Lợi ích khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ

2 years ago 104

Lợi ích khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ - Ảnh 1.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ lớp 6 - Ảnh: VGP

Chất lượng vaccine được kiểm nghiệm nghiêm ngặt

Theo GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay có 53 quốc gia đã và đang tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 20 quốc gia tiêm vaccine mRNA cho trẻ trong độ tuổi này.

Ở nước ta, ước tính có khoảng 11,8 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Có 2 loại vaccine phòng COVID-19 sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở Việt Nam là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Cũng theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, việc kiểm nghiệm vaccine tại các nước phát triển rất nghiêm ngặt, từ chất lượng đến an toàn và hiệu quả. Các vaccine được nghiên cứu từ trong phòng thí nghiệm, đến nghiên cứu trên động vật, sau đó trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, họ tiếp tục theo dõi chất lượng vaccine.

"Riêng đối với vaccine Pfizer và Moderna, các quốc gia phát triển đã sử dụng tiêm cho nhiều đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5-11 tuổi. Bất kỳ phản ứng bất thường nào của vaccine xảy ra sau tiêm đều được nhà sản xuất và các tổ chức quốc tế thông báo và khuyến cáo", GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Trong quá trình vận chuyển về Việt Nam, vaccine luôn được bảo quản ở nhiệt độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất bằng các thiết bị chuyên dụng, sau đó, vaccine được chuyển về Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế để đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Khi đó, vaccine mới được đưa đến các điểm tiêm chủng theo hệ thống của Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sang tuần sau, cả nước sẽ triển khai tiêm cho trẻ

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna phòng COVID-19 để ưu tiên tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6) trên cả nước, với liều 0,25 ml mỗi trẻ. Trường hợp trẻ đủ 12 tuổi sẽ tiêm liều 0,5 ml theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vaccine lần này do Chính phủ Australia viện trợ.

Theo quyết định phân bổ ngày 14/4, TPHCM và Hà Nội là hai địa phương nhận số lượng vaccine lớn nhất với lần lượt là 87.500 và 72.700 liều. Tiếp đến là Thanh Hóa 35.700 liều, Nghệ An 34.000 liều, Đồng Nai 31.000 liều, Quảng Ninh 20.000 liều, Bình Dương 19.700 liều, Bắc Giang 18.600 liều, Hải Dương 18.200 liều, An Giang 17.000 liều, Nam Định 17.600 liều, Kiên Giang 16.500 liều, Gia Lai 16.200 liều… Các tỉnh, thành phố còn lại được phân bổ từ 4.000 đến 15.000 liều vaccine.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức tiêm ngay số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lý.

Vaccine Moderna có dạng hỗn dịch tiêm màu trắng đến trắng ngà. Liều cho trẻ em 0,25 ml chứa 50 mcg vaccine COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid). Trẻ tiêm 2 mũi vaccine Moderna, cách nhau 4 tuần.

Tại Hà Nội, dự kiến sẽ triển khai tiêm vaccine Moderna cho nhóm trẻ này vào ngày 17/4. Thủ đô có khoảng 950.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12. 

Hà Nội sẽ triển khai tiêm theo lứa tuổi từ cao đến thấp theo tiến độ cung ứng vaccine. Địa điểm triển khai chính tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học; trạm y tế hoặc cơ sở y tế dành cho các đối tượng trẻ không đi học, đối tượng thận trọng khi tiêm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng huy động các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập, các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tăng cường hỗ trợ nhân viên có chứng nhận an toàn tiêm chủng tăng cường tại các điểm tiêm.

Tại TPHCM, việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được thực hiện từ ngày mai (16/4). Đối với trẻ đã từng mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine COVID-19 sau 90 ngày kể từ ngày mắc bệnh.

Ước tính, TPHCM có khoảng 898.537 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Hôm qua (14/4), tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ lớp 6. Dự kiến, từ đầu tuần sau, các địa phương trên cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine này cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tiêm cho trẻ: Đặc biệt thận trọng, chu đáo 

Đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt tỉ lệ cao và đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác, bao gồm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc duy trì, tăng cường công tác tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em trong tình hình dịch COVID-19, từ đó góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em và giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học. Tiêm cho trẻ em cũng giúp thúc đẩy các mục tiêu xã hội khác, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, những lo lắng của các bậc phụ huynh khi cho trẻ tiêm vaccine là điều rất dễ hiểu và tự nhiên. Vì vậy, để tiêm cho trẻ em thì kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo. Trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm, vì những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm.

"Điều quan trọng là sàng lọc và theo dõi sau khi tiêm. Đồng thời, tổ chức mạng lưới cấp cứu ngay sau khi tiêm, túc trực 24/24h, để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra", PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh. 

Hiền Minh


Read Entire Article