Hơn 2 tháng dập dịch ở Đà Nẵng

2 years ago 114

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói thành phố cần thêm thời gian theo dõi đà giảm ca dương tính mới, nhất là ca lây nhiễm trong cộng đồng để đánh giá chính xác. Tuy nhiên, "với những diễn biến hiện nay, thành phố đang trong chiều hướng kiểm soát được dịch Covid-19".

Đà Nẵng khởi phát đợt dịch hiện nay từ ngày 10/7 và đến nay ghi nhận 4.604 ca mắc Covid-19. Đây là số bệnh nhân nhiều nhất trong một đợt dịch từ trước đến nay ở Đà Nẵng, nhiều gấp gần 12 lần đợt dịch hồi tháng 7/2020, khi thành phố trọng điểm miền Trung là tâm dịch của cả nước.

Số ca nhiễm theo ngày ở Đà Nẵn, tính từ ngày 1/8. Nguồn: Sở Y tế Đà Nẵng

Số ca nhiễm theo ngày ở Đà Nẵng, tính từ ngày 1/8. Nguồn: Sở Y tế Đà Nẵng

Nếu năm ngoái dịch khởi phát từ bệnh viện (chủng Anh), thì các chuỗi lây nhiễm có tốc độ lây lan chóng mặt hơn hai tháng qua (chủng Delta) lại liên quan đến cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hoà Cường. Hai chuỗi cung ứng hải sản và nông sản lớn nhất miền Trung này mỗi ngày có hàng nghìn tiểu thương đến mua bán, toả về khắp các chợ.

Từ 18h ngày 31/7, thành phố cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" và chỉ hai tuần sau đã phải nâng cấp độ lên mức "chưa có tiền lệ" là tạm dừng mọi hoạt động. Đến 8h ngày 16/8, người dân được yêu cầu "ở yên trong nhà". Việc mua lương thực, thực phẩm đều phải thông qua Ban điều hành tại các khu dân cư.

"Đó là một quyết định được thảo luận và bàn bạc rất kỹ từ Thường trực Thành uỷ đến các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Lãnh đạo thành phố đã dự đoán trước nhiều tình huống có thể phát sinh nhưng vẫn không tránh khỏi những lúng túng ban đầu", bà Ngô Thị Kim Yến nói. Khó khăn đầu tiên thành phố phải đối mặt là cung ứng thực phẩm.

 Nguyễn Đông

Bà Ngô Thị Kim Yến trả lời phỏng vấn VnExpress. Ảnh: Nguyễn Đông

Thời điểm Đà Nẵng phong toả toàn thành phố, dịch Covid-19 đã lan rộng ở TP HCM và Bình Dương, gây quá tải cho ngành y tế trong việc cứu chữa người bệnh. Trong khi Đà Nẵng cố gắng hết sức mới có được 300 giường hồi sức và 6.000 giường cho bệnh nhân Covid-19. Theo bà Yến, có thể nhiều người dân đã hiểu được thực tế này và đồng thuận 'không ra khỏi nhà".

Ngay khi 1,13 triệu dân không ra khỏi nhà, ngành y tế thành phố đã tập trung vào việc xét nghiệm toàn dân. Nhờ phương pháp xét nghiệm gộp nhóm, thành phố xoay vòng 3 ngày lấy mẫu toàn dân một lần, cuốn chiếu theo từng tổ dân phố để đảm bảo tất cả hộ gia đình, người thuê trọ đều được xét nghiệm.

Một tháng qua, thành phố đã thực hiện 7 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình (từ 16/8 đến 16/9), mỗi đợt từ 300.000 đến 370.000 lượt người. Trong đó, đợt một phát hiện 81 ca; đợt hai 121 ca; đợt ba 39 ca; đợt bốn 18 ca; đợt năm 6 ca; đợt sáu 9 ca; đợt bảy 3 ca, làm cơ sở để khoanh vùng, truy vết F0. Trong 20 ngày phong toả cứng (từ 16/8 đến 5/9), thành phố phát hiện 2.400 ca dương tính.

Bà Yến nói, kết quả này cho thấy quyết định "tạm dừng mọi hoạt động" của Đà Nẵng là kịp thời và "đúng đắn", giúp khống chế được hai chuỗi lây nhiễm lớn liên quan đến cảng cá và chợ đầu mối; đánh giá được mức độ nguy cơ và quan trọng hơn là số ca dương tính trong vòng 10 ngày trở lại đây đã giảm mạnh, nhiều ngày không có ca cộng đồng.

55/56 xã, phường trên địa bàn ghi nhận có ca dương tính trong đợt dịch này. 70 ngày qua, 15.667 F1 phải cách ly tập trung; hàng trăm điểm phong toả (vùng đỏ), hàng rào, chốt chặn được lập ở hầu hết các khu dân cư. May mắn kịch bản 6.000 ca Covid-19 phải điều trị cùng lúc đã không xảy ra.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - phụ trách Bệnh viện Dã chiến khu ký túc xá phía tây thành phố, cho rằng thời gian phong toả toàn thành phố vừa qua là "cơ hội vàng" giúp ngành y tế đảm bảo được năng lực điều trị, kiểm soát dịch bệnh.

