Chuyên gia: Nhiều người tâm lý bất ổn nặng nề, có cả người rơi vào trạng thái hoảng loạn cấp độ nặng do dịch

2 years ago 247

Con số hàng nghìn người bị ảnh hưởng tâm lý bởi đại dịch

18h tối, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng (SN 1990, Hà Nội, trưởng nhóm dự án tham vấn tâm lý miễn phí: "Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch") vừa tư vấn, hỗ trợ một trường hợp tâm lý bất ổn nặng tại Nhật Bản. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, người này được anh và cộng sự kiểm tra, tư vấn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.

Gập máy, ray trán sau hàng tiếng đồng hồ "làm bạn" với khách hàng, anh Hoàng lắc đầu: "Dịch bệnh COVID-19 kéo dài quá, khiến nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần nặng nề".

Hơn một tháng qua, hàng ngày anh Hoàng và cộng sự liên tục nhận được 100 - 200 lượt người đăng ký xin tư vấn tâm lý. Với khoảng 50 chuyên gia tâm lý và bác sĩ cùng tham gia, đến nay đã có khoảng hơn 2000 người tham gia.

Anh Hoàng cho biết: "Trong khoảng thời gian qua, vì ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh kéo dài, những người tìm đến với chúng tôi đa phần đều có mức độ lo lắng và căng thẳng tăng cao. Hơn nữa, vì tình trạng giãn cách, mọi người khó có thể đến các cơ sở khám và trị liệu tâm lý cũng như tâm thần. Vì lẽ đó, với nguồn lực sẵn có, cộng thêm sự hỗ trợ từ những cộng tác viên tư vấn và các chuyên gia tâm lý, chúng tôi lập nên dự án tư vấn/tham vấn tâm lý miễn phí để hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn về tinh thần theo hình thức online thông qua ứng dụng Dr.Psy".

Ứng dụng Dr.Psy là ứng dụng được anh Hoàng và các cộng sự đầu tư thiết kế, giúp kết nối dễ dàng người cần hỗ trợ về tâm lý, tâm thần đến được với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần. Đặc biệt rất thích hợp trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hiện nay, khi mọi thứ đều chuyển thành online, làm việc từ xa.

Với hai năm làm công tác tham vấn và trị liệu tâm lý miễn phí cho mọi người trên các hội nhóm, anh Hoàng nhận thấy rất nhiều bạn trẻ có khó khăn tâm lý, nhưng không có điều kiện để đến trung tâm hay các bệnh viện để điều trị. Người có điều kiện thì không biết đến cơ sở nào uy tín, bị một số "chuyên gia tự xưng" không có bằng cấp, chuyên môn lừa mất tiền oan.

"Dự án này dành cho tất cả mọi người trên khắp cả nước, đặc biệt là những người đang ở trong tâm dịch. Ngoài ra, dự án cũng thu hút những người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi lập nhóm này cũng mong muốn nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận được đúng kiến thức, hiểu đúng bệnh của mình, như thế nào là bất ổn tâm lý, thế nào là trầm cảm, thế nào là tâm thần" anh Hoàng cho hay.

Hiện tại mỗi khách hàng khi đến với nhóm của anh Hoàng sẽ được hỗ trợ trung bình từ 1-2 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 90 phút. Anh Hoàng cho biết, khoảng 20-30% số bạn trẻ tìm đến nhóm anh có mức độ bất ổn tâm lý tương đối nặng.

 Nhiều người tâm lý bất ổn nặng nề, có cả người rơi vào trạng thái hoảng loạn cấp độ nặng do dịch - Ảnh 1.

Những trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Trong quá trình trị liệu và tham vấn tâm lý, anh Hoàng chia sẻ thêm rằng nhiều trường hợp tìm đến để được tham vấn và trị liệu đã có sẵn những yếu tố nội sinh, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh nên sự bất ổn về tâm lý đôi khi rất nặng nề.

Cách đây 10 ngày, anh Hoàng có tư vấn cho một bạn trẻ đang ở bên Nhật Bản, do dịch bệnh nên công việc kế toán của người này phải dừng lại. Sau khi bạn tìm đến sự hỗ trợ của anh Hoàng, anh nhận định trường hợp này đang có triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế, kèm theo một số dấu hiệu của loạn thần. Trường hợp này được đánh giá ở mức độ tương đối nặng về bất ổn tâm lý.

Tuy nhiên do dịch nên bạn không thể ra ngoài mua thuốc. Hơn nữa ở Nhật Bản mua thuốc rất khó, gửi thuốc từ Việt Nam sang cũng không phải là phương án khả thi.

"Đối với trường hợp này, một tuần tôi phải trị liệu 2 lần vì bạn ấy không sử dụng được thuốc và đang trong tình trạng căng thẳng, nguy hại. Ngoài việc tư vấn giúp ổn định tinh thần, tôi còn tập cùng bạn ấy những động tác giúp giữ bình tĩnh. Vì nhiều khi tự tập thì bạn ấy không thể thực hiện một mình. Điều này càng khiến các cơn lo âu, hoảng loạn tăng nặng hơn", anh Hoàng chia sẻ.

