Đạo làm người: Hoa dù tàn vẫn lưu lại dư hương

2 years ago 133

Những người đạo đức cao thượng sống nơi nhân gian được người xưa ví như cây trúc vậy, dù ở trong hoàn cảnh khó khăn ác liệt mà vẫn bền gan vững chí, không vì lợi ích mà khuất phục, mà thay đổi phẩm hạnh và đạo làm người của mình. Cũng bởi vậy, cho dù họ đã rời xa thế nhân nhưng vẫn để lại tiếng thơm muôn đời.  Hoa dù tàn vẫn lưu lại dư hương(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Trong sách “Kim cốc viên hoài tử” của tác giả Thiệu Yết triều nhà Đường có viết: “Trúc tử bất biến tiết, hoa lạc hữu dư hương”, ý tứ là cây trúc dù chết cũng không thay đổi đốt, đóa hoa mặc dù tàn rụng cũng vẫn lưu giữ hương thơm. Câu thành ngữ này dùng để chỉ những người trung nghĩa ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vẫn thủ vững được tiết tháo của mình, dù chết cũng không thay đổi. Đây cũng là đạo lý mà người tu dưỡng đạo đức cần hướng đến.

Cây trúc vô luận là lớn tới chừng nào cũng không thay đổi đặc tính thân cao, ruột rỗng. Điều này đại biểu cho người quân tử chính trực, kiên cường và không chất chứa những tâm niệm xấu xa. Cây trúc dù được trồng ở nơi đất đai màu mỡ hay nơi khô cằn sỏi đá cũng vẫn có thể xanh tươi mà mọc lên thành rừng. Nó có thể thích ứng với mọi loại hoàn cảnh, giống như người quân tử không màng danh lợi, không a dua siểm nịnh. Cây trúc cao thẳng, gặp bão tố vừa cứng cáp vừa mềm mại giống như người quân tử trong cứng ngoài mềm, không dễ dàng bị khuất phục. Bởi vì luôn xanh tươi suốt mùa đông khắc nghiệt, có tinh thần kiên trung, có sức sống mãnh liệt mà cây trúc cùng với cây tùng, cây mai được xưng là “Tuế hàn tam hữu” (Ba người bạn trong gió rét).

Trong lịch sử quả thực có rất nhiều người có phẩm chất kiên trinh giống như cây trúc, thà chết chứ không chịu khuất phục, thà chết trong chứ không chịu sống đục. Cũng có những người thậm chí vì hết lòng tuân thủ lời hứa mà không tiếc hy sinh thân mình. Mặc dù quanh họ, bốn phương tám hướng đều là cuồng phong nhưng trong tâm của họ không hề lung lạc, thay đổi. Những tín đồ Kitô Giáo ở phương Tây năm xưa là một ví dụ. Mặc dù bị bức hại suốt hơn ba trăm năm nhưng rất nhiều người trong số họ thà rằng mất đi sinh mệnh cũng nhất định thủ giữ tín ngưỡng của mình đến cùng.

Lại có những người dù đứng trước sự hấp dẫn về danh lợi quyền tình nhưng vẫn giữ được tiết tháo và đạo đức cao quý. Vì sao nhân vật Quan Vũ trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa lại hấp dẫn đến như vậy? Vì sao hình tượng tiểu thuyết của ông thậm chí lại vượt qua cả hình tượng lịch sử? Khi bị vây hãm trong Tào doanh, dù ba ngày một yến tiệc nhỏ, năm ngày một yến tiệc lớn, được ban tặng áo bào, ngựa quý, vàng bạc, mỹ nữ, nhưng tâm của Quan Vũ vẫn như sắt đá, trọng nghĩa khinh tài sắc. Ông vẫn kiên trì một lòng: “Nếu biết Hoàng thúc ở đâu, dẫu có đạp lên nước hay lửa, ắt phải tìm cho bằng được”. Chính là nghĩa khí ngút trời của Quan Vũ trong tiểu thuyết đã khiến người đời cảm động.

Cũng có một số người bại hoại, cả đời luồn cúi, tìm cơ hội, làm ra những sự tình xấu hại người lợi mình. Những người như vậy, lúc còn sống đã là gieo tiếng xấu, sau khi chết đi cũng để lại tiếng xấu muôn đời, bị người đời phỉ nhổ. Tần Cối triều nhà Tống là một ví dụ điển hình. Tần Cối câu kết với bên ngoài, dùng mọi thủ đoạn giết hại đại thần và những người đối lập với nước Kim. Ông còn bịa đặt tội danh để giết hại trung thần Nhạc Phi, tạo thành án oan thiên cổ. Sau này ở trước mộ của Nhạc Phi, người ta đúc mấy bức tượng sắt thô của Tần Cối và vợ ông ta quỳ gối, quây trong hàng rào sắt, vai ngực lột trần, tay trói sau lưng, để đó cho người thế gian thóa mạ.

Những người chí sĩ có đạo đức cao thượng, cả đời sống quang minh lỗi lạc, vì đạo nghĩa, vì lợi ích chung mà không tiếc xả thân mình, hy sinh vì chính nghĩa, thì cho dù thời gian trôi qua, triều đại này nối tiếp triều đại kia nhưng họ vẫn được người đời nhớ đến với lòng biết ơn và kính phục vô hạn. Danh tiếng của họ được lưu mãi muôn đời.

Làm người trên đời, nên là giữ vững được loại khí tiết hùng tráng như vậy. Người dám vì chính nghĩa và lương tâm mà lên tiếng thì đó chính là người kiệt xuất. Hành vi cao thượng của những người như vậy đủ để danh truyền thiên cổ, chiếu sáng hậu nhân, đúng như câu thơ nổi tiếng: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”, “Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lại lòng son rọi sử xanh”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Luận về khí tiết – Phan Khôi Khí tiết người quân tử: Thà làm ngọc nát, không làm ngói lành

Mời xem video:

Read Entire Article