Cảm ngộ: Lựa chọn thiện ác quyết định vận mệnh tương lai

2 years ago 224

Phương Tây có câu ngạn ngữ rằng: “Không có một hạt mưa nào nhận rằng mình tạo thành nạn lụt cả!” Con người cũng giống như vậy, khi một dây xích những việc ác đủ dài, dài đến mức người ta không nhìn thấy được toàn bộ thì mỗi người là một mắt xích trong đó sẽ đều cho rằng mình vô tội.  Lựa chọn thiện ác quyết định vận mệnh tương lai(Ảnh qua Soundofhope)

Cổ ngữ nói: “Người đang làm, Trời đang nhìn”. Bất kể sự tình gì xảy ra trong cuộc sống đều không phải là vô duyên vô cớ, không có liên quan đến bản thân mỗi người. Mà trái lại, hết thảy đều là đang khảo nghiệm và xung động đến lòng trắc ẩn, sự thiện lương của mỗi người chúng ta, đo lường cái tâm của chúng ta. Dùng thiện niệm hay ác niệm đối mặt với sự tình ấy, sự sai khác ở một niệm ấy sẽ dẫn đến phúc báo hay ác báo mà chúng ta nhận được. 

Trong vở ca kịch nổi tiếng “Đậu Nga oan” của nhà văn Quan Hán Khanh đời nhà Nguyên, tác phẩm được sáng tác dựa trên câu chuyện có thật về nỗi oan khuất “Đông Hải Hiếu Phụ” được ghi trong “Liệt Nữ truyện”, nàng Đậu Nga bị ép nhận tội đầu độc. Khi Đậu Nga hàm oan bị giải đến pháp trường, trước lúc hành hình, tên tham quan hỏi Đậu Nga còn có lời nào muốn nói nữa không?

Đậu Nga trả lời rằng: “Xin hãy ban cho tôi một mảnh lụa trắng dài ba thước treo lên một cây sào cao trăm thước. Nếu như tôi bị oan, một giọt máu nóng cũng sẽ không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia. Nếu như tôi bị oan, đầu rơi xuống đất, trời sẽ có tuyết rơi lả tả. Nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết trời sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”.

Tên tham quan bĩu môi và lắc đầu nói: “Thật là ngu muội! Hoang đường!”. Trong lòng ông ta nghĩ thầm: “Tháng 6 mùa hè oi bức như thế này sao lại có tuyết rơi được chứ? Xưa nay, người ta chỉ thấy máu chảy xuống đất, ta thật muốn xem thử máu sao lại có thể bay lên trên được?” Thế là tên tham quan lệnh cho người ta lấy một dải lụa trắng dài ba thước treo lên cây sào cao.

Tên đao phủ vừa hạ đao xuống, một dòng máu nóng của Đậu Nga giống như kỳ tích đã bắn lên dải lụa trắng treo ở giữa không trung, không một giọt nào rơi xuống đất. Khi đầu của Đậu Nga bị chặt đứt, quả nhiên gió lớn nổi lên, tuyết bay khắp trời.

Mới giây phút trước, mọi người còn lưng đẫm mồ hôi, vậy mà giờ đây chỉ trong nháy mắt, người nào người nấy lạnh hết xương sống, sợ hãi chạy về nhà, miệng không ngừng nói “chuyện lạ, chuyện lạ”.

Sau khi Đậu Nga chết, quả thật là trời đã hạn hán 3 năm, không trồng trọt thu hoạch được gì. Dân chúng địa phương ai ai cũng đều biết rằng ông trời bất bình vì nỗi oan của Đậu Nga.

Mấy năm sau, cha của Đậu Nga thi đậu bảng vàng, trở thành quan lớn. Khi trở về quê nhà, ông đã phúc thẩm lại vụ án của Đậu Nga, xử trảm Trương Lư Nhi người đã đổ tội cho Đậu Nga và tên tham quan xử trảm Đậu Nga, rửa sạch nỗi oan khuất cho con gái.

Bà con trong làng kéo đến viếng thăm cha của Đậu Nga, nói: “Ngay từ đầu chúng tôi đã biết Đậu Nga bị oan, tiếc rằng chúng tôi đều sợ quyền thế của tên tham quan đó nên chỉ dám hận chứ không dám nói gì. Nhưng chúng tôi cũng không hề hãm hại Đậu Nga, cớ sao lại phải chịu nạn hạn hán trong suốt 3 năm này chứ?”

Cha của Đậu Nga đáp: “Mọi người đã biết rõ Đậu Nga bị oan, vậy mà lại không dám nói một lời công đạo, đó gọi là bất nghĩa. Còn có những người tin tưởng tham quan, cho rằng Đậu Nga thật sự giết người, vu tội người trung lương, đó gọi là bất nhân. Trời cao có mắt, không có tai bay vạ gió, thiên tai nhân họa chính là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa!”

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sống nơi thế gian thì cần phải sống thiện lương, làm nhiều việc thiện, tích nhiều đức sẽ đắc được nhiều phúc báo. Mặt khác, ai ai cũng nhất định cần phải phân rõ đúng sai, giữ vững chính nghĩa, chống lại tà ác, như vậy mới có được sự bảo hộ của Thần Phật, khi tai họa ập đến mới có thể không bị liên lụy.

Có rất nhiều người nói rằng bản thân mình bình thường cũng hay giúp đỡ người khác, bố thí người nghèo khó. Họ cho rằng đây chính là bao quát hết toàn bộ sự lương thiện rồi. Tuy nhiên, khi đứng trước đúng sai, thiện ác, họ lại không phân biệt được, thậm chí biết rõ cũng không có dũng khí lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích bản thân. Họ biện hộ rằng thân mình còn lo chưa xong thì sao quản được chuyện thiên hạ?

Người xưa giảng: “Thiên nhân hợp nhất”, bản tính của con người vốn là đồng tính với thiên thể vũ trụ, giữa con người và trời đất là có cảm ứng. Cổ ngữ cũng nói: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri”, nghĩa là khi tâm con người sinh ra một niệm thì cả Trời và Đất đều biết hết. Trong cuộc sống, khi một sự tình nào đó xuất hiện, phản ứng của một người lúc nghe thấy, nhìn thấy, trong tâm lựa chọn ra sao chính là thể hiện của sự lựa chọn giữa thiện và ác, chính và tà. Nếu như gặp phải một sự tình lớn lao có thể mang đến thiên tai đại kiếp, thì phúc họa của một người còn hay mất có thể được quyết định bởi chính một niệm xuất ra ngay lúc ấy. Sự sai khác chỉ một niệm sẽ mang đến đường đời khác biệt tựa như trời với đất vậy.

Read Entire Article