Cà Mau nâng tầm sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu

2 years ago 194

Trong các ngành hàng xuất khẩu, ngành hàng chủ lực từ sản phẩm con tôm. Với hướng nghề nuôi tôm đến năm 2025 giữ ổn định khoảng 280.000 ha, tập trung gia tăng năng suất, sản lượng, yếu tố chất lượng, Cà Mau phát triển nghề nuôi tôm, nhất là tôm sinh thái với mục tiêu đạt 49.000 ha, tập trung tại rừng Năm Căn, huyện Ngọc Hiển; Phú Tân; Tôm - lúa ở Thới Bình; U Minh; một phần thuộc Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Cùng với đó là phát triển các hình thức nuôi cua xen canh với tôm và các đối tượng thủy sản khác với diện tích khoảng 250.000 ha.

Với các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các thị trường truyền thống, như: Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc,…, Cà Mau hướng đến phát triển xuất khẩu sản phẩm tôm tại các thị trường tiềm năng, thông qua các hiệp định thương mại đã được ký kết, tăng cường xúc tiến thương mại. Mục tiêu đạt 5,649 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó năm 2025 xuất khẩu tôm phấn đấu ước đạt 1,210 tỷ USD.

Cà Mau nâng tầm sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu ảnh 1

Tận dụng lợi thế từ điều kiện tự nhiên, Cà Mau phát triển tôm nhằm gia tăng tính cạnh tranh thị trường xuất khẩu mang tính đặc thù.

Tuy không có lợi thế về sản xuất lúa - gạo so với các tỉnh ĐBSCL, nhưng Cà Mau cũng đã hình thành nên những vùng sản xuất lúa rộng lớn, mang tính bền vững, tạo ra lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng cao giá trị gia tăng, điển hình là sản phẩm gạo hữu cơ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xuất khẩu gạo hữu cơ đạt 22 triệu USD (tương đương 540 tỷ đồng) tại các thị trường: Singapore, Châu Âu, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Trong năm 2021, Cà Mau quyết tâm xây dựng vùng lúa nguyên liệu hữu cơ tại các vùng sản xuất lúa - tôm, trọng điểm tại Thới Bình và các xã vùng ven TP Cà Mau: Lý Văn Lâm, An Xuyên với diện tích khoảng 800 ha, năng suất ước đạt 4 tấn/ha; phấn đấu đến 2025, nâng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ lên 2.500 ha, dành 50% cho xuất khẩu, thu về 7,2 triệu USD (tương đương 175 tỷ đồng).

Với lợi thế về hệ sinh thái, lĩnh vực lâm nghiệp được Cà Mau ưu tiên phát triển rừng kinh tế thâm canh, đa dạng hình thức trồng rừng lấy gỗ. Các hình thức liên kết sản xuất ngành hàng gỗ theo chuỗi giá trị, từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thu sản phẩm được địa phương triển khai đồng bộ, thao sự đồng thuận của người dân, cũng như doanh nghiệp tham gia, mang lại nhiều tính hiệu tốt đẹp trong những năm gần đây và dự báo triển vọng phát triển cao hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, có 90% diện tích rừng sản xuất có phương án quản lý rừng bền vững với 54.000 ha (24.000 ha rừng ngập mặn, 30.000 ha rừng U Minh hạ), doanh thu cho giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 20 triệu USD từ chế biến gỗ, thị trường tập trung vào khu vực Châu Âu.

Cà Mau nâng tầm sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu ảnh 2

"Cái nôi" của bánh phồng tôm Cà Mau chính là vùng đất bạt ngàn rừng đước, rừng mắm thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn.

Theo Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Trần Văn Thức, thời gian tới Tỉnh phấn đấu xây dựng 10.000 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; 100% sản phẩm khai thác cây rừng được truy xuất nguồn gốc lâm sản hợp pháp; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý truy suất nguồn gốc lâm sản hợp pháp.

Cà Mau hướng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp bình quân khoảng 8%/năm cho giai đoạn 2021 - 2025. Với quyết tâm phát triển, nâng cấp 65 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, đến năm 2025, Cà Mau quyết tâm có từ 05 sản phẩm nông nghiệp trở lên đạt điều kiện xuất khẩu.

Đặc biệt, đây là mục tiêu hướng đến nhằm tăng tỷ trọng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm; đảm bảo việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn bền vững, tăng thu nhập của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động, phấn đấu góp phần đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh trong giai đoạn (2021 - 2025) là 6,5 - 7%/năm.

Read Entire Article