Đã ngủ yên 35 năm, vùng đất chết ở Ukraine bỗng bị đánh thức: Thành điểm yếu trước Nga ?

2 years ago 120

Khu vực chứng kiến thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử

Những người lính biên phòng Ukraine đeo vai các khẩu súng AK, tuần tra qua một khu rừng vắng lặng phủ đầy tuyết. Họ đi ngang qua những ngôi nhà bị bỏ hoang từ lâu. Rừng cây đã mọc xung quanh ngôi nhà cũ của người dân. Nếu nhìn qua cửa sổ, họ sẽ thấy quần áo, giày dép, bát đĩa và những tàn tích khác của cuộc sống bình thường nằm ngổn ngang, phủ đầy bụi và địa y.

Những cánh đồng hoang hóa, những thành phố bỏ hoang và toàn bộ khu vực Chernobyl ở miền bắc Ukraine vẫn còn nhiễm phóng xạ đến mức dường như đây sẽ là nơi cuối cùng trên Trái đất cho bất kỳ ai có ý định chinh phục. Nhưng trong khi hầu hết sự chú ý xung quanh một cuộc tấn công được cho là tiềm tàng của Nga đều tập trung vào việc xây dựng quân đội và các cuộc chiến hàng ngày ở phía đông, thì đây là tuyến đường di chuyển ngắn nhất từ ​​Nga đến thủ đô Kiev của Ukraine là từ phía bắc. Và tuyến đường này sẽ đi qua khu vực biệt lập xung quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nơi xảy ra sự cố lò phản ứng vào năm 1986 gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

Chernobyl trở thành một khu vực mà Ukraine nghĩ rằng họ cần phải bảo vệ, buộc quân đội của họ phải triển khai lực lượng an ninh vào khu rừng vẫn còn phóng xạ, nơi họ mang theo cả vũ khí và thiết bị để phát hiện nồng độ nhiễm xạ. “Không quan trọng nếu nó bị ô nhiễm hay không có ai sống ở đây", Trung tá Yuri Shakhraichuk thuộc lực lượng bảo vệ biên giới Ukraina cho biết. "Đây là lãnh thổ, đất nước của chúng tôi, và chúng tôi phải bảo vệ nó".

 Thành điểm yếu trước Nga ? - Ảnh 1.

Trường mẫu giáo gần Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố bỏ hoang Pripyat, Ukraine ngày 12/4/2021. Ảnh: Reuters

Các lực lượng Ukraine trong khu vực, được biết đến với tên gọi là Biệt khu Chernobyl, sẽ không có khả năng chống lại một cuộc tấn công nếu điều này xảy ra. Binh lính tuần tra ở đây chủ yếu để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo. “Chúng tôi thu thập thông tin về tình hình ở dọc biên giới” trung tá Shakhraichuk cho biết và chuyển chúng đến các cơ quan tình báo".

Khái niệm về Biệt khu Chernobyl khi chính quyền Liên Xô thành lập ba thập kỷ trước là để hạn chế, thông qua việc cô lập, khả năng gây chết người của vụ tai nạn tại nhà máy hạt nhân. Các hạt phóng xạ còn sót lại trong đất hoặc bị mắc kẹt dưới kết cấu ngăn của lò phản ứng bị phá hủy trong khi chúng phân hủy từ từ hầu như không gây rủi ro cho binh lính, miễn là những người lính không ở lại các khu vực bị nhiễm xạ cao. Nhưng đất đai từ đó đã bị bỏ hoang, có nơi sẽ lên tới hàng trăm năm.

Hai tháng trước, chính phủ Ukraine đã triển khai thêm lực lượng tới khu vực này do căng thẳng gia tăng với Nga và Belarus, một đồng minh của Điện Kremlin có biên giới cách lò phản ứng bị nổ chỉ 5 km và là nơi Nga đang điều động quân trong thời gian gần đây.

"Làm sao điều này có thể xảy ra?", lính cứu hoả Ukraine Ivan Kovalchuk

Bị đánh thức

Mặc dù khu vực này không thể sinh sống được, nhưng nó lại hút khách du lịch cho các chuyến thăm quan ngắn ngày. Di tích này vẫn tạo ra một khoản doanh thu ít ỏi và trở thành một sự kiện ghi dấu trong lịch sử hiện đại Ukraine. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Ukraine vẫn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, và giới chức đã cố gắng che giấu thảm họa này. Để tránh sự nghi ngờ, một vài ngày sau thảm hoạ, họ vẫn tổ chức lễ diễu hành nhân ngày Ngày Quốc tế lao động 1/5 trong đó các em học sinh Ukraine diễu hành qua vùng bụi phóng xạ. Điều này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận. Thảm hoạ Chernobyl hiện được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô 5 năm sau đó.

 Thành điểm yếu trước Nga ? - Ảnh 2.

Cây cối khó sống ở vùng đất thảm họa này. Ảnh: Reuters

Khu vực Chernobyl có diện tích khoảng hơn 9.000 km vuông trải dài trên tuyến đường trực tiếp ngắn nhất từ ​​biên giới Belarus đến Kiev. Mặc dù khu vực này có thể không phải là tuyến đường tấn công ngắn nhất từ ​​phía bắc vì nó toàn đầm lầy và rừng rậm nhưng giới chức Ukraine không được phép loại trừ khả năng này.

Trước mùa thu năm ngoái, hơn 1.100 km biên giới giữa Ukraine và Belarus hầu như không cần tuần tra, đặc biệt là ở các khu vực bị nhiễm xạ. Khoảng hơn 140 km biên giới ngăn cách khu vực Ukraine với một khu vực bị cô lập và nhiễm xạ tương tự ở Belarus, được biết đến với tên gọi Khu bảo tồn hệ sinh thái quốc gia Polesie. Tình trạng này đã thay đổi vào tháng 11 năm ngoái trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư ở Belarus và hoạt động triển khai quân sự của Nga.

