Internet và ảo tưởng bác học

2 years ago 166

Internet và văn hóa đọc là bạn hay thù?

Khi tư vấn cho những phụ huynh có con không thích đọc sách, tôi hầu như đều tìm được một mẫu số chung ở họ đó là trong gia đình không gian, thời gian, năng lượng dành cho đọc sách rất nhỏ hoặc không có trong khi thời gian, không gian dành cho internet và các thiết bị kĩ thuật số rất lớn. Ví dụ trẻ không có phòng đọc, giá sách riêng nhưng lại được dùng điện thoại, ipad thường xuyên, xem tivi thường xuyên. Trong nhà chỗ trang trọng, dễ nhìn, tức là không gian tốt nhất là dành cho chiếc tivi. Nếu như ở Nhật Bản, tivi màu trở thành đồ gia dụng phổ biến trong các gia đình vào những năm 60-70 của thế kỉ trước thì ở Việt Nam tivi đã trở thành đồ dùng không thể thiếu trong các gia đình trong khoảng 2 thập kỉ trở lại đây.

Nhìn ở phạm vi vĩ mô ta sẽ thấy Internet và mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Ở nước ta có những thứ thay đổi rất chậm nhưng có những thứ lại có gia tốc thay đổi cực nhanh ví dụ như sự phổ cập internet. Chỉ cần vài năm nhìn lại ta sẽ có cảm giác bất ngờ. Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Thương. Nhà tôi cách thị xã Bắc Giang (Nay là thành phố Bắc Giang) chưa đầy 20km tuy nhiên phải học hết trung học cơ sở (khoảng năm 1996) gia đình tôi mới được dùng điện và phải đến quãng năm 1999, tôi mới lần đầu tiên được nhìn thấy máy vi tính ở trường trung học phổ thông mình học (những chiếc máy cũ kĩ được một thầy giáo dạy tin học vốn là giảng viên đại học mang về). Đến khi tốt nghiệp đại học ra trường và trở thành giảng viên đại học năm 2004 tôi mới lần đầu tiên được chạm tay vào một chiếc điện thoại di động cũ mua lại từ một người đồng hương là giảng viên trong trường. Làng tôi cho đến thời điểm tôi tốt nghiệp đại học vẫn không có ai dùng internet, mà không chỉ là làng, cả xã cũng hầu như không có ai biết đến internet là gì. Thế nhưng hiện tại thì sao? Internet đã trở nên phổ cập ở trong xã, thanh niên hầu hết sử dụng điện thoại di động và rất nhiều người dùng điện thoại thông minh có thể truy cập mạng 24/24. Trên Facebook của tôi có rất nhiều “friend” (bạn bè) và “follower” (người theo dõi) là người cùng làng. Thậm chí trong nhiều lần về quê, các cậu, các chú ruột tôi tuổi không còn trẻ nữa còn bảo “A! cậu (chú) có theo dõi cháu livestream về đọc sách đấy nhá!”. Một việc mà trước khoảng mươi năm ta không thể nào có thể hình dung được!

Tuy nhiên, chúng ta đừng ảo tưởng và tự đánh lừa mình rằng cứ có internet là tự động có văn minh. Rất nhiều người dùng internet chỉ đọc và xem những thứ vô thưởng vô phạt thậm chí là “nhảm nhí”, “độc hại”. Chẳng hạn nhiều người dùng chúng để theo dõi những tài khoản Facebook, Youtube đăng tải các bài viết, hình ảnh, video đậm sắc màu bạo lực, tính dục nhạy cảm để “câu like” như “trẻ em hút thuốc”, “bố đánh con treo trên xà nhà”, “đánh ghen dữ dội trên cao tốc” hoặc là chửi tục vô tội vạ bằng một thứ tiếng Việt không thể nào thấp kém và vô văn hóa hơn với tần số xuất hiện dày đặc của các từ ngữ chỉ bộ phận sinh dục nam và nữ cùng những từ mô tả hoặc ám chỉ hành vi quan hệ tình dục. Không chỉ xem, đọc họ còn like, bình luận, cổ vũ và chia sẻ những bài viết, hình ảnh và video nói trên. Ta phải cay đắng thừa nhận một điều rằng trên internet, nơi người ta có thể ẩn danh khiến cảm giác trách nhiệm thấp đi, sự lan truyền của cái xấu, cái thấp kém có vẻ nhanh, rộng hơn và cái hay, cái sâu sắc, cái đáng suy nghĩ, những cái lẽ ra người dùng internet ở Việt Nam phải quan tâm trước hết như vấn đề tôn trọng con người, vấn đề dân sinh, bảo vệ môi trường và xây dựng xã hội văn minh lại bị bỏ qua. Nhiều người khác, tuy không xem, bình luận, chia sẻ các nội dung có hại trên nhưng lại chỉ dùng internet, mạng xã hội để chơi game, đọc tin tức giải trí như tin tức về các scandal của nghệ sĩ, các đoạn hài kịch ngắn, các bài hát chế đang nổi…

