Đạo trị quốc: Xem dân như máu thịt của mình mà chăm lo

2 years ago 361

Kinh Dịch viết: “Đức lớn nhất của Trời Đất là sinh”, Trời Đất có ân đức sinh ra và dưỡng dục vạn vật. Thiên tử là người vâng mệnh Trời mà hành xử, chịu sự chế ước của Thiên đạo càng phải là người hiểu rõ nhất về tinh thần yêu thương dân chúng, thi hành nền chính trị nhân từ. Trong lịch sử, những vị quân vương làm được như vậy thì quốc gia hưng thịnh, thiên hạ thái bình, lòng dân quy thuận.

Thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân chủ trương lấy nhân ái trị quốc. Vào năm Trinh Quán thứ nhất, vì thương xót thân phận của các cung nữ, Hoàng đế đã nói với các quan đại thần rằng việc giam giữ phụ nữ trong thâm cung là một sự lãng phí tài lực của dân chúng. Sau đó, Hoàng đế đã cho thả hơn ba nghìn cung nữ về nhà, đồng thời cho phép họ có quyền được lựa chọn người để kết hôn. 

Trong cuốn “Trinh Quán chính yếu” viết rằng: Vào năm Trinh Quán thứ hai, ở vùng Quan Trung xảy ra một trận hạn hán kéo dài, dẫn đến phát sinh nạn đói lớn. Hoàng đế Đường Thái Tông nói với các đại thần: “Lũ lụt hạn hán xảy ra đều là tội của quốc quân. Đức hạnh của trẫm không tốt, Thượng Thiên trách phạt trẫm, dân chúng có tội tình gì đâu mà phải chịu thống khổ như vậy. Trẫm nghe nói có người còn phải bán con cái đi, Trẫm thật sự rất thương họ.”

Thế là Hoàng đế phái Ngự sử đại phu Đỗ Yêm đến Quan Trung tuần tra, lấy tiền từ ngân khố để chuộc những đứa trẻ bị bán và trả lại cho cha mẹ chúng đồng thời cứu đói cho dân chúng.

Năm Trinh Quán thứ mười chín, Hoàng đế Đường Thái Tông chinh phạt Cao Lệ, đóng quân ở Định Châu. Ông đã đến phía bắc cổng thành để thăm hỏi và an ủi các tướng sĩ. Có một binh sĩ bị ốm không thể gặp Hoàng đế, Hoàng đế đã hạ chiếu phái người đến tận giường của người này nằm để thăm hỏi bệnh tình và cho thầy thuốc chữa trị. Chính sự quan tâm ân cần của Hoàng đế, các tướng sĩ đều cảm động, nguyện ý theo Hoàng đế xuất chinh. Khi tướng sĩ trở về đã đóng quân ở Liễu Thành, Hoàng đế lại ra chiếu lệnh thu thập hài cốt các tướng sĩ bị tử vong trong trận chiến, làm lễ cúng bái họ, chu cấp cho gia đình họ ở quê nhà.

Trong suốt những năm tại vị, Hoàng đế Đường Thái Tông lấy đức trị, dùng nhân ái trị quốc, dùng hiền thần và các quan lại đức hạnh cai trị cho nên thu phục được lòng dân. Đây chính là nền tảng để nhà Đường trở thành một trong những triều đại phồn vinh, quốc thái dân an trong lịch sử.

Các bậc Quân vương lấy nhân ái trị quốc còn có Văn Vương triều nhà Hán, Lưu Bị thời Tam Quốc, Thái Tổ triều nhà Tống, Hoàng đế Khang Hi triều nhà Thanh… Những vị Quân vương thi hành chính sách cai trị bằng lòng nhân ái này không chỉ bản thân là được dân chúng kính trọng mà còn khiến cho quốc thái dân an, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Tinh thần nhân ái không chỉ được bậc Quân vương mà còn được các lương thần vận dụng trong việc cai quản dân chúng. Trong cuốn “Tư trì thông giám” viết rằng: Vào năm 590, đời vua Tùy Văn Đế, quan Thị Lang bộ Giá tên là Tân Công Nghĩa được bổ nhiệm làm Thứ sử châu Mân.

Lúc ấy, người dân châu Mân ai ai cũng đều rất sợ hãi bệnh tật. Họ nghĩ rằng tất cả bệnh tật đều sẽ truyền nhiễm, cho nên người nào bị mắc bệnh đều sẽ bị cách ly, ngay cả người nhà cũng xa lánh không chăm sóc. Rất nhiều người bệnh vì không được chăm sóc mà đã phải chết. Quan hệ giữa người với người cũng rất lạnh lùng, điều này đã thành tập quán của nơi đây. Sau khi Tân Công Nghĩa đến nhậm chức, ông quyết dùng lòng nhân ái để cảm hóa lòng dân, cải biến tập quán xấu này.

