Lên núi Voi hái chuối rừng

2 years ago 98

7h, anh Nguyễn Duy Mạnh, 31 tuổi, ở thị trấn Tân Nghĩa cùng mấy người bạn theo đường đất từ quốc lộ 55 chạy xe vào chân núi Voi cách trung tâm huyện chừng 3 km thu hoạch chuối rừng. Nhóm 5 người mất hơn 20 phút mới leo lên tới đỉnh. Khu vực này cây rừng còn nhiều, không khí mát mẻ, chuối rừng phát triển mạnh. Nhiều buồng bắt đầu có trái chín.

 Việt Quốc

Anh Nguyễn Duy Mạnh thu hoạch chuối rừng, chuẩn bị gánh xuống núi. Ảnh: Việt Quốc

Cơn gió thốc từ hướng La Gi thổi qua, chuối chín trong khu rừng tỏa ra mùi thơm. Hớp nhanh ngụm nước, anh Mạnh cầm rựa chui vào giữa láng chuối, đưa mắt lựa những cây có buồng già để thu hoạch. "Mình chỉ chặt buồng chuẩn bị chín, buồng non để lại cho những chuyến sau", anh Mạnh cho biết.

Cây chuối rừng thon hơn cây chuối nhà, cao chừng 3-4 m, lá thẳng vút lên trên. Chúng mọc theo chòm hoặc đơn lẻ vài bụi ở gần các khóm lồ ô bên triền núi. Những buồng chuối đã trưởng thành chìa ra ngoài trông rất đẹp mắt.

Một buồng chuối rừng ở núi Voi có 6-9 nải, chừng 100-110 trái. Trái chuối thon nhỏ có bốn góc cạnh, dài chừng 9-10 cm. Chuối rừng có nhiều hạt màu đen 4-5 mm, hạt già cắn ra có chất bột trắng bên trong. Trái chuối rừng ít thịt, hạt nhiều, chủ yếu dùng để làm thuốc hoặc ngâm rượu.

"Năm nào tụi tui cũng lên núi hái mang về phơi làm thuốc và ngâm rượu, số còn lại bán cho hàng xóm hoặc những người có nhu cầu", anh Mạnh cho hay.

 Việt Quốc

Chuối rừng mọc kề láng tre trên núi Voi, huyện Hàm Tân. Ảnh: Việt Quốc

Anh Nguyễn Duy Lâm, một người dân thị trấn Tân Nghĩa, cho biết đây là mùa chuối rừng núi Voi chín rộ nhất. Loại cây này sống ở môi trường tự nhiên, mùa mưa phát triển mạnh, đồng loạt ra trái và già chín vào tháng Chạp.

Nhiều năm qua, cứ vào mùa nắng, người dân địa phương lên núi Voi hái chuối rừng về ngâm rượu. Những người không đi được sẽ mua lại với giá khoảng 100.000-120.000 đồng một buồng. Các thương lái ở La Gi cũng về Tân Nghĩa mua chuối rừng về bán lại cho người có nhu cầu trong dịp cận Tết.

Núi Voi có độ dốc cao, khó leo, nên mỗi người chỉ gánh xuống khoảng 4-6 buồng, tùy trọng lượng nặng nhẹ. "Thu nhập khoảng 400.000-700.000 đồng một chuyến lên núi, có tiền nhưng mệt ghê lắm", anh Lâm nói.

 Việt Quốc

Chuốt hột rừng sau khi phơi khô được dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu. Ảnh: Việt Quốc

Chuối rừng sau khi mang về được thương lái đến nhà thu mua. Người dân Tân Nghĩa thường bán ngay sau khi thu hoạch, mỗi lần chỉ để lại một ít, dú chín, lột vỏ phơi khô, gom bán một lúc, với giá 80.000-90.000 đồng một kg.

"Cũng như chuối rừng núi Tà Cú, chuối rừng núi Voi ở Hàm Tân rất thơm, nên thường được nhiều nơi hỏi mua", chị Trần Kim Hà, một người chuyên buốn chuối rừng ở Bình Thuận cho biết.

Trong đông y, chuối rừng có tác dụng bổ thận, hỗ trợ chữa trị sỏi thận, bàng quang... nên được nhiều người ưa chuộng. Chuối rừng thường dùng để ngâm rượu thuốc hoặc làm vị thuốc bắc, sắc nước uống.

 Google Maps

Núi Voi cách TP Phan Thiết hơn 70 km. Ảnh: Google Maps

Núi Voi, còn gọi là núi Nhọn, cao hơn 500 m so với mực nước biển, nằm cách trung tâm huyện Hàm Tân 3 km về hướng Đông Nam. Nơi đây còn có thảm thực vật tự nhiên, cây gỗ, tre lô ô, đặc biệt là chuối rừng.

Năm 2020, rừng tự nhiên trên ngọn núi này từng bị đốt phá để chiếm đất, nhưng sau đó đã được ngăn chặn kịp thời và sau gần hai năm đã dần phục hồi trở lại. Chính quyền thị trấn Tân Nghĩa đang phối hợp với Hạt kiểm lâm Hàm Tân – La Gi bảo vệ rừng tự nhiên trên ngọn núi này.

Việt Quốc

Cào chằn chằn ở biển Mũi Né Lưới ghẹ đêm kiếm tiền triệu Bắt dộp ở rừng ngập mặn kiếm tiền triệu
Read Entire Article