Cô gái có khả năng nhận diện siêu phàm

2 years ago 105
Đời sốngBài học sống

Thứ hai, 17/1/2022, 09:00 (GMT+7)

AustraliaYenny Seo thuộc nhóm 1% dân số thế giới có khả năng ghi nhớ và nhận ra gương mặt của bất kỳ người nào dù chỉ thoáng lướt qua họ trong vài giây.

Lúc nhỏ, Yenny Seo khiến mẹ ngạc nhiên khi cô nhận ra người lạ trong cửa hàng, bảo rằng họ đã đi qua cô trên phố tuần trước. Khi hai mẹ con cùng xem phim, cô bé cũng nhận ra những nhân vật phụ chỉ xuất hiện thoáng qua trong các bộ phim khác. Mẹ cô không bao giờ nghĩ rằng đây là một khả năng đặc biệt, mà chỉ cho rằng con gái mình tinh ý.

Yenny Seo cũng không ngờ khả năng này được gọi là của hiếm. Trò chơi yêu thích của cô gái này là mỗi khi gặp ai đó ngoài đường, cô sẽ lục lại trí nhớ để xem đã từng gặp người này ở đâu. Kết quả thường chính xác 100%.

"Thời nhỏ, với tôi đây là trò chơi thú vị. Tôi thích quan sát những gương mặt khác nhau", Yenny Seo chia sẻ.

 Guardian

Yenny Seo (áo đen) có khả năng nhận diện khuôn mặt của một người, dù chỉ gặp họ thoáng qua trên phố. Ảnh: Guardian

Sau này khi lớn lên và sử dụng mạng xã hội, Yenny Seo dần ý thức khả năng này của mình. Thời sinh viên, cô làm thêm trong một cửa hàng quần áo. Nhân viên bảo vệ từng cho cô xem hình ảnh một tên trộm vặt qua camera an ninh. Dù hình ảnh rất mờ nhưng lần kế tiếp đối tượng này vào cửa hàng, Seo đã nhận ra và báo cho bảo vệ.

Đến đầu những năm 2000, khoa học chưa mấy chú ý đến những người có khả năng như Seo. "Trong giới, các nhà khoa học gọi khả năng này là nhận diện khuôn mặt khác nhau", tiến sĩ David White từ Đại học New South Wales, Australia cho biết.

"Tôi nghĩ theo trực giác, mọi người tin rằng cách họ nhìn thế giới cũng giống như bao người khác. Các nhà khoa học cũng chia sẻ cùng trực giác đó", David White giải thích.

Vị tiến sĩ bắt đầu chú ý đến khả năng này khi ông nghiên cứu một căn bệnh hiếm gặp, được gọi là prosopagnosia. Căn bệnh sẽ xuất hiện khi một người bị tổn thương não, khiến cho họ mất đi khả năng nhận diện khuôn mặt, kể cả người thân, dù họ vẫn nhận ra những vật thể khác. "Đây là bằng chứng cho thấy bộ não được tổ chức để đảm trách các nhiệm vụ khác nhau, giống như ứng dụng trên điện thoại thông minh", David White nói.

Từ nghiên cứu này, tiến sĩ White tiếp tục nghiên cứu những người không bị tổn thương não và phát hiện có sự khác biệt rất lớn ở khả năng nhận diện khuôn mặt. Ông và cộng sự cho hay, chỉ có khoảng 1-2% dân số có khả năng siêu nhận diện, nghĩa là ghi nhớ và nhận ra nhiều gương mặt lạ chỉ sau một lần, dù thoáng gặp.

Hiện trên thế giới mới chỉ có 20 công trình nghiên cứu được công bố liên quan đến "trí nhớ siêu phàm". Các nhà khoa học mới chỉ dự đoán gene đóng vai trò quyết định, bởi khả năng này nếu có ở một cặp song sinh là hoàn toàn giống nhau.

Hơn mười năm qua, lực lượng cảnh sát nhiều nước bắt đầu chú ý đến những người có khả năng như Yenny Seo. Ví dụ ở London, họ có riêng một đội đặc nhiệm chuyên phân tích hình ảnh camera từ hiện trường gây án. Đội này từng được trưng dụng trong vụ án nổi tiếng, khi cựu điệp viên Nga bị đầu độc bằng chất độc Novichok ở Salisbury.

Tại Queensland, Australia, cảnh sát đã tìm kiếm và chọn lọc những nhân viên có khả năng đặc biệt này trong hàng ngũ lực lượng. Tiếp đó, một loạt công ty an ninh chuyên cung cấp những người có khả năng siêu nhận diện bắt đầu hoạt động.

Năm 2017, White cũng cộng sự của mình đã thiết kế một công cụ sàng lọc những khuôn mặt, mục đích khám phá những người có khả năng siêu phàm về nhận diện khuôn mặt. Yenny Seo, khi đó hai mươi tuổi đã được mời đến thử, và điểm của cô cao tới mức vị tiến sĩ phải mời cô đến Sydney để kiểm tra lần nữa.

Với Yenny Seo, cô không muốn "bắt trộm" như thời sinh viên, mà mãn nguyện với công việc kỹ thuật viên trong một phòng thí nghiệm giải phẫu bệnh, dù vẫn thích thú với trò chơi thuở nhỏ là nhận diện một ai đó, dù chỉ gặp thoáng qua. "Thậm chí tôi còn nhận ra từng người kể cả họ đeo khẩu trang phòng Covid-19", cô gái cho biết.

Yenny Seo tự tin cho rằng, bản thân cô không phải là kẻ điên rồ hay quái gở, chỉ là "trời cho" bộ não có khả năng như thế.

Vy Trang (Theo Guardian)

Read Entire Article