Cha đẻ "phần mềm quốc dân Việt Nam" Unikey lộ diện: Rời bỏ vị trí Giám đốc AI sau 8 năm gắn bó, đầu quân sang MoMo

2 years ago 121

Bến đỗ mới của cha đẻ bộ gõ tiếng Việt Unikey

Xuất hiện trước báo giới, Hội đồng AI của MoMo bất ngờ có thêm một cái tên mới khá quen mặt trong giới công nghệ - Phạm Kim Long – cha đẻ "phần mềm quốc dân Việt Nam" Unikey.

Long là một nhân vật kín tiếng trong giới công nghệ, người đã tạo ra bộ gõ tiếng Việt siêu nhỏ gọn Unikey khi mới chỉ là sinh viên năm cuối ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 1994. Anh tốt nghiệp loại giỏi ngành công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1996, sau đó học tập và làm việc tại Cộng hòa Séc 10 năm.

Trở lại Việt Nam, Phạm Kim Long đầu quân cho IBM Việt Nam, FPT Telecom. VNG là công ty gần nhất ông đầu quân, với vị trí Giám đốc Zalo AI.

"Sau 8 năm làm việc tại công ty cũ, tôi cũng xác định mình nên có sự thay đổi mới mẻ hơn, thách thức hơn trong công việc, tạo ra những sản phẩm có sức ảnh hưởng hơn", Phạm Kim Long bộc bạch.

Tại MoMo, ông Long phụ trách các nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.

Khi được hỏi câu hỏi khá nhạy cảm về việc "so găng" giữa nơi cũ và chốn mới, ông Long chia sẻ khá chừng mực: "VNG cụ thể là Zalo là công ty tôi làm 8 năm, có nhiều gắn bó và cảm xúc, và cũng rất kính trọng anh Minh (ông Lê Hồng Minh – TGĐ VNG), anh Khải (Vương Quang Khải – Phó TGĐ VNG), làm việc rất gắn bó với anh Khải. Zalo đầu tư AI rất lớn".

"Để so sánh với MoMo, AI ở Zalo hơi bay bổng hơn chút. Sau 8 năm, tôi cũng muốn có những thách thức mới thiết thực hơn. Lĩnh vực fintech hoàn toàn mới với mình. Điểm hấp dẫn ở MoMo là dịch vụ gắn đa dạng với đời sống của con người. Tiếp xúc với các anh lãnh đạo MoMo, cảm nhận được việc các anh rất quý người và có độ tin tưởng rất lớn".

'Dùng AI làm những thứ cao xa nhưng không ứng dụng được chính là thất bại'

 Rời bỏ vị trí Giám đốc AI sau 8 năm gắn bó, đầu quân sang MoMo - Ảnh 1.

* Từng làm việc cho rất nhiều tập đoàn và công ty công nghệ lớn một thời gian dài, cơ duyên nào đã khiến anh thay đổi và về với MoMo?

Sau 8 năm làm việc tại công ty cũ, tôi cũng xác định mình nên có sự thay đổi mới mẻ hơn, thách thức hơn trong công việc, tạo ra những sản phẩm có sức ảnh hưởng hơn.

Trước đây tôi cũng không biết nhiều về MoMo, nhưng sau buổi hẹn đầu tiên cùng anh Nguyễn Mạnh Tường (Phó Chủ Tịch HĐQT & Co-CEO) và anh Thái Trí Hùng (Phó Tổng Giám Đốc - CTO), và sau đó là buổi gặp mặt với cả ban lãnh đạo công nghệ của MoMo, tôi nhận thấy tầm nhìn và hướng đi của MoMo thật sự gắn liền với cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người dân. Với tầm nhìn đó, tôi tin đây là một công việc hấp dẫn, tạo ra giá trị cho đông đảo người dùng.

Ngoài ra, anh Tường có "đặt hàng" bài toán sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để xây dựng chatbot chăm sóc khách hàng. Tôi thấy đây là bài khá hay, và cũng gần với các công việc tôi đã làm.

* Trước đây anh cũng đã có những sản phẩm tạo ra giá trị và có sức ảnh hưởng đến xã hội, vậy bây giờ về MoMo giải những bài toán này có khác biệt gì lớn không?

