Cách để khoái hoạt trong tâm của thiền sư Vô Môn

2 years ago 133

Cuộc sống như thế nào mới là một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc? Không ít người cho rằng có nhà cửa khang trang, có quyền thế và danh vọng thì mới vui vẻ. Thế nhưng, trên thực tế không ít người có được cuộc sống mà được mọi người đều hâm mộ ao ước nhưng lại không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Họ thường sống trong sự trống trải và lo lắng, phiền muộn và trầm cảm, hàng ngày trong tâm lại phân vân giữa quyền lợi, tiền bạc và đạo đức.  (Ảnh qua: Vision Times)

Làm thế nào để cuộc sống của chúng ta nhiều hơn một chút hạnh phúc hơn và ít hơn một chút muộn phiền, đây có lẽ luôn là một câu hỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm. Vị thiền sư Vô Môn Khai Huệ thời nhà Tống từng hỏi các môn đồ rằng: “Ta không hỏi trước ngày mười lăm thì các sư như thế nào, ta chỉ muốn hỏi sau ngày mười lăm các sư như thế nào?”

Các môn đồ của ông nhìn nhau, trong lúc nhất thời không biết trả lời như thế nào. Thế là thiền sư Vô Môn Khai Huệ liền nói cho họ biết: “Mỗi ngày đều là ngày tốt!”

Đúng như lời thiền sư Vô Môn nói, nếu chúng ta sống mà mỗi ngày đều lấy tâm thái tốt đẹp để đối đãi thì mỗi ngày đều là một ngày tốt đẹp. Nếu trong tâm chúng ta luôn trân quý mỗi ngày hiện tại, gặp người nào, sự tình nào đều “tùy duyên mà sống, tùy ngộ mà an” thì nơi đâu cũng là nơi lành, người nào cũng là người tốt và ngày nào cũng là những ngày tươi đẹp đáng sống. Có thể thấy, điều cốt yếu vẫn là ở cái tâm của chúng ta đối đãi với hoàn cảnh ra sao.

Vậy như thế nào mới chân chính khoái hoạt trong tâm? Bài thơ thiền “Vô môn quan” của thiền sư Vô Môn Khai Huệ được lưu truyền qua các thời đại có thể cho chúng ta câu trả lời. Trong bài thơ, thiền sư Viết:

“Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt.
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu
Tiện thị nhân gian hảo thì tiết.

Tạm dịch nghĩa:

“Xuân có trăm hoa, thu có trăng
Hạ có gió mát, đông có tuyết
Nếu lòng thư thái không lo nghĩ
Đó là khoảng đẹp nơi thế gian”

Toàn bộ bài thơ “Vô môn quan” của thiền sư Vô Môn Huệ Khai chỉ vẻn vẹn có 28 chữ, câu thơ đơn giản dễ hiểu, thậm chí có những người chưa từng đi học mà nghe qua cũng có thể hiểu được nội dung của bài nhưng lại có thể chỉ ra nguồn gốc để cái tâm được vui vẻ khoái hoạt.

Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt. Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết, những câu thơ này viết về cái đẹp của bốn mùa trong năm, chính là hoa của mùa xuân, trăng của mùa thu, gió mát của mùa hạ và tuyết của mùa đông. Rất nhiều người thường nói rằng, một năm có bốn mùa và mùa xuân là mùa đẹp nhất. Nói như vậy kỳ thực là có chỗ thiên lệch. Mùa hè mặc dù nóng bức, nhưng gặp được cơn gió mát thì cũng sẽ thấy vô cùng thoải mái dễ chịu, ánh trăng của mùa thu lại được các thi nhân xưa nay đều yêu thích, còn cảnh tuyết mùa đông lại có ý vị riêng, đặc biệt là cảnh hoa mai nở trong tuyết trắng khiến con người cảm nhận được vẻ đẹp, dũng khí và sức mạnh.

Kỳ thực, đời người cũng như bốn mùa, khoảng thời gian nào cũng có cái đẹp riêng. Lúc còn nhỏ thì tươi đẹp như mùa xuân, sống động và đáng yêu, tâm hồn luôn trong sáng và lương thiện. Thời niên thiếu thì học hành chăm chỉ để mưu cầu danh lợi, tuy gian khổ vất vả một chút nhưng cũng đáng giá. Mùa thu là mùa thu hoạch, lúc này cũng là lúc con người đạt được những thành tựu nhất định, công thành danh toại, tiếng tăm vang xa thiên hạ. Tuổi lão niên lại giống như mùa đông, cáo lão hồi hương, vui vầy với con cháu và bạn bè. Con người sống cả đời, mỗi khoảng thời gian đều có cái hay cái đẹp, đừng tiếc tuổi trẻ của quá khứ cũng đừng lo lắng tuổi già của tương lai, chỉ cần ít hối hận thì đã là một loại hưởng thụ rồi.

Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu. Tiện thị nhân gian hảo thì tiết”Chữ “nhàn” trong câu này diễn tả cội nguồn của nỗi khổ ở đời theo cách nhìn nhận của thiền sư. Ở mỗi mùa khác nhau sẽ có những việc khác nhau, đó chính là sự phù hợp. “Nhàn sự” là việc đâu đâu, không liên quan tới mình, nếu một người làm những việc không phù hợp thì cũng chính là “nhàn sự”. Giống như, khi tuổi còn trẻ lại nghỉ ngơi, dưỡng lão như của người già, còn khi về già thì lại quan tâm đến những việc của thanh niên trẻ tuổi. Đây đều là những việc không phù hợp. Nếu một người đã làm những việc không phù hợp thì tất sẽ không có khả năng thành công. Nếu một người không làm ra những việc không phù hợp này thì sẽ không có những điều phiền não trong tâm và như thế mỗi ngày sẽ đều là những ngày tốt đẹp.

Từ nội dung của bài thơ, chúng ta cũng hiểu được rằng, một người không nên nghĩ quá nhiều về những điều mà bản thân không có khả năng làm được, vì như thế là tự làm khổ chính mình. Phải học được cách buông bỏ, đó mới là cội nguồn của hạnh phúc.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Read Entire Article