Đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu cho ôtô mới chưa tạo đồng thuận

1 year ago 69

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) mới đây đề xuất Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép ôtô mới được miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật, đồng thời đa dạng hóa hình thức kiểm định bằng cách giao kiểm định cho các cơ sở bảo dưỡng, bảo hành chính hãng đủ điều kiện, thay vì chỉ các trung tâm đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng đề xuất này không phù hợp, bởi trước khi đưa vào lưu hành, xe phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Thực tế nhiều chủ xe tải sau khi mua xe mới đã đóng lại thùng xe có kích thước khác với xe nguyên bản. Hoặc chủ xe khách thường lắp thêm nhiều thiết bị tivi, tủ lạnh, camera, đèn công suất lớn, dàn karaoke... gây quá tải cho hệ thống điện, dễ chập cháy, thậm chí có nhiều xe mới đã thay đổi toàn bộ nội thất. Các xe này không qua kiểm tra giám sát thì nguy cơ mất an toàn khi lưu hành.

"Xe con hay chở hàng, chở khách đều phải kiểm định ban đầu để đảm bảo có đúng an toàn kỹ thuật, đảm bảo phòng cháy hay không", ông Quyền nhấn mạnh.

Đăng kiểm ôtô tại một cơ sở ở Hà Nội, tháng 9/2021. Ảnh:Đoàn Dũng

Đăng kiểm ôtô tại một cơ sở ở Hà Nội, tháng 9/2021. Ảnh: Đoàn Dũng

Ngoài ra, sau khi kiểm tra an toàn kỹ thuật, xe được dán tem kiểm định còn để phục vụ lực lượng chức năng giám sát chất lượng phương tiện trên đường, chủ xe biết xe đó được đăng kiểm đến thời gian nào.

Ông Quyền cũng đề cập có nhiều xe nhập khẩu thời gian dài vận chuyển trên biển, xe sản xuất trong nước mà tồn kho gây hư hỏng một số thiết bị, nếu không kiểm định lần đầu sẽ không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi lưu hành. "Với xe mới có thể miễn một khâu kiểm tra như phanh, khí thải, song nhiều chi tiết khác phải được kiểm định trước khi lưu hành", ông Quyền nói.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng không đồng tình với việc miễn hoàn toàn kiểm định lần đầu bởi lo ngại thiếu an toàn khi xe tham gia giao thông.

Ông Tạo phân tích ôtô phải được cấp, gắn biển số đăng ký và dán tem đăng kiểm mới được chạy trên đường. Tem đăng kiểm nhằm xác nhận số khung, số máy và thời hạn xe phải kiểm định lại, là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Nếu bỏ việc kiểm định lần đầu sẽ không có căn cứ để quản lý thời hạn kiểm tra lại chất lượng xe khi tham gia giao thông.

Ôtô mới đã được kiểm định chất lượng trong quá trình sản xuất, khi xuất xưởng hay nhập khẩu chỉ nên giảm kiểm tra một số hạng mục kỹ thuật như đèn chiếu sáng, dây đai an toàn... để tránh kiểm tra hai lần. "Khâu đăng ký và đăng kiểm lần đầu có thể làm trước hoặc làm sau, có thể gắn biển số xong rồi đăng kiểm hoặc ngược lại để tạo thuận lợi cho chủ xe", ông Tạo nói.

Trái với các ý kiến trên, ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Đông Đô, ủng hộ đề xuất miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật với ôtô để tạo thuận lợi cho người dân không phải đi làm thủ tục nhiều lần, dù phía trung tâm đăng kiểm sẽ hụt khoản thu. Lý do chất lượng xe được các nhà sản xuất đưa ra hiện nay còn cao hơn phía đăng kiểm nên có thể giảm thủ tục này với xe mới.

Để miễn kiểm định với xe mới, cơ quan quản lý cần gộp việc nộp thuế trước bạ và nộp phí đường bộ, dán tem kiểm định để thuận lợi cho người dân mà vẫn quản lý được phương tiện.

Với đề xuất cho phép cơ sở bảo dưỡng ôtô được đăng kiểm, ông Trần Văn Toản không đồng tình vì công tác đăng kiểm là ngành nghề có điều kiện, không thể buông lỏng chất lượng bằng việc cho mở ồ ạt nhiều cơ sở kiểm định. Các cơ sở bảo dưỡng không có đủ mặt bằng, trang thiết bị, kiểm định viên không có bằng cấp thì sẽ ảnh hưởng chất lượng kiểm định.

Ông Toản cho rằng, hiện nay các trung tâm đăng kiểm đã được xã hội hóa, có nhiều cơ sở nên thuận lợi cho người dân, chủ xe chỉ chờ 20-30 phút là hoàn tất kiểm tra nên không nhất thiết phải mở rộng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng công tác đăng kiểm đã được xã hội hóa nên nếu cơ sở bảo dưỡng có đủ mặt bằng, thiết bị, phương tiện, cán bộ chuyên môn, hệ thống phần mềm ghi nhận kết quả kiểm định... và được cơ quan nhà nước kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện thì có thể làm.

"Chúng ta hoàn toàn có thể cho phép các trạm bảo dưỡng, trạm xăng, cơ sở dạy nghề, đào tạo lái xe... làm công tác đăng kiểm song cần đảm bảo chất lượng", ông Quyền nói.

Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo Cục cho biết đã nhận được đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông và sẽ họp bàn với các cơ quan liên quan.

Đoàn Loan

Read Entire Article