HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Thắc mắc về sổ sức khỏe điện tử và cổng tiêm chủng quốc gia

2 years ago 384

* Tôi đã tiêm ngừa từ 8 tuần trước, giờ chuẩn bị tiêm mũi 2 nhưng vẫn chưa thấy được chứng nhận đã tiêm mũi 1. Trong khi đó, có nhiều người đã được lập danh sách đi tiêm nhưng thực tế chưa tiêm lại có chứng nhận đã tiêm mũi 1. Điều này khiến họ gặp rắc rối khi đi tiêm mũi 1 ở địa phương. Giờ phải làm sao?

- Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) - đơn vị được giao triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia (bao gồm cả ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19...) - cho biết:

Do tính cấp bách và quy mô của chiến dịch, nhiều điểm tiêm chưa được trang bị đầy đủ thiết bị để sử dụng hệ thống. Các điểm tiêm chủng này sẽ tiêm trước, cập nhật dữ liệu sau.

Hiện Viettel cũng phối hợp với các địa phương để tập huấn cho lực lượng y, bác sĩ tại các cơ sở tiêm sử dụng nền tảng.

* Thông tin cá nhân trên hệ thống bị sai, muốn thay đổi phải liên hệ ai, nơi nhập liệu hay tổng đài cổng tiêm chủng, và thủ tục thế nào?

- Khi đăng ký thông tin trên ứng dụng, nền tảng có gửi tin nhắn OTP để xác nhận số điện thoại của người được tiêm. Do đó, rất khó xảy ra việc sai số điện thoại. Thông tin số điện thoại và mã sổ sức khỏe điện tử là duy nhất và mang tính định danh nên không thể thay đổi được.

Các thông tin còn lại, bao gồm ngày sinh, họ và tên, giới tính..., đều có thể được kiểm tra và thay đổi thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Bên cạnh đó, trước khi tiêm, các y bác sĩ cũng sẽ kiểm tra lại thông tin cá nhân của người được tiêm một lần nữa, có thể cập nhật lại thông tin tại nơi tiêm.

* Toàn bộ thông tin tiêm chủng của người dân cả nước đều phải nhập lên hệ thống tiêm chủng quốc gia? Ai sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trên hệ thống?

- Theo yêu cầu của Bộ Y tế, toàn bộ thông tin tiêm chủng của người dân đều phải được cập nhật chính xác lên nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19 quốc gia.

Thông tin trên hệ thống cũng sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế để đảm bảo tính chính xác một lần nữa. Đây là cơ sở để cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử và "hộ chiếu vắc xin" sau này.

Viettel là đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, và chúng tôi cùng với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo thông tin được nhập lên hệ thống chính xác. Đó là việc sử dụng SMS xác nhận số điện thoại đăng ký, xác nhận thông tin, đối chiếu thông tin với các hệ thống khác.

Tuy nhiên, quy trình và các biện pháp kiểm tra chưa được đồng bộ nên đã có một số sai sót với tỉ lệ nhỏ. Chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông để rà soát và liên tục tối ưu hóa hệ thống.

Nhập đủ thông tin mới được chứng nhận

Người dân nên tránh việc cho mượn số điện thoại trong quá trình đăng ký thông tin, để tránh những bất tiện có thể nảy sinh sau này.

Nếu gặp vấn đề trong việc sử dụng thông tin trên Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, người dân có thể liên hệ tổng đài 19009095 hoặc cơ sở y tế nơi thực hiện tiêm.

Nếu chưa nhận được chứng nhận tiêm chủng điện tử, người dân cần nhập thêm ngày tháng năm sinh và giới tính trong mục Thông tin cá nhân trên ứng dụng, sau đó truy cập lại vào mục Chứng nhận ngừa COVID-19 sẽ thấy chứng nhận điện tử của mình.

Chứng nhận sẽ hiển thị thông tin cá nhân cùng số mũi đã tiêm, và một mã QR để dễ dàng quét tại các điểm, dịch vụ cần sử dụng. Người đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ có chứng nhận màu vàng, người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.

Read Entire Article