ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục

1 year ago 68

 Đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục - Ảnh 1.

Lễ trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học cho nhà trường - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 9/6, Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học cho nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, việc được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chỉ là bước khởi đầu cho một thời kỳ phát triển mới. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; đồng thời có kế hoạch, lộ trình khắc phục khó khăn, bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí do Bộ GD&ĐT ban hành để trường tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo”, GS.TS. Đinh Văn Tiến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chính thức được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn mới của Bộ GD&ĐT.

Đây là Bộ tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA, được xây dựng trên cơ sở bảo đảm sự tương thích với bộ tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, đã được Bộ trưởng của các nước ASEAN chấp nhận để sử dụng thống nhất trong các trường đại học của các quốc gia thuộc khu vực ASEAN.

Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của AUN-QA gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí. Các tiêu chuẩn được chia thành 4 nhóm, bao gồm việc bảo đảm chất lượng về: Chiến lược; hệ thống; chức năng hoạt động (đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối-phục vụ cộng đồng); và kết quả hoạt động của nhà trường.

PGS.TS. Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, để đạt được kiểm định chất lượng đã khó, việc duy trì kết quả này còn khó hơn. Mong rằng, thời gian tới, nhà trường tiếp tục có những thay đổi cả về chất và lượng, đóng góp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS. Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) mong muốn, nhà trường tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo và chú trọng đến kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. 

Nhìn nhận nhà trường đã có nhiều đóng góp cho xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, TS. Lê Mỹ Phong nhấn mạnh, thời gian tới, nhà trường cần đổi mới, cải tiến hơn nữa nhằm đáp ứng mong mỏi của phụ huynh, người học và sự kỳ vọng của xã hội. 

Nhật Nam


Read Entire Article