'Hà Nội, TP HCM cần quyết tâm phát triển tàu điện ngầm'

1 year ago 237

Sáng 30/5, thảo luận tại Quốc hội về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) đề nghị Quốc hội bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM. Đây là vấn đề quan trọng cho thời kỳ 30-50 năm nữa, khi các đô thị có nhu cầu mở rộng.

"Mở rộng thành phố theo hướng lấy thêm diện tích đất là rất tốn kém, đôi khi là bất khả thi, nên chỉ có thể mở rộng theo hướng ngầm dưới lòng thành phố đã có", ông Trí nói và cho rằng nếu có quy hoạch sẽ xác định được đâu là bến tàu điện ngầm, đâu là siêu thị... ngay từ bây giờ.

Thực tế hiện nay cho thấy, các thành phố mới phát triển một số công trình ngầm nhỏ lẻ nhưng đã bắt đầu gặp những bất cập, khó điều chỉnh hoặc điều chỉnh được thì rất tốn kém. Vì vậy, cần tập trung đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước giỏi, có nguồn kinh phí đủ lớn để quy hoạch phát triển không gian ngầm các thành phố lớn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu TP Hà Nội cho rằng cần có quy hoạch và quyết tâm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố, nhất là Hà Nội và TP HCM. Chỉ hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, đồng bộ, hợp lý mới có thể giải quyết căn cơ tình hình giao thông quá tải, lộn xộn hiện nay và về sau.

Hà Nội đang vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; bốn dự án khác đang triển khai là Nhổn - gà Hà Nội, Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Yên Viên - Ngọc Hồi. Nhiều tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả phần đi nổi và đi ngầm. Còn TP HCM cũng đang phát triển các đường sắt đô thị như Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương...

 Hoàng Phong

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Hoàng Phong

Dành thời gian phân tích việc nhiều quy hoạch ban hành chậm, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói thực tế nhiều địa phương đang "dò đá qua sông", bởi chưa có quy hoạch quốc gia, đụng đến đâu cũng ảnh hưởng cả dây chuyền. Nếu dự án đầu tư được xây dựng theo quy hoạch cấp dưới ban hành trước, sau đó phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cấp trên, sẽ dẫn đến hậu quả là dự án phải đình chỉ hoặc tăng vốn.

Theo ông, để xây dựng quy hoạch tích hợp, các cơ sở dữ liệu, hồ sơ cần được số hóa từ cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, ngành. Tuy nhiên, số lượng tổ chức tư vấn không nhiều, trong khi số lượng quy hoạch rất lớn. Nhiều địa phương hiện lúng túng khi tìm tổ chức tư vấn lập quy hoạch. "Mục tiêu đến cuối năm sẽ phê duyệt quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, ngành với cơ sở dữ liệu đồ sộ sẽ thực hiện thế nào? Quan trọng hơn, mỗi quy hoạch sẽ có thông số, quy chuẩn, kỹ thuật khác nhau, thì tích hợp ra sao?", ông Nhân đặt vấn đề.

Nêu thực trạng 20.000 quy hoạch từ thời kỳ 2010-2020, được điều chỉnh kéo dài thời gian và nội dung, tích hợp khi quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh được phê duyệt, ông Nhân băn khoăn "đơn vị nào sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ các quy hoạch không phù hợp để tích hợp?". Do đó, ông đề nghị bổ sung thời hạn hoàn thành cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu tại hội trường, sáng 30/5. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu tại hội trường, sáng 30/5. Ảnh: Hoàng Phong

Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Lê Văn Dũng (Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam), đề xuất lập Ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch, do Thủ tướng làm trưởng ban, để hạn chế các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh. "Đây là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế mâu thuẫn khi thực hiện đồng thời nhiều quy hoạch, giải quyết vướng mắc trong lúc chờ thay đổi quy định có liên quan", ông nói, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chia sẻ thông tin, dữ liệu, thống nhất quan điểm trong quá trình quản lý để giảm thiểu hạn chế trong công tác quy hoạch.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Phó vụ trưởng Pháp luật, Văn phòng Quốc hội) cho rằng một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội là công bố thông tin quy hoạch đô thị, nông thôn. Việc công bố ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch hiệu quả.

Đề nghị Bộ Xây dựng và Tài nguyên Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch, ông Hoàn cho rằng đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không công khai quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc.

Ông đề nghị với Quốc hội trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Theo báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Quy hoạch sửa đổi, mới có 7 trong 111 quy hoạch được phê duyệt; trong đó có một quy hoạch quốc gia, 2 quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành.

Hoàng Thùy - Viết Tuân

Read Entire Article