Hay một trường hợp khác về thai phụ ở TP HCM, chị được anh Hoàng hỗ trợ từ khi thai phụ này đang bầu tháng thứ 4 và hiện nay đang chuẩn bị sinh. Thai phụ này đã từng được chẩn đoán trầm cảm và phải dùng thuốc cách đây vài năm, sau đó có rối loạn lo âu và ám ảnh sợ ở mức độ nặng. Ám ảnh sợ này nặng đến mức thai phụ đang ngồi trong nhà mà có thể lao ra ngoài đường để tự tử. Chồng thai phụ phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn cô tự hại bằng các vật dụng sắc nhọn.

Về yếu tố gây tăng nặng tình trạng rối loạn lo âu, anh Hoàng nhận định do người thân của thai phụ ở xa, lâu ngày không gặp gỡ do dịch bệnh, chỉ có duy nhất hai vợ chồng hỗ trợ nhau, cộng thêm thói quen thường xuyên theo dõi những thông tin tiêu cực từ dịch bệnh khiến cho thai phụ càng rơi vào trạng thái căng thẳng, sợ hãi.

"Khi tiếp nhận trường hợp này, tôi đã dặn người chồng luôn phải để ý đến vợ. Tôi đã dùng các kỹ thuật trị liệu tâm lý với thai phụ trong vòng 4 tháng như: các kỹ thuật thư giãn, thách thức và tái cấu trúc nhận thức. Nói một cách dễ hiểu là giúp thai phụ nhận thức được những tư duy chưa phù hợp của mình, sau đó bắt đầu đề ra kế hoạch và các bài tập để thai phụ tập luyện hàng ngày. Suốt 4 tháng qua cô ấy không đã dần học cách không phụ thuộc vào việc uống thuốc nữa", anh Hoàng nói.

Ngoài trường hợp trên, theo anh Hoàng cũng có những người tìm đến nhóm trợ giúp trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng tâm lý bởi dịch bệnh như: áp lực kinh tế, cảm thấy chán nản do ở nhà lâu ngày, sức ép khi các dự định cá nhân bị hoãn hoặc hủy,…

Vị trưởng nhóm này cho biết, khi tiếp cận với những người có vấn đề về tâm lý, chuyên gia tham vấn tâm lý sẽ là những người lắng nghe giúp cho người đang có vướng mắc tâm lý giải toả được khúc mắc, tâm sự trong lòng, sau đó cùng họ lên một vài kế hoạch phù hợp để cải thiện sức khỏe tinh thần.

"Cái khó khăn nhất khi làm công việc này đó là phần lớn những người có biểu hiện trầm cảm và một số rối loạn khác đều mang tính trầm buồn, sống thu mình lại. Vì thế, chúng tôi phải làm sao khiến cho họ cảm thấy được thấu hiểu, được lắng nghe chia sẻ thì họ mới tin tưởng và bộc lộ được cảm xúc của chính mình, từ đó các chuyên gia mới có thể hỗ trợ được tốt nhất.

Thêm một phần khó khăn nữa là nhiều trường hợp sau khi tham gia chỉ 1-2 buổi, các bạn thấy ổn liền bỏ luôn các buổi tham vấn tiếp theo. Tuy nhiên một lộ trình tham vấn/trị liệu nên kéo dài trung bình từ 5-7 buổi.

Thường các buổi tham vấn tâm lý chuyên sâu thường được tiến hành từ buổi thứ 2, thứ 3 trở đi. Còn buổi đầu tiên, chúng tôi chỉ tiếp cận hỗ trợ tâm lý, hiểu hơn về khách hàng mà thôi. Tôi mong các bạn dù đã cơ bản cải thiện sức khỏe thì vẫn tiếp tục duy trì những điều mà chúng tôi đã tư vấn, đã hướng dẫn để mọi thứ có thể khôi phục hoàn toàn", anh Hoàng cho hay.

Hàng ngày, anh Hoàng tham gia tham vấn cho khoảng 6-8 trường hợp, từ 6h30 đến đêm muộn. Dù bận rộn là thế nhưng anh rất may mắn vì được bà xã ủng hộ, hơn nữa cứ mỗi khi nhìn thấy những dòng tin nhắn cảm ơn của mọi người được hỗ trợ ổn định là anh cùng các cộng sự lại cảm thấy ấm lòng.

 Nhiều người tâm lý bất ổn nặng nề, có cả người rơi vào trạng thái hoảng loạn cấp độ nặng do dịch - Ảnh 2.

Tinh thần lạc quan trong đại dịch là quan trọng nhất để giúp mọi người bước qua ranh giới khủng hoảng tâm lý. Ảnh minh họa.

Thời gian tới, sau khi Hà Nội hết giãn cách anh Hoàng và nhóm mong muốn được tiếp tục đồng hành với tất cả mọi người.

"Sau khi hết giãn cách nhóm chúng vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ những ai có nhu cầu được giúp đỡ, nhưng sẽ có chút thay đổi cho phù hợp với tình hình xã hội. Chúng tôi sẽ có thông báo chính thức khi mọi thứ được chuẩn bị kỹ càng". Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý và các bác sĩ tâm thần trong nhóm sẽ lập một cộng đồng để những người đang tham gia công việc này có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng tìm ra được điểm chung xóa bỏ ranh giới, ngồi lại với nhau để giúp mọi người tốt hơn", anh Hoàng cho biết mong muốn của bản thân và các thành viên trong nhóm cho dự định tương lai.

Ghi nhận nhiều ca COVID-19 mới, Hà Nội có tiếp tục giãn cách sau 21/9? Phân tích của hai chuyên gia

Lê Liên

Doanh nghiệp và tiếp thị

Read Entire Article