'Ly hôn nếu không sinh con trai”: Gameshow câu view bằng suy nghĩ mông muội, phải phạt mạnh tay!

2 years ago 122

02/12/2021 10:44 AM | Sống

Việc để lộ, lọt một nội dung quá cổ hủ, mông muội như vậy lên sóng truyền hình thể hiện sự yếu kém của ekip làm chương trình. Nếu cố tình để câu view thì cần xử phạt thật mạnh tay.

 Gameshow câu view bằng suy nghĩ mông muội, phải phạt mạnh tay!

Chàng trai nêu quan điểm "trọng nam khinh nữ" trong một gameshow hẹn hò. (ảnh chụp từ chương trình)

Trong tập phát sóng mới đây của chương trình Hành lý tình yêu, nhân vật nam tên Công Hoàng gây chú ý khi đưa ra quan điểm khắt khe về việc chọn vợ tương lai. Trên sóng truyền hình, chàng trai người Huế thẳng thắn cho biết: “Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai” khiến nhiều người bất ngờ.

Công Hoàng giải thích dòng tộc của anh rất coi trọng con trai, ba mẹ muốn anh phải có con trai để nối dõi. Trong gia đình anh, đàn ông là trụ cột ngồi mâm trên, còn phụ nữ phải ngồi mâm dưới. Vậy nên nam chính muốn giữ gìn truyền thống đó của gia đình.

Ý kiến của chàng trai Huế này gây tranh cãi gay gắt cho những vị cố vấn tham dự chương trình. Mạng xã hội cũng nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh quan điểm "sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai", trong đó hầu hết là ý kiến lên án gay gắt anh chàng này.

Một khán giả cho rằng Công Hoàng có tư tưởng “cổ hủ, lạc hậu” và “thật nực cười”. “Bây giờ đã ở thế kỷ nào rồi còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, còn mặc định nam ngồi mâm trên, nữ ngồi mâm dưới. Không thể tin nổi đến giờ vẫn còn sót lại một con người như thế. Chắc chẳng có bạn gái nào bây giờ chấp nhận lấy người chồng có tư tưởng này”, vị khán giả này cho hay.

Rất nhiều người khác cũng hoài nghi đây là nội dung mà chương trình dàn dựng nên để thu hút sự quan tâm của khán giả. Một cư dân mạng bình luận: “Chương trình phải có kịch bản. Có lẽ đây là chủ ý của nhà sản xuất chương trình”.

Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) cho rằng chúng ta không phải người trong cuộc nên không thể khẳng định được đây có phải chủ ý của nhà sản xuất chương trình hay không.

“Xét về mặt thực tế thì chương trình có được hiệu ứng "viral" (nổi tiếng, lan truyền - PV) nhất định. Tuy nhiên nó cũng không quá gây ầm ĩ. Một phần vì câu chuyện không tạo được hiệu ứng tranh cãi, do phần đông khán giả đều đồng tình với ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng là phản đối tư tưởng trọng nam khinh nữ”, ông Long cho hay.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng nội dung muốn tăng thời gian "viral" thì nó cần yếu tố gây tranh cãi, ví dụ bên này ý kiến xuôi bên kia ý kiến ngược. “Nội dung này không đạt được điều ấy”, ông Long thẳng thắn nhận định.

Ở góc độ bảo vệ phụ nữ, ông Long cho biết: “Hiện nay, tại Việt Nam mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ đều bị cấm, Nhà nước và xã hội đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, nhiều chuẩn mực, nguyên tắc của CEDAW (Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn) đã được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Vì vậy, quan điểm của chàng trai được phát sóng trong chương trình không chỉ gây phẫn nộ về mặt dư luận mà còn có dấu hiệu vi phạm CEDAW”.

Theo ông Long, việc để lộ, lọt một nội dung quá nhạy cảm như vậy thể hiện sự yếu kém của ekip làm chương trình. Còn nếu đây là việc cố tình để câu view thì là điều không thể chấp nhận được, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để xử phạt thật mạnh tay.

Công ước CEDAW là Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979.

Ngày 3/9/1981, sau khi nước thứ 20 thông qua, công ước này bắt đầu có hiệu lực với tư cách một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ.

Theo Uỷ ban CEDAW, đã có 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia công ