Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/5

1 year ago 76

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đạt kế hoạch đề ra. Để đẩy mạnh công tác này, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

1. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và  huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025".

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Khẩn trương rà soát, hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, theo đúng chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/5/2022.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty thực hiện nghiêm túc các kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, vi phạm quy định.

c) Tổng kết tình hình thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Rà soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội và các cơ chế, chính sách liên quan để thúc đẩy mạnh mẽ công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

3. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; phát huy vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

b) Tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

c) Trên cơ sở phương án đề xuất của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có nhà, đất), kịp thời phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của các doanh nghiệp cấp I thuộc Trung ương quản lý và nhà, đất của doanh nghiệp cấp I thuộc địa phương quản lý trên địa bàn địa phương khác theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

d) Đôn đốc các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý và doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý trên địa bàn địa phương khác theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, nghiên cứu, sửa đổi các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

5. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu:

a) Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 và Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Triển khai công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi cao nhất phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

c) Chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý rà soát, đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp; xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 để tổ chức thực hiện ngay.

d) Khẩn trương lập phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất gửi Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp cấp I) hoặc gửi lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) đối với doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III; trên cơ sở đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và pháp luật có liên quan.

đ) Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

e) Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp khi các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi lấy ý kiến; khẩn trương phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

7. Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, đến nay, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đi vào nền nếp, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, tạo điều kiện hơn cho học sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành học. Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, để Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Kỳ thi) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 được triển khai an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non; chịu trách nhiệm về đề thi cho Kỳ thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức Kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính thống nhất toàn quốc bảo đảm chính xác, an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học: Công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch; điều động, phân công viên chức, giảng viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương; bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, bao gồm: tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở tất cả các Điểm thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tham dự Kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại khi tham dự Kỳ thi; trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Thanh tra Chính phủ bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi.

Xây dựng phương án tổ chức thi cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và  Đào tạo xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chỉ đạo các cơ sở y tế ở Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch, khám chữa bệnh cho thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; chỉ  đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ hạ tầng viễn thông phục vụ Kỳ thi.

Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 305 cá nhân là các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, giành Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31)

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 305 cá nhân là các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, giành Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tổ chức tại Việt Nam năm 2022.

Danh sách 305 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại đây.

Trình Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Tờ trình số 476/TTr-TTg ngày 27/5/2022 trình Chủ tịch nước tặng: Huân chương Lao động hạng Nhì cho 4 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích thi đấu xuất sắc, giành Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tổ chức tại Việt Nam năm 2022.

Cụ thể, trình Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho 4 cá nhân:

1- Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng, Đội tuyển Bơi quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc giành 5 huy chương vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

2- Vận động viên Trần Hưng Nguyên, Đội tuyển Bơi quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc giành 4 huy chương vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

3- Vận động viên Nguyễn Thị Hương, Đội tuyển Canoeing quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc giành 5 huy chương vàng tại SEA Games 31.

4- Vận động viên Nguyễn Thị Oanh, Đội tuyển Điền kinh quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc giành 3 huy chương vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

Trình Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba cho 2 tập thể: Đội tuyển Bóng đá nam U23 quốc gia và Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

Trình Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba cho 19 cá nhân:

1- Vận động viên Lê Hoàng Phong, Đội tuyển Aerobic quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

2- Vận động viên Trần Ngọc Thúy Vi, Đội tuyển Aerobic quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

3- Vận động viên Hoàng Quý Phước, Đội tuyển Bơi quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

4- Vận động viên Nguyễn Hữu Kim Sơn, Đội tuyển Bơi quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

5- Vận động viên Phạm Thành Bảo, Đội tuyển Bơi quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

6- Vận động viên Trương Thị Phương, Đội tuyển Canoeing quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

7- Vận động viên Lò Thị Hoàng, Đội tuyển Điền kinh quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 01 huy chương vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

8- Vận động viên Nguyễn Thị Huyền, Đội tuyển Điền kinh quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

9- Vận động viên Quách Thị Lan, Đội tuyển Điền kinh quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

10- Vận động viên Nguyễn Văn Lai, Đội tuyển Điền kinh quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 02 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

11- Vận động viên Đặng Thu Hương, Đội tuyển Khiêu vũ thể thao quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

12- Vận động viên Nguyễn Đoàn Minh Trường, Đội tuyển Khiêu vũ thể thao quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

13- Vận động viên Nguyễn Thành Lộc, Đội tuyển Lặn quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng, lập 03 kỷ lục tại SEA Games 31.

14- Vận động viên Đinh Thị Hảo, Đội tuyển Rowing quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

15- Vận động viên Phạm Thị Huệ, Đội tuyển Rowing quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

16- Vận động viên Phạm Thị Thảo, Đội tuyển Rowing quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

17- Vận động viên Đinh Phương Thành, Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 03 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

18- Vận động viên Lại Gia Thành, Đội tuyển Cử tạ quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 1 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

19- Vận động viên Phạm Thị Hồng Thanh, Đội tuyển Cử tạ quốc gia đã có thành tích thi đấu đặc biệt xuất sắc, giành 1 Huy chương Vàng, lập 1 kỷ lục tại SEA Games 31.

Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 15/2022/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, thí điểm phân cấp cho UBND TP. Hải Phòng, UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa (UBND cấp tỉnh) thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị (điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung) trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

Các địa phương khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo thí điểm phân cấp phải bảo đảm tuân thủ các quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh cục bộ, nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại pháp luật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; các nội dung điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô, ranh giới, định hướng phát triển chung của khu chức năng, của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn khác có liên quan.

Trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung

Theo quy định thí điểm phân cấp, quy định tại Điều 39 Luật Xây dựng, Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị, UBND TP. Hải Phòng, UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tổ chức việc thực hiện các bước sau:

1- Lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.

2- Tổ chức lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.

3- Tổ chức thẩm định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.

4- Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

5- Cập nhật, công bố nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung theo quy định.

6- Báo cáo kết quả thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung theo hình thức gửi Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung

Quyết định quy định cụ thể lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung. Theo đó, phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh cục bộ và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung (nếu cần thiết).

Các ý kiến đóng góp của đại diện cộng đồng dân cư và các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) phải được tổng hợp, giải trình bằng văn bản. Các nội dung góp ý phải được phân tích, giải trình đầy đủ, làm cơ sở hoàn chỉnh phương án quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp, có tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến là một thành phần của hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung.

Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý kiến trực tiếp.

Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thời gian lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Xây dựng năm 2014; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Chậm nhất 15 ngày, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung phải được công bố công khai

Quyết định nêu rõ, UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung. Trước khi phê duyệt phải có  ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa UBND cấp tỉnh và Bộ Xây dựng về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thì UBND cấp tỉnh thực hiện theo ý kiến của Bộ Xây dựng.

Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung phải được đăng tải trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam (http://quyhoach.xaydung.gov.vn) và công bố công khai bằng các hình thức theo quy định tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất, sóng thần nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, tổ chức và mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ bộ, ngành trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần; hoàn thiện hệ thống kế hoạch quốc gia ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai, thảm họa cơ bản, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất và sóng thần.

Nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo kịp thời

Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện 5 nội dung về: Công tác phòng ngừa; tổ chức ứng phó; công tác khắc phục hậu quả; lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Về công tác phòng ngừa, Kế hoạch sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp, hiệu quả; gắn phát triển kinh tế-xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư; từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án; từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó; xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó..

Về tổ chức ứng phó: Tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân tại địa phương các tin động đất, sóng thần quy định; tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn; huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa; duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.

Công tác khắc phục hậu quả: Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp; tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền; huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân…

Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 646/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Hòa Phú Invest.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 có quy mô 85 ha tại xã Mai Đình và xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Vốn đầu tư của dự án là 1.093 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 166 tỷ đồng, vốn huy động 927 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày Dự  án được chấp thuận chủ trương đầu tư (27/5/2022) đến hết ngày 19/5/2066.

UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp vốn và huy động vốn đầu tư của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để xử lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư triển khai phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Dự án có quy mô 410,46 ha tại xã Tiên Thanh và xã cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng với nguồn vốn 4.597.460.000.000 đồng.

Công ty cổ phần đầu tư khu công nghiệp Tiên Thanh làm chủ đầu tư Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc theo dõi, chỉ đạo các khu công nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.

