Đại diện UNDP: 'Việt Nam cần cuộc đổi mới về môi trường'

1 year ago 90

Sáng 28/5, tại Quảng Ninh, trong lễ phát động toàn quốc hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, bà Caitlin Wiesen nhắc lại cam kết "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26 năm ngoái. Bà cho rằng cuộc đổi mới về môi trường ngoài mục tiêu thực hiện cam kết cũng là hướng đi để đảm bảo phát triển kinh tế nhanh (mục tiêu nước có thu nhập cao năm 2045) mà vẫn giữ được nguồn tài nguyên, môi trường cho thế hệ tương lai.

Bà Caitlin Wiesen phát biểu tại lễ ra quân sáng 28/5. Ảnh: Gia Chính

Bà Caitlin Wiesen phát biểu tại lễ ra quân sáng 28/5. Ảnh: Gia Chính

Để thực hiện, bà Caitlin Wiesen đưa ra bốn khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện. Đầu tiên là chuyển đổi năng lượng công bằng do tốc độ phát triển nhanh về kinh tế có thể dẫn tới các hệ lụy môi trường.

Bà gợi ý, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Phát triển nguồn tài nguyên này sẽ giúp cung cấp năng lượng bền vững cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi nhiều ngành kinh tế khác sang hướng phát triển xanh.

"Tuy nhiên, có một số trở ngại đối với quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, chẳng hạn khung pháp lý cho ngành điện (gồm cả việc định giá điện); hệ thống truyền tải; thị trường khu vực và đảm bảo tài chính", bà Caitlin Wiesen nói.

Thứ hai là phát triển kinh tế đại dương bằng cách chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, xanh hóa hàng hải, cảng biển để phát triển du lịch gắn liền với quy hoạch không gian biển, khai thác các nguồn tài nguyên bền vững.

Ba là tăng cường cường hợp tác toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tiến trình hướng tới có một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế, ngăn ngừa và giảm tác động môi trường của loại ô nhiễm này.

Thứ tư là đảm bảo nguồn tài chính dài hạn cho các chương trình giảm thiểu carbon. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã đổi mới chính sách để đạt được mục tiêu này, bao gồm sự tham gia của các ngân hàng phát triển quốc gia, các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp", bà Caitlin Wiesen nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trồng cây ngập mặn ở Quảng Ninh, sáng 28/5. Ảnh: Gia Chính

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trồng cây ngập mặn ở Quảng Ninh, sáng 28/5. Ảnh: Gia Chính

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cũng cho rằng thực trạng đa dạng sinh học giảm sút, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa đã buộc Việt Nam phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

"Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân", ông Hà nói.

Ngày môi trường thế giới (5/6) năm nay được Liên Hợp quốc lấy chủ đề
"Chỉ một Trái đất" giống như chủ đề của Hội nghị môi trường Liên Hợp Quốc đầu tiên cách đây 50 năm tại Stockholm, Thụy Điển. Điều này mang thông điệp nhân loại chỉ có một ngôi nhà tự nhiên và phải chung tay giữ gìn, bảo vệ.

Gia Chính

Read Entire Article