Đà Nẵng phân tầng điều trị từ cuối tháng 7. Trong đó tầng một (Bệnh viện Dã chiến), tiếp nhận tất cả các bệnh nhân để đánh giá nguy cơ. Người có bệnh nền, trẻ em được chuyển lên tầng 2 (Bệnh viện Hoà Vang). Các ca bệnh nặng, nguy kịch chuyển đến tầng 3 (Bệnh viện Phổi). Những bác sĩ nhiều kinh nghiệm từ các đợt dịch trước của Bệnh viện Đà Nẵng tham gia ở cả ba tầng điều trị.

"Chúng tôi đã nhìn vào thực lực của mình để chủ động ứng phó với các tình huống. Trong đó, thành phố chỉ có 300 giường hồi sức nên phải kiểm soát từ bệnh viện tầng một, can thiệp ngay với các bệnh nhân có nguy cơ để giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, nhờ đó các tầng trên có điều kiện tập trung vào các ca nặng", bác sĩ Nhân nói.

Xe cứu thương đưa F0 đến bệnh viện, tháng 8/2021. Ảnh: Nguyễn Đông

Xe cứu thương đưa F0 đến bệnh viện, tháng 8/2021. Ảnh: Nguyễn Đông

Thành phố không xảy ra tình trạng thiếu máy thở nhờ sự chuẩn bị kỹ lượng về trang thiết bị, vật tư y tế. Có giai đoạn, ba bệnh viện điều trị cùng lúc cho 2.500 bệnh nhân mắc Covid-19. Dù chưa quá tải, nhưng ngành y tế thành phố đã lên ngay phương án lập thêm bệnh viện dã chiến 2.000 giường ở khu ký túc xá trên đường Hà Văn Tính. Đến nay, bệnh viện này chưa phải dùng đến.

Đà Nẵng cũng cơ bản đáp ứng được các vấn đề dân sinh, khi liên tục hỗ trợ rau, củ, quả và mỗi hộ dân đều được hỗ trợ 500.000 đồng (tiền mặt hoặc nhu yếu phẩm tương đương). Lãnh đạo Đà Nẵng đã đưa ra sáng kiến sử dụng lực lượng cán bộ, công chức tại các khu vực bị phong toả tham gia vào công tác chống dịch tại khu dân cư.

"Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Nếu chỉ ngành y tế thì chắc chắn không thể kiểm soát được dịch", bà Yến nói thêm.

Lãnh đạo thành phố đang thận trọng mở lại các hoạt động, dù đã lần thứ hai nới lỏng cách ly xã hội. Đến thời điểm này, dù đã có 34/56 xã, phường là "vùng xanh" nhưng người dân Đà Nẵng ra khỏi nhà vẫn phải có giấy đi đường. Người ở vùng xanh đi chợ phải có giấy QRCode, tần suất 3 ngày/lần; hàng quán được mở bán mang về; người "vùng vàng" được trực tiếp đi mua nhu yếu phẩm...

Người dân vùng xanh được bán hàng mang về từ ngày 5/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Người dân "vùng xanh" được bán hàng mang về từ ngày 5/9. Ảnh: Nguyễn Đông

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch xét nghiệm toàn dân thêm hai lần nữa, trong đó toàn bộ đại diện hộ gia đình vùng vàng và 50% số hộ ở vùng xanh, để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, làm cơ sở để lãnh đạo thành phố đánh giá, đưa ra chiến lược chống dịch tiếp theo.

Theo bà, việc mở cửa ở mức độ nào phụ thuộc vào yếu tổ kiểm soát được dịch bệnh, năng lực y tế và tiến độ tiêm vaccine. Đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 544.000 liều vaccine từ Bộ Y tế, trong đó tiêm mũi một cho gần 419.000 người (số cần tiêm mũi một là gần 800.000 người); mũi 2 cho hơn 74.000 người.

"Thành phố đặt mục tiêu phủ hết mũi một cho người dân thành phố trong tháng 9. Khi đó, việc phòng, chống dịch sẽ nhẹ nhành hơn", bà Yến nói và cho biết quyết định mở lại hoạt động nào ở thời điểm này phải thực sự tỉnh táo, thận trọng để phòng thủ chặt qua hai đợt dịch liên tiếp từ 3/5 đến nay.

Từ góc độ một người dân quan sát công tác chống dịch trên địa bàn, ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận xét quyết định tạm dừng mọi hoạt động để chống dịch của lãnh đạo thành phố thời gian qua là cần thiết, kịp thời vì những biện pháp giãn cách trước đó không có hiệu quả.

Theo ông Thơ, với đà kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay, thành phố cần khoảng 5 ngày đến một tuần nữa, nếu chấm dứt được các ca nhiễm trong cộng đồng thì có thể nới lỏng tiếp. Tuy nhiên, nên giới hạn trong phạm vi thành phố là chính, còn hoạt động giao lưu với bên ngoài về kinh tế, du lịch phải hạn chế vì tình hình dịch ở phía Nam còn phức tạp.

Ông Thơ cũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp nên sẵn sàng cho kịch bản sống chung với dịch vì "tình hình kinh tế đã chạm đáy". Việc cần làm bây giờ, theo ông Thơ là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Nguyễn Đông

Read Entire Article