cuối cùng giúp Lưu Tú bình định được thiên hạ.

Giữ phép tắc là khắc chế chính mình

Cổ nhân thường nói: “Nghiêm vu luật kỷ, khoan dĩ đãi nhân”, nghiêm khắc với bản thân, khoan dung đãi người. Phép tắc là những ràng buộc bên ngoài, nhưng cũng giúp người ta tu tỉnh lại bên trong bản thân mình. Khi một người biến những quy tắc bên ngoài thành những quy tắc bên trong tâm mình thì người ấy sẽ có thể kiềm chế và hoàn thiện được chính mình.

Diệp Tồn Nhân là vị quan triều nhà Thanh, ông làm quan hơn ba mươi năm, luôn đạm bạc, tiết kiệm, chưa từng tham của công. Lúc ông nghỉ hưu về quê, đồng nghiệp tặng ông lễ vật, vì để tránh tai mắt của mọi người nên họ đến tặng ông vào ban đêm.

Diệp Tồn Nhân đã trả lại nguyên những lễ vật ấy. Ông còn nói: “Không sợ người biết, sợ mình biết”.

Cổ ngữ có câu: “Người quân tử, bên trong không lừa dối mình, bên ngoài không lừa dối người, bên trên không lừa dối trời, ngay cả khi ở một mình cũng thận trọng. Tiểu nhân thì trái lại!” Người quân tử, bất luận là ở hoàn cảnh nào cũng đều có thể giữ được mình. Họ ngẩng đầu không hổ thẹn với trời, cúi đầu không hổ thẹn với đất, luôn tuân thủ phép tắc của người có đạo đức cao thượng.

Giữ phép tắc là nhân phẩm

Thời Tống Nhân Tông trị vì, Trần Chấp Trung được phong làm Tể tướng. Con rể của ông đã tìm đến, mong muốn được giúp cho một chức quan. Trần Chấp Trung nói: “Quan chức của quốc gia không phải thư họa trong phòng, sao có thể tùy tiện cấp cho ngươi được?” Con rể của Trần Chấp Trung nhiều lần xin nhưng Trần Chấp Trung trước sau đều không đồng ý.

Một số gián quan lúc bấy giờ cho rằng trình độ của Trần Chấp Trung không đủ làm Tể tướng nên đã đề nghị Hoàng đế thay ông ta. Nhưng Hoàng đế Tông Nhân Tông nói: “Những người khác cố nhiên là thông minh, nhưng Trần Chấp Trung lại giữ được phép tắc nên để ông ta làm Tể tướng, ta cảm thấy an tâm!”

Thời xưa, khi một người được Thiên tử tin tưởng, được giao phó cho trách nhiệm thì đó nhất định là người có nhân cách tốt đẹp chứ không hẳn là vì bản sự hay trí tuệ của người ấy.

Có câu chuyện kể rằng, lúc Triệu Khuông Dận làm tướng lĩnh thời Hậu Chu đã từng yêu cầu Tào Bân, người bưng trà và rượu bên cạnh Hoàng đế phải hầu rượu ông.

Tào Bân nói: “Rượu này là của công, không thể cấp cho ngài được”. Thế là, Tào Bân đã tự bỏ tiền ra mua rượu và mời Triệu Khuông Dận uống. Sau này, Triệu Khuông Dận lên làm Hoàng đế đã nói: “Quan lại trong triều, Tào Bân là người giữ phép tắc nhất!”

Triệu Khuông Dận cũng coi Tào Bân như tâm phúc của mình, trọng dụng Tào Bân. Tào Bân giữ mình, quân pháp nghiêm minh, lập được công lao lớn trong chiến tranh thống nhất thời Bắc Tống. Nhờ phẩm hạnh của mình, Tào Bân từ một viên quan nhỏ cai quản việc trà rượu, cuối cùng được thăng chức làm Bắc Tống xu mật sứ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Read Entire Article