Tôi nhận thấy những bài toán mà anh Tường và anh Hùng đặt ra như hệ thống eKYC (nhận diện khách hàng thông qua ảnh chụp và giấy tờ tùy thân), hay chatbot đều rất thực tế, rất quan trọng với sản phẩm lõi của MoMo. Tôi thấy có nhiều thách thức và cũng nhiều động lực khi công việc mình làm có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn, giúp cải tiến trải nghiệm của người dùng.

* Anh có thể chia sẻ rõ hơn về bài toán chatbot chăm sóc khách hàng mà các anh đang xây dựng?

Với các dịch vụ có hàng chục triệu người dùng như MoMo, việc chăm sóc khách hàng cần phải có sự hỗ trợ của các hệ thống giao tiếp chatbot thông minh bên cạnh các nhân viên chăm sóc khách hàng. Chatbot với khả năng hiểu ngôn ngữ có thể trả lời các câu hỏi thường gặp, xử lý các tác vụ đơn giản thông qua kênh chat của ứng dụng.

Chatbot cũng có thể hoạt động như lớp giao tiếp ban đầu, hỏi các thông tin sơ bộ của khách hàng, phân luồng xử lý rồi chuyển thông tin đến nhân viên hỗ trợ. Một hệ thống chatbot như vậy sẽ giúp xử lý được nhiều yêu cầu của khách hàng hơn, thời gian nhân viên xử lý mỗi yêu cầu nhanh hơn.

* Anh nhìn nhận thế nào về vai trò của AI trong các sản phẩm công nghệ?

AI có thể là phần lõi quan trọng, hoặc phần tạo nên khác biệt của nhiều sản phẩm, nhưng để một sản phẩm thành công còn cần rất nhiều thành phần khác, mà công sức bỏ ra có thể lớn hơn nhiều phần lõi AI. Nếu dùng AI làm những thứ cao xa, với công nghệ mới nhất, các chỉ số mô hình AI đẹp nhất, nhưng cuối cùng trải nghiệm người dùng không "mượt mà", người dùng không thích, thì cũng là thất bại.

* Anh có sở thích cá nhân nào không?

Sở thích giải trí cá nhân số một của tôi là xem phim, đặc biệt là phim hình sự, tôi thích sự kịch tính và những cú ngoặt mà mình không đoán trước được.

Ngoài ra, tôi cũng rất thích đi du lịch, nhưng chắc có lẽ khác với các bạn trẻ MoMo năng động thì tôi chỉ đi du lịch nghỉ dưỡng. Gần đây tôi cũng hay học và đánh cờ vua online.

* Cuốn sách tâm đắc của anh?

Năm ngoái tôi có đọc một quyển sách có tên "AI Superpowers" (Các cường quốc trí tuệ nhân tạo) của tác giả Kai-Fu Lee (Lý Khai Phục). Đây là một quyển sách vô cùng cuốn hút về sự phát triển AI của Trung Quốc. Cuốn sách đã cho thấy AI và Internet đã thay đổi sâu rộng cuộc sống và xã hội Trung Quốc như thế nào. Quả là không ngoa khi nói Trung Quốc là một "siêu cường" AI của thế giới.

* Anh có ghi nhớ một câu quote nào ấn tượng không?

Có một câu tôi nghe nhiều là "Change is the only constant in life" (Nôm na là "Thay đổi là bất biến duy nhất trong cuộc sống"). Câu này đặc biệt đúng với ngành công nghệ thông tin. Chỉ cần đứng yên một chỗ thì sau một vài năm là mình bị tụt hậu.

Những người theo đuổi ngành này này phải liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới, cũng khá là vất vả. Rất may mắn, tôi cũng là người thích học. Tôi hay học qua các nền tảng trực tuyến, qua các bài giảng video của những giáo sư ở các trường ở Mỹ như MIT, Berkeley, Stanford...

 Rời bỏ vị trí Giám đốc AI sau 8 năm gắn bó, đầu quân sang MoMo - Ảnh 2.

Bảo Bảo

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Read Entire Article