Giải trí là chính đáng, là nhu cầu tự nhiên của con người nhưng nếu như lần nào vào mạng cũng đều chỉ làm những việc trên thì thật là lãng phí và vô ích.

Không chỉ vậy, sự phổ cập của mạng internet, mạng xã hội và các thiết bị công nghệ như điện thoại, tivi, ipad, máy tính còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong đó có chứng nghiện game, internet, điện thoại ở trẻ em… Các nhà khoa học trên khắp thế giới bằng các nghiên cứu lâm sàng cụ thể đã cảnh báo về tác động có hại của internet và các thiết bị kĩ thuật số đối với trẻ em nhất là trẻ em dưới 6 tuổi. Chẳng hạn trong cuốn sách “Cha mẹ thời đại kĩ thuật số” (Tủ sách người mẹ tốt, 2015), tác giả Shin Yee Jin đã chứng minh bằng nghiên cứu lâm sàng rằng internet, điện thoại có thể phá hủy nặng nề bộ não của những đứa trẻ và làm cho thanh thiếu niên mất đi những phản xạ, thói quen sinh hoạt, khả năng tư duy bình thường. Tuy nhiên, các bạn hãy quan sát xung quanh mình sẽ thấy không hiếm các bà mẹ, ông bố dùng điện thoại dỗ con để con ăn nhanh hơn, chơi ngoan hơn. Cũng không hiếm các ông bà tỏ ra tự hào khi cháu còn nhỏ xíu, nói còn chưa sõi đã sử dụng điều khiển tivi, lướt tay trên màn hình cảm ứng điện thoại nhoay nhoáy để xem các video trên youtube hoặc xem các bộ phim hoạt hình mọi lúc mọi nơi. Internet và ảo tưởng bác học(Ảnh minh họa: Petr Bonek, Shutterstock)

Việc lạm dụng internet ở trẻ em như trên tất yếu dẫn đến hệ quả là trẻ bị các tật khúc xạ ở mắt như cận thị, mất khả năng tập trung dẫn tới học kém, hay cáu bẳn và lười vận động. Không phải ngẫu nhiên mà trong các sách bàn về việc đọc sách hay phương pháp học tập, các tác giả đều cảnh báo các thầy cô, cha mẹ rằng hãy xem lại xem có phải con em mình đang quá tập trung vào internet không? Khi trong nhà có tivi, điện thoại để trẻ xem, vào internet thỏa thích không giới hạn, thì tất yếu hứng thú của trẻ đối với sách và đọc sách sẽ kém đi. Chính vì vậy mà các tác giả nói trên đều khuyên muốn trẻ tập trung vào đọc sách thì cần hạn chế thời gian trẻ sử dụng tivi và internet hoặc ít nhất là phải có quy chế và phương pháp khoa học để trẻ sử dụng chúng hợp lý.

Một tác hại khách quan nữa của internet, mạng xã hội và các thiết bị kĩ thuật số gây ra cho người dùng là tạo ra “ảo tưởng bác học” ở họ. Nếu ngày xưa để tiếp nhận một thông tin nào đó ở một nơi xa xôi ta chỉ có cách trực tiếp đến hỏi người chứng kiến, đi đến nơi xảy ra sự kiện để quan sát hoặc cùng lắm là mua báo, nghe đài để biết và thường là ta chỉ biết sau khi sự kiện đã xảy ra một thời gian. Tuy nhiên, ngày nay nhờ mạng internet, mạng xã hội và các thiết bị kĩ thuật số ngày một hiện đại ta có thể chứng kiến đồng thời với các nhân chứng trực tiếp nhờ xem “livestream”, ta có thể tìm kiếm và đọc, xem, nghe bất cứ thứ gì mà ta quan tâm, ta thích thông qua việc tìm kiếm trên Google và các trang tìm kiếm khác. Internet đã thực sự trở thành “đại dương tri thức” khi ta có thể lặn ngụp trong đó để tìm kiếm bất cứ thứ gì, học bất cứ thứ gì mà mình muốn. Khi xưa lúc gặp một điều gì đó ta không hiểu, không biết ta chỉ có cách là đi hỏi ai đó hoặc là vào thư viện lật giở, lần tìm trong các cuốn từ điển bách khoa, các cuốn sách dày cộp. Việc đó rất mất công sức và thời gian. Ngày nay ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng và có thể đọc được thông tin về nó trên wikipedia, trên các diễn đàn… Cũng nhờ các phương tiện trên mà ta cũng đồng thời trở thành người truyền tin, trở thành nhà báo công dân, trở thành người sáng tạo ra nội dung rất dễ dàng trong chớp mắt. Nếu như trước kia, khi bạn có tài năng âm nhạc và muốn biểu diễn bạn phải chờ đến địa phương, nơi bạn làm việc có sự kiện nào đó tập trung mọi người; muốn mở rộng ảnh hưởng, muốn trở thành ca sĩ bạn phải chờ các cuộc thi của đài phát thanh, truyền hình hoặc bạn phải vào các trường nhạc để học mới có cơ hội. Nhưng ngày nay, bạn chỉ cần thu âm, ghi hình sau đó đưa lên các trang mạng, blog, website của bản thân hoặc trực tiếp biểu diễn và livestream là bạn đã trực tiếp tương tác với khán giả. Nếu như may mắn và bạn có tài năng độc đáo thì rất có thể chỉ một lần duy nhất và trong một đêm thậm chí chỉ vài giờ, bạn có thể trở thành ngôi sao được công chúng cả nước thậm chí cả thế giới biết đến. Bạn trở nên nổi tiếng được truyền thông, khán giả săn đón và thậm chí bạn có thể kiếm được nhiều tiền mà không cần phải đi bất cứ đâu.

Tuy nhiên, cái hay đó cũng lại chính là cái dở của internet, mạng xã hội. Sự tiếp cận thông tin dễ dàng và có thể truyền tin dễ dàng dễ khiến con người trở nên “hời hợt” và vô trách nhiệm. Việc có thể tìm mọi thứ và tiếp nhận nó trong thời gian ngắn, rời rạc không hệ thống khiến cho cá nhân nghĩ mình là “bác học” trong khi thông tin chỉ biến thành kiến thức khi nó có tính hệ thống, gắn với trải nghiệm thực tế và được nghiền ngẫm thấu đáo. Việc đọc cả một cuốn sách dày để hiểu một thuật ngữ rất khác với việc dùng máy tìm kiếm để đọc định nghĩa về thuật ngữ đó trên wikipedia trong vài phút. Trong thời đại hiện nay ta chứng kiến rất nhiều người biết đủ thứ nhưng thực ra lại không biết một thứ là ý thức về “sự không biết”, điều mà các triết gia lỗi lạc trong quá khứ như Socrates, Đức Phật hay Khổng Tử nhấn mạnh. Biết nhiều thứ vụn vặt không có nghĩa là bạn đã trở thành nhà thông thái. Các thông tin vụn vặt đó khi không được liên kết với nhau có tính hệ thống theo một logic nào đó thì sẽ không thể phục vụ để giải quyết vấn đề hay tạo ra giá trị mới. Việc tích lũy các thông tin vụn vặt đó chỉ là sự chất đống thông tin và trong việc này thì dĩ nhiên con người sẽ thua xa máy tính thậm chí là thua xa các cuốn sách. Việc nhiều người phủ nhận vai trò của đọc sách và nhấn mạnh tuyệt đối vai trò của việc cầm trong tay chiếc điện thoại, máy tính cũng như nhấn mạnh chức năng của google nằm trong bi kịch ảo tưởng vĩ đại này.

Nhờ Goole ta trở nên tự do hơn nhưng cũng trở nên mất tự do hơn!

Đó là goole chỉ cho ta thấy những gì ta muốn thấy! Đọc câu này của tôi bạn sẽ giãy nảy lên phản đối hoặc sửng cồ vì thấy vô lý. Nhưng đáng buồn sự thật chính là như vậy. Nếu bạn tìm kiếm cái gì đó mà nó đến ngay và chỉ những gì liên quan trực tiếp đến cái mà bạn muốn thấy xuất hiện thì nó rất tiện lợi, giúp bạn tiết kiệm công sức, thời gian nhưng chính nó cũng tước đi tự do chìm đắm vào sự sâu sắc của tri thức hay sự mênh mông của hiểu biết. Giống như đi trên một con đường, nếu bạn đi trên nó để đến đích bạn sẽ gặp vô số người, vô số hoa thơm, cỏ lạ và nhờ thế trước khi chạm đích bạn đã có những trải nghiệm phong phú, học hỏi được nhiều thứ. Đọc sách để có tri thức là cách đi như thế. Trong khi đó nếu như bạn có phép “cân đẩu vân” hay biến hình đến đích trong chớp mắt bạn sẽ không có trải nghiệm nào ngoài việc nhìn thấy đích đến. Ở đây, sẽ rất thú vị nếu ta liên tưởng đến chuyện tại sao Đường Tăng trong truyện Tây Du ký của Ngô Thừa Ân lại phải đi bộ từ Đại Đường tới Tây Trúc để thỉnh kinh mà không được phép để chân dời khỏi đất (ví dụ như ngồi lên lưng để đồ đệ cõng bay đến cho nhanh!). Lấy kinh có lẽ không phải là chuyện giản đơn là đến Tây Trúc rồi lấy mấy pho sách về là xong! Đường đi lấy kinh cũng là quá trình trải qua gian lao, tích lũy trải nghiệm để đạt tới giác ngộ! Phải chăng ngụ ý của nhà văn Ngô Thừa Ân là như vậy?

Sự trưởng thành của nhận thức, tư duy, kĩ năng là cả một quá trình nhờ vào sự tích lũy từ từ về lượng rồi dẫn đến đột biến về chất. Quá ỷ lại và ảo tưởng vào chức năng tìm kiếm của Google một cách giản đơn hay đánh giá quá cao những hiểu biết vụn vặt sẽ làm cho con người trở nên hời hợt, kiêu ngạo vô lối và tuyệt đối hóa giá trị. Cách thức máy tìm kiếm chỉ cho ra kết quả ta muốn thấy làm cho ta mất tự do tư tưởng. Chuyện này cũng hệt như việc khi bạn dùng Facebook mà chỉ muốn đọc, nghe, nhìn những gì phù hợp với giá trị quan, niềm tin của mình, chỉ muốn kết bạn với những người có chung niềm tin với mình và block, unfriend thẳng cánh những người có ý nghĩ, tư tưởng khác biệt. Việc đó có thể đem lại cho bạn sự thư thái, dễ chịu nhưng nó cũng góp phần thu thẹp tự do tưởng của chính bạn và làm cho tư duy bạn yếu đi. Lý do là tư duy chỉ được kích thích khi nó gặp vấn đề và va chạm với sự khác biệt trong tư duy của người khác. Tất nhiên, hạn chế hay tảng lờ những người ẩn danh và hữu danh có thái độ gây hấn, vô văn hóa hoặc cố ý làm phiền trên mạng lại là câu chuyện khác. Lựa chọn tiếp chuyện, đối xử bình thường với họ hay loại bỏ họ ra khỏi tài khoản, mạng lưới của bạn sẽ là lựa chọn mang tính cá nhân phụ thuộc vào quan niệm và quy tắc hành xử trên mạng của bạn.

(Trích từ bản thảo sách chưa in)
Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Nghiên cứu sách giáo khoa – Một công việc nghiêm túc và cần thiết

Mời xem video:

Read Entire Article