'Cần sớm di dời hộ dân sống trong biệt thự cũ ở Hà Nội'

2 years ago 89

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nói việc nhà nước bố trí người dân vào ở biệt thự cũ là chính sách phù hợp với giai đoạn trước, khi nền kinh tế còn rất khó khăn, chưa có nhiều công trình nhà ở. Sau vài chục năm, việc người dân tiếp tục bám trụ tại các căn nhà này đặt ra nhiều vấn đề về quy hoạch, bảo tồn, an toàn phòng cháy chữa cháy...

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay, theo ông Nghiêm, là nhà nước có chính sách di dời dân, giúp họ ổn định cuộc sống nơi ở mới. Việc này gặp không ít vướng mắc khi ít hộ rời đi do thiếu kinh phí. Người dân ở đây cũng quen với việc đi lại thuận tiện, xung quanh có nhiều trường học, bệnh viện tốt do biệt thự cũ đều nằm ở vị trí đắc địa. Nhiều hộ kinh doanh phát đạt nhờ vào vị trí các căn biệt thự.

"Vì vậy, chính sách phải thật sự ưu đãi, không gian sống nơi mới phải tốt hơn nơi cũ. Những hộ có thu nhập gắn với vị trí căn biệt thự cần được ưu tiên về giá nhà đất, địa điểm để họ tái định cư", ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm một số nước. Tại Singapore, một số biệt thự kiểu Hoa do người Trung Quốc xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước đã được cải tạo thành điểm du lịch, văn hóa. Số còn lại được bán cho người dân dùng như căn hộ bình thường, nhưng chỉ cho một hộ gia đình. Tại Nhật Bản, để bảo tồn biệt thự cổ, chính phủ phải bỏ rất nhiều tiền để khuyến khích người dân tìm nơi ở mới hoặc bố trí cho họ các căn nhà khác.

 Phạm Chiểu

Một góc căn biệt thự số 4 Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba Đình. Căn biệt thự này đang có 12 hộ dân sinh sống. Ảnh: Phạm Chiểu

Giáo sư Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, cũng cho rằng cần sớm giải tỏa người dân ra khỏi những căn biệt thự cũ để sửa hoặc xây mới. Khi đó, giá trị những căn biệt thự sẽ cao hơn nhiều so với tình trạng hiện tại. Mỗi biệt thự có diện tích sàn 200-300 m2 chứa đến gần 20 hộ gia đình là không phù hợp với chính sách nhà ở theo Nghị quyết 06/2022 của Bộ Chính trị (diện tích sàn nhà tối thiểu tại đô thị là 28 m2/người vào năm 2025 và 32 m2/người vào 2030).

Có hộ sống ở biệt thự cũ tới 2-3 thế hệ, không gian thiếu ánh sáng, thiếu không khí, nhếch nhác, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu và theo ông Liên "rất khó chấp nhận khi tồn tại ngay giữa thủ đô". Ngoài ra, môi trường sống chật hẹp còn có nguy cơ cháy nổ; công trình xuống cấp, nguy hiểm khi người dân tự ý cơi nới, sửa chữa không phép.

Rất nhiều nhà đầu tư muốn được cải tạo, xây mới những biệt thự xuống cấp. Tuy nhiên, việc di dời những hộ dân sống trong đó không đơn giản. Giáo sư Liên cho rằng chính quyền thành phố phải là trung gian hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư. "Nhà đầu tư muốn tham gia cải tạo biệt thự cũ cũng khó vì không thể gặp lần lượt 20 hộ dân ở mỗi căn để làm việc. Nhà nước cần làm thay để tạo thuận lợi, cũng như thu hút nguồn vốn", ông nói.

Đồng ý với các hướng xử lý biệt thự cũ của TP Hà Nội, trong đó ưu tiên bảo tồn những căn giá trị; bán những căn xuống cấp, ít giá trị..., KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đề xuất thành phố đấu giá biệt thự để có vốn tái định cư cho người dân. "Giá trị thương mại của những căn biệt thự này có thể đến hàng triệu USD. Đây là nguồn vốn lớn giúp thành phố xây nhà ở xã hội với mức giá ưu đãi cho người dân", ông Tùng nói.

Ngoài ra, Hà Nội cần tận dụng việc dỡ bỏ những căn biệt thự xuống cấp để có thêm quỹ đất phát triển các công trình công cộng, văn hóa trong nội đô, vốn đã quá chật hẹp hiện nay.

Quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Hà Nội chủ yếu được hình thành khi thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ và chủ yếu nằm trên các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Các biệt thự do nhiều công ty kinh doanh nhà quản lý và cho các hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng thuê nhà ở cũ.

Cuối năm 2013, thành phố ban hành danh mục biệt thự thuộc đối tượng quản lý và sử dụng theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội". Theo đó, có 1.253 biệt thự cũ được phân loại thành các nhóm 1, 2, 3, 4 dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa; giá trị nghệ thuật, kiến trúc; quy hoạch cảnh quan đô thị; tính nguyên bản; công năng sở hữu.

Thành phố đề xuất 4 hướng xử lý những căn này. Một là bảo tồn biệt thự nhóm 1, 2, tức là những căn có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, phù hợp quy hoạch. Hai là có cơ chế để tổ chức, cá nhân cải tạo biệt thự cũ. Ba là tiếp tục bán 600 căn ở nhóm 3, 4. Bốn là đấu giá cho thuê 207 biệt thự không được bán.

Cần sớm di dời hộ dân sống trong biệt thự cũ ở Hà Nội - 1

Sơn Hà

Read Entire Article