Mùa hè năm đó, vùng châu Mân lại có nhiều người lâm bệnh. Tân Công Nghĩa đã cho đặt nhiều chiếc giường ở ngay trong đại sảnh nhà mình và tiếp đón tất cả những người bị mắc bệnh tới cứu chữa. Từ trong đại sảnh cho tới tận ngoài hành lang nhà ông đều chật cứng bệnh nhân. Tân Công Nghĩa còn dùng tiền của bản thân cho người bệnh khám bệnh và mua thuốc, sớm tối chăm lo cho khắp lượt các bệnh nhân. Nhờ vậy mà rất nhanh chóng, lần lượt từng người bệnh đều thuyên giảm và khỏi bệnh. Tân Công Nghĩa cho người tới gọi thân nhân của người bệnh đến đón về, ông còn bảo họ rằng: “Các vị xem, nào đâu có bệnh truyền nhiễm chứ? Chẳng phải tôi vẫn rất khỏe mạnh đây sao?”.

Thân nhân của những người bệnh này thấy vậy thì vừa cảm động vừa hổ thẹn. Sau khi trở về ai nấy đều kể chuyện Tân Công Nghĩa ân đức cho những người khác nghe. Cứ như thế, một truyền mười, mười truyền trăm, ai nấy mắc bệnh đều đi tìm Tân Công Nghĩa và những người thân thích của người bệnh cũng đều ở lại chăm sóc cho họ. Kể từ đó, người người hòa thuận thương yêu nhau, tập quán lạnh lùng vô cảm năm xưa đã tiêu tan hoàn toàn.

Thời cổ đại, chính lòng nhân ái của người cai trị đã cảm hóa lòng dân, khiến dân chúng cũng dùng nhân ái mà đối đãi với nhau. Vào những năm cuối thời Đông Hán, Thuần Vu Cung cũng là một người nhân ái. Khi nạn đói xảy ra, có người vì đói quá mà đã ăn trộm thóc lúa nhà Thuần Vu Cung. Thuần Vu Cung bắt được, không những không kiện cáo mà còn dùng thái độ khoan dung đối đãi, còn lấy đồ của nhà cứu trợ họ. Tên trộm thấy vậy mà cảm thấy xấu hổ, tự biết sai trái của mình.

Dân chúng biết được hành vi cao thượng của Thuần Vu Cung ai nấy đều bị cảm hóa, về sau việc trộm cắp rất hiếm khi xảy ra ở địa phương. Thuần Vu Cung nói rằng: “Đến chết không mang theo được, để cho người khác hưởng dụng, có sao đâu?” Sau khi Thuần Vu Cung mất, triều đình cho khắc bia ở quê hương ông để ngợi ca tấm lòng nhân ái và công đức của ông.

Thời Tam Quốc, danh y Đổng Phụng cũng là một người vô cùng nhân ái. Ông sống dưới chân núi, hàng ngày đều đi trị bệnh cho dân mà không lấy một đồng xu nào. Nhưng ông có một quy định, những người sau khi được ông chữa khỏi bệnh thì đều phải trồng mấy cây ngân hạnh. Cứ như thế, sau một vài năm, trên núi đã trở thành một rừng ngân hạnh lớn. Sau khi thu hoạch quả ngân hạnh, Đổng Phụng lại đem cứu tế dân nghèo và những người lưu vong. Người đời sau dùng từ “Hạnh lâm” làm y giới hoặc tên phòng khám chữa bệnh đều là để răn dạy hoặc tán dương tấm lòng của danh y Đổng Phụng.

Văn nhân Liễu Tông Nguyên thời nhà Đường khi chấp chính ở Liễu Châu cũng thi hành nền chính trị nhân từ. Đầu tiên, ông cấm việc mua bán nô tì, sau lại hướng dẫn dân chúng đào giếng, khai hoang, đóng thuyền, tu sửa đường xá, trồng rừng nhằm an ổn đời sống của dân chúng. Sau ba năm cố gắng, đời sống của dân chúng Liễu Châu thay đổi hẳn, dân chúng biết trồng trọt, kinh doanh buôn bán, cuộc sống trở nên sung túc.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chúng ta có thể thấy, các triều đại hưng thịnh hay suy vong, dân chúng an ổn hay hỗn loạn đều là được quyết định bởi nền chính trị nhân từ hay hà khắc. Nếu ở một triều đại mà người cai trị xem dân chúng như máu thịt của mình thì nền chính trị nhân từ sẽ được thực thi, dân chúng được chăm lo mà sung túc. Trái lại, nếu một triều đại mà người cai trị dùng trăm phương ngàn kế để khiến dân chúng phục dịch mình, không ngừng tận thu thì sẽ khiến lòng dân ai oán, vương triều diệt vong. Đây là bài học thiên cổ vẫn còn nguyên giá trị cho người thời nay.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Read Entire Article