Góc nhìn 365: Sự kiềm chế cần thiết

2 years ago 129

(Thethaovanhoa.vn) - “Thay vì đón chị Hằng, các cháu đang đi đón cô... Vy”. Đó là câu đùa khá chua chát đang liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội, sau những gì vừa diễn ra vào Trung thu 21/9.

Ngày hôm đó chính là thời điểm Hà Nội vừa điều chỉnh mức độ giãn cách và chính thức gỡ bỏ việc kiểm tra giấy đi đường. Để rồi, ngay từ chập tối, hàng ngàn lượt người đã nối nhau đổ về khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận – giống như thói quen đã được duy trì vào đêm Trung thu trong hàng chục năm qua.

Chỉ có một điểm khác duy nhất: những đêm Trung thu trong quá khứ không phải là thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Còn ở thời điểm vừa rồi, khi đợt sóng Covid-19 thứ tư vừa quét qua khắp toàn quốc, Hà Nội cũng vừa trải qua một đợt giãn cách kéo dài như một số địa phương khác. Và dù vừa được nới lỏng, nhưng các cửa hàng ăn uống mới chỉ được phép bán mang về, các cửa hàng đồ chơi, tụ điểm giải trí... tại Hàng Mã và quanh Hồ Gươm - tâm điểm thu hút du khách mỗi Trung thu - đều chưa được phép mở cửa.

Chú thích ảnh Người dân Thủ đô đổ ra đường tối 21/9 sau thời gian giãn cách dài. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Nhưng, thiếu vắng những dịch vụ ấy, Hồ Gươm và khu phố cổ vẫn đông đúc như thường, với những dòng xe máy chen chúc nhau để... người ngắm người theo quán tính cũ. Và, cho dù các rào chắn hạn chế đã được lực lượng chức năng lập tại một số tuyến phố chính như Hàng Mã, Hàng Đường, Đồng Xuân... , lượng xe đổ về quá lớn vẫn khiến các rào chắn này trở nên vô hiệu.

Tất nhiên, vì là Trung thu, chúng ta nhận ra không ít người ngồi trên những chiếc xe ấy là các em nhỏ thuộc độ tuổi dưới 12 - lứa tuổi chưa được tiêm phòng vaccine để ngăn ngừa Covid-19.

Và hơn thế, với những dòng người ấy, yêu cầu không tập trung đông người, đảm bảo 5K của Hà Nội đã bị vi phạm nghiêm trọng ngay trong ngày nới giãn cách đầu tiên.

***

Sự thực, những lo ngại về sự mất kiểm soát ấy đã bắt đầu từ trước Trung thu, khi chúng ta chứng kiến những dòng người rồng rắn chen chân xếp hàng trước một số hiệu bánh Trung thu lớn - bất chấp những quy định đang còn hiệu lực.

Và ta đều hiểu, bánh Trung thu hay rằm tháng Tám chỉ là lý do bề nổi - còn động lực để nhiều người đổ xô ra đường như vậy chính là cảm giác tù túng, muốn được vui chơi và xả hơi sau một chuỗi ngày gần như phải bó gối giữa bốn bức tường. Với tâm trạng ấy, việc các điểm dịch vụ vẫn đang đóng cửa trong đêm Trung thu tất nhiên không đủ là lý do để họ ngồi nhà, như đã thấy.

Ít nhiều, mong muốn và nhu cầu đó cũng cần được thông cảm - khi nó phần nào gắn với cái đích cụ thể để người ta động viên nhau “gắng thêm chút nữa” trong những ngày vừa rồi. Nhưng ở hướng ngược lại, những gì mà bệnh dịch mang theo cũng không thể cho phép chúng ta coi câu chuyện ấy là giản đơn.

Rõ ràng, vào tối Trung thu ấy, rất nhiều người đã hành xử như thành phố đã hết dịch, như mọi thứ đang trở lại bình thường. Và, có thể những mũi vaccine ngừa Covid-19 được tiêm cho phần lớn dân số Hà Nội trong thời gian qua lại càng là lý do để biện minh cho sự chủ quan ấy.

Cảnh báo ý thức chống dịch từ dòng người chật cứng Trung tâm Hà Nội đêm Trung thu Góc nhìn 365: Trung thu 'mùa Covid' Mùa Trung Thu đặc biệt

Không nói, ai cũng biết: những mũi vaccine ấy là chưa đủ để giúp cho cộng đồng an toàn tuyệt đối và miễn nhiễm với đại dịch. Và, cũng không phải ngẫu nhiên mà dồn dập trong 2 ngày qua, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những gì vừa diễn ra. Theo đó, nếu thiếu may mắn, biển người tại trung tâm Hà Nội trong đêm Trung thu hoàn toàn có thể khiến mọi công sức chống dịch của thành phố “đổ sông đổ bể” trong nỗ lực dần dần trở về trạng thái bình thường mới.

Hãy nhớ một thực tế: Như bao địa phương khác, cuộc chiến chống lại bệnh dịch tại Hà Nội vẫn đang diễn ra căng thẳng. Và, việc điều chỉnh mức độ giãn cách trước hết gắn với cái đích tạo điều kiện cho cộng đồng đi làm những công việc cần thiết – cũng như tham gia vào các hoạt động nhằm phục hồi nền kinh tế - chứ không hề gắn với mục đích vui chơi để “xả hơi” sau một chuỗi ngày dài.

Thêm một chút kiềm chế để tránh chạy theo tâm lý nuông chiều, dễ dãi với bản thân - đó là tiền đề cần thiết để mỗi người có thể đóng góp thêm cho cả cộng đồng vào lúc này, trước khi chúng ta tăng tốc nhằm bù đắp lại phần nào những gì đã mất.

Trí Uẩn

Read Entire Article