Khẩn trương lấp 'khoảng trống' kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ

1 year ago 92

Khẩn trương lấp “khoảng trống” kiểm toán DN Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ - Ảnh 1.

Hội thảo "Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ" - Ảnh: VGP/HT

Nguy cơ gây thất thoát lớn khi cổ phần hóa nếu thiếu kiểm toán

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng KTNN cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các "khuyết tật" của cơ chế thị trường. 

Trong bối cảnh chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19, Đảng, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đòi hỏi ngày càng minh bạch, phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, việc quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn còn bất cập, hệ thống các văn bản, chế độ quản lý tài chính của Nhà nước chưa chú ý quan tâm điều chỉnh nhiều đến loại hình DN này, vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Việc xác định vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất. Chưa bảo đảm được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại DN, chưa bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát của quản lý Nhà nước.

Công tác giám sát, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước còn nhiều hạn chế bên cạnh đó lại can thiệp hành chính vào quản lý, điều hành của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định về quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa khung giá do Nhà nước quy định và giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực. Ngoài ra, thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan việc đầu tư, xây dựng cũng như đầu tư ra nước ngoài, liên doanh, liên kết còn nhiều kẽ hở, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sử dụng vốn, tài sản không đúng mục đích, không hiệu quả.

Với quan điểm "ở đâu có tài sản công, tài chính công, ở đó có sự kiểm tra, giám sát của KTNN", nhằm bảo đảm nhiệm vụ "thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công" của KTNN theo tinh thần Hiến pháp, Luật KTNN năm 2015 đã quy định đơn vị được kiểm toán "doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng KTNN quyết định lựa chọn mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp".

Kể từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã chỉ ra một số yếu kém, bất cập của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn Nhà nước.

Bà Hà Thị Mỹ Dung thừa nhận, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán còn một số hạn chế. Việc thu thập thông tin của doanh nghiệp còn chưa đầy đủ. Các phát hiện kiểm toán trong việc thực hiện nghĩa vụ của người đại diện vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa rõ nét để kiến nghị cải thiện hiệu quả hoạt động của đại diện vốn Nhà nước trong vai trò giám sát vốn đầu tư.

Chấn chỉnh hoạt động thâu tóm, làm méo mó mục tiêu cổ phần hóa

Ông Lê Minh Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, KTNN khẳng định được vai trò quan trọng trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. KTNN giúp cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho các cơ quan thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý, điều hành, giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. 

Đồng thời, KTNN phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc tuân thủ quy định của Nhà nước để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. KTNN cũng chỉ ra các sai phạm đối với việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiến nghị với đơn vị chấn chỉnh hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh và có biện pháp khắc phục tồn tại.

Tuy nhiên, lãnh đạo KTNN cho rằng, các kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, đồng thời nêu nguyên nhân của hạn chế và giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Thứ hai, do hạn chế về nhân sự và thời gian nên kiểm toán chủ yếu tập trung kiểm toán các doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước, do đó, cần tăng cường nguồn lực cho kiểm toán.

Thứ ba, các cuộc kiểm toán chuyên đề còn hạn chế, do đó, cần đẩy mạnh đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý Nhà nước, của các doanh nghiệp. Các ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ rất đa dạng, quy mô lớn và có xu hướng phát triển theo hướng công nghệ cao nên đòi hỏi kiểm toán viên phải được đào tạo, cập nhật kiến thức để am hiểu các lĩnh vực mới. Cần khẩn trương ban hành quy trình hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ để các đoàn kiểm toán không bị lúng túng trong xác định phạm vi, giới hạn, nội dung kiểm toán.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, KTNN cần kiểm tra các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa về việc kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bao gồm các báo cáo kiểm toán do công ty kiểm toán độc lập thực hiện khi thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp bảo đảm được giá trị cao nhất của DN.

Cần có quy định cụ thể về việc xác định giá trị lợi thế đất đai, thương hiệu, giá trị truyền thống... quy định ngăn chặn gian lận, vi phạm chính sách, minh bạch công tác cổ phần hóa. Khẩn trương xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp Nhà nước, tài sản Nhà nước để kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. KTNN nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa. Theo đó, thực hiện kiểm toán theo loại hình kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để đánh giá toàn diện quá trình cổ phần hóa và có những ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách về việc cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa.

Huy Thắng


Read Entire Article