Cùng với việc nới lỏng các biện pháp chống dịch của chính phủ Trung Quốc và sự lo lắng của người dân khi các chuyên gia nước này dự đoán sẽ có đến 80 – 90% dân số mắc Covid-19, một làn sóng mua, tích trữ các loại thuốc và trang thiết bị y tế đã bùng nổ ở Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, sau việc các loại thuốc như “Liên Hoa Thanh Ôn” – một loại thuốc điều trị sốt, cảm cúm và Covid-19 truyền thống của Trung Quốc, khẩu trang, bộ kít xét nghiệm tăng giá và hết hàng ở nhiều nhà thuốc trên toàn Trung Quốc. Thuốc kháng viêm Ibuprofen, một loại thuốc được cho là có tác dụng làm giảm triệu chứng của Covid-19 bắt đầu khan hiếm, hiện cũng đã hết hàng.
Người dân đứng xếp hàng trước một hiệu thuốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/12/2022. Ảnh: ReutersLoại thuốc nước “Lanqin” sử dụng bằng cách uống, được người tiêu dùng coi là một giải pháp thay thế thích hợp, cũng đang bán rất chạy và khoảng 50% loại thuốc này tại các hiệu thuốc thực tế đã hết hàng. Tuy nhiên, so với Ibuprofen, loại thuốc nước này vẫn được bán trên các nền tảng thương mại điện tử và giá cả không đồng nhất do thương hiệu và thông số kỹ thuật khác nhau.
Nhiều người dân đổ xô tích trữ các loại thuốc liên quan đến Covid-19, làm cho mặt hàng này khan hiếm, dẫn đến giá cả nhiều loại thuốc tăng cao. Trước tình trạng đó, các cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã phải vào cuộc trấn áp hành vi bán và tích trữ các loại thuốc, nguyên liệu liên quan đến dịch bệnh.
Cơ quan quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh đã phát hiện vi phạm của một công ty vật tư y tế đã bán bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên phát hiện Covid-19 với giá tăng cao đến 273,9% so với giá trị thực tế, đồng thời quyết định cảnh cáo và phạt hành chính công ty này với số tiền lên đến 200.000 NDT (khoảng 28.000 USD).
Cơ quan quản lý thị trường thành phố Vũ Hán, cũng đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra biến động giá cả các nguyên vật liệu liên quan đến dịch bệnh. Hiện đã điều tra, xử lý 9 trường hợp kê khống giá thuốc.
Dưới sự bùng nổ của việc mua và tích trữ thuốc, một số tin đồn đã lan truyền trên mạng xã hội về việc những quả đào vàng đóng hộp có thể chữa được cảm lạnh và sốt. Các chuyên gia y tế và nhà sản xuất Trung Quốc phải lên tiếng bác bỏ tin đồn này.
Chính sách chống dịch của Trung Quốc được xem là một bước ngoặt đột ngột, với việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, nhiều người đã lo lắng vì các chuyên gia dự đoán 80 - 90% người dân cuối cùng có thể sẽ bị nhiễm bệnh. Trước tình hình đó, một số nhân vật có ảnh hưởng với công chúng của Trung Quốc đã phải lên tiếng để xoa dịu sự lo lắng của người dân./.