Hai động thái này diễn ra cùng một thời điểm là một dấu hiệu thật đáng ngại. Một số ý kiến dự đoán, Moscow dường như triển khai quân theo kế hoạch tấn công Ukraine qua lãnh thổ Belarus. Kiev cũng lo sợ rằng Belarus có thể tạo ra một sự khiêu khích, chẳng hạn như dồn những người di cư về phía biên giới Ukraine - như điều Belarus đã từng làm với Ba Lan - để châm ngòi cho một cuộc chiến.

Ukraine đáp trả bằng cách triển khai thêm 7.500 lính biên phòng tới biên giới với Belarus. Trung tá Shakhraichuk cho biết ông không thể tiết lộ cụ thể có bao nhiêu lính đã tới Chernobyl. Nhưng lo ngại về một cuộc tấn công từ Belarus chỉ gia tăng trong tuần này khi Nga điều động quân đội và vũ khí đến đó trước các cuộc tập trận chung Nga- Belarus sẽ diễn ra vào tháng 2 tới đây. Chỉ có khoảng hơn chục binh sĩ xuất hiện ở khu vực biên giới trong chuyến tuần tra gần đây, nhưng các quan chức Kiev cho biết có những binh lính khác đang tuần tra ở nơi khác.

Tại thành phố lớn nhất, Pripyat, hiện giờ đã trở thành một thị trấn ma, vẫn còn treo một bảng hiệu nêu bật ưu điểm của năng lượng hạt nhân dân sự. “Hãy để các nguyên tử là một công nhân chứ không phải một người lính".

Nguy cơ về một cuộc chiến tranh làm lây lan việc nhiễm xạ hơn nữa dường như ở mức tối thiểu. Tuy vậy, có một công trình trong khu vực cần đặc biệt lưu ý. Đó là một vòm thép không gỉ mới trị giá 1,7 tỷ USD phủ trên trên lò phản ứng đã bị nổ nhằm ngăn chặn sự phát tán của bụi phóng xạ cao ra môi trường. Hoàn thành năm 2016, công trình này phần lớn được dựng lên nhờ nguồn tài chính của Mỹ và khoảng 30 quốc gia khác.

Thị trấn Chernobyl thực tế vẫn có những người lao động sinh sống theo một lịch trình luân chuyển. Họ có nhiệm vụ bảo dưỡng các cấu trúc ngăn chặn bụi phóng xạ từ lò phản ứng bị hỏng, hệ thống đường xá và các cơ sở hạ tầng khác. “Thật tồi tệ, thật đáng sợ”, Elena Bofsunovska, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng tạp hóa, nói về khả năng xảy ra các hoạt động quân sự gần lò phản ứng.

Chúng tôi không biết điều gì sẽ giết chúng tôi trước nhất, virus, phóng xạ hay chiến tranh”, Oleksei Prishepa, một công nhân đang đứng bán hàng tại một cửa hàng, nhún vai nói. Anh Prishepa nói rằng anh mong muốn nước mình thiết lập các tuyến phòng thủ xa hơn về phía nam, giao khu vực nhiễm xạ này cho bất cứ lực lượng nào muốn chiếm đóng.“Đó là một vùng đất hoang”, anh Prishepa nói. "Sẽ không bao giờ có loại cây nào phát triển ở đây".

Trước khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang như hiện nay, mối quan tâm an ninh chính ở Chernobyl là hái nấm bất hợp pháp và thu gom phế liệu, các hoạt động có nguy cơ phát tán phóng xạ ra bên ngoài. Cảnh sát cũng thường xuyên bắt giữ những người tìm kiếm cảm giác mạnh xâm nhập trái phép khu vực để ngắm cảnh.

Về cơ bản, những người lính đi tuần tra ít phải đối mặt với rủi ro nhiễm phóng xạ. Tuy vậy, các hạt tồn tại lâu hơn vẫn còn trong rừng, tạo ra các điểm nóng vô hình, nguy hiểm nguy hiểm đến tính mạng. Một số điểm phát ra mức bức xạ cao gấp hàng nghìn lần bình thường. Nhờ bản đồ của các nhà khoa học lập nên từ trước, những người lính đã đánh dấu các tuyến đường tuần tra để tránh đi qua những nơi này.

Tuy nhiên, trong khi tuần tra trong khu vực, những người lính phải mang các thiết bị trên một dây buộc quanh cổ của họ để liên tục theo dõi độ phơi nhiễm. Theo các quy định về tuần tra trong khu vực, nếu một người lính tình cờ vào một khu vực bị nhiễm xạ cao, anh ta sẽ được nghỉ làm nhiệm vụ để tránh bị phơi nhiễm thêm.

Theo ông Shakhraichuk, không một lính biên phòng nào được điều động vào khu vực này hồi tháng 11 năm ngoái cho tới nay bị nhiễm xạ ở mức độ cao. “Có những nơi rất nguy hiểm cần phải tránh”, Thiếu tá Aleksei Vegera, người phục vụ trong lực lượng cảnh sát Chernobyl cho biết. Các thành viên của lực lượng này vốn quen thuộc địa bàn, luôn tuần tra cùng cùng các chiến sĩ biên phòng. “Chúng tôi luôn cố gắng cẩn thận”, ông Vegera nói. "Điều tôi muốn nói là tôi đã quen với việc này".

Read Entire Article