UBND TP. Hải Phòng bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; triển khai Dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, xác định việc đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng và các cơ quan có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể quy mô vốn đầu tư và tiến độ thực hiện Dự án theo từng giai đoạn, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; giám sát, đánh giá việc triển khai Dự án, trong đó có việc góp vốn và huy động vốn đầu tư đủ và đúng thời hạn của Nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan…

Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng – khu B tỉnh Hà Nam

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng-khu B tỉnh Hà Nam.

Theo chủ trương, Dự án trên được đầu tư tại phường Bạch Thượng và phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với quy mô 49,06 ha; tổng vốn đầu tư là 541.521.103.000 đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Nhựa là chủ  đầu tư Dự án.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc theo dõi, chỉ đạo các khu công nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh Hà Nam phải bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; thực hiện Dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, xác định Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất để thực hiện Dự án.

Đồng thời, bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai. Việc giao đất, cho thuê đất đối với thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý (nếu có) đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP).

Chỉ đạo các cơ quan có liên quan cập nhật vị trí và quy mô diện tích khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng-khu B vào quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021-2025, bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Hà Nam tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai…

Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 04/10/2017

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 04/10/2017.

Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án là 3.582 tỷ  đồng (tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg là 2.126 tỷ  đồng), trong đó, ngân sách nhà nước tỉnh Bến Tre 3.443,29 tỷ đồng (bao gồm: Vốn cân đối ngân sách địa phương theo tiêu chí, định mức; vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết; vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất; vốn đầu tư từ nguồn tăng thu xổ số kiến thiết; vốn đầu tư từ nguồn tăng thu sử dụng đất; vốn từ nguồn tăng thu ngân sách), các nhà đầu tư khác đầu tư các hạng mục thông tin liên lạc, cấp nước, trạm hạ áp cung cấp điện 138,71 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bến Tre là chủ đầu tư dự án.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 04/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, tỉnh Hưng Yên

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 27/5/2022 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, tỉnh Hưng Yên.

Dự án trên do Công ty TNHH phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện tại xã Trung Hưng, xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với quy mô 216 ha. Tổng mức vốn đầu tư Dự án là 2.682.500.000.000 đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc theo dõi, chỉ đạo các khu công nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh Hưng Yên bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; thực hiện Dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, xác định việc đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất; bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp đủ vốn và đúng thời hạn của Nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản…

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình

Tại Công văn số 466/TTg-NN ngày 27/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận UBND tỉnh Thái Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 33,3 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án đường trục huyện từ thị trấn Hưng Nhân đến thị trấn Hưng Hà (đường Long Hưng).

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý thông tin báo nêu "Cát nạo lên, tiền đổ xuống"

Báo Thanh niên ngày 25/4/2022 có bài "Cát nạo lên, tiền đổ xuống", trong đó nêu: Hàng trăm triệu tấn cát đã và đang được khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long bất kể hoạt động này được xem là thủ phạm chính gây sạt lở gần 500 km bờ sông, bờ biển, khiến ít nhất gần 20.000 hộ dân cần phải di dời và nhà nước tốn hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ, gây bức xúc trong dư luận xã hội và nhân dân.

Về vấn đề này, tại công văn số 3152/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không xuất khẩu cát.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Tổ công tác rà soát, hoàn thiện phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 27/5/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Tổ công tác rà soát, hoàn thiện phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ  Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu Bộ Y tế rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, làm rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục; trên cơ sở đó, căn cứ vào nguồn lực được bố trí và các quy định hiện hành, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tiêu chí lựa chọn dự án cần bố trí vốn, bảo đảm khả thi, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra; không bố trí, phân bổ vốn dàn trải, cào bằng, kém hiệu quả và không đạt mục tiêu đề ra, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Tổ công tác được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc Bộ Y tế và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; Tổ Công tác không xử lý, làm thay chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và các cấp có thẩm quyền theo phân công và quy định của pháp luật hiện hành. Bộ Y tế và các cơ quan liên quan phải chủ động xử lý công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xử lý theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.

Thành viên tổ công tác nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ  được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 24/5/2022; ưu tiên bố trí thời gian dự họp đầy đủ; trường hợp cử người dự họp thay thì phải được uỷ quyền bằng văn bản./.


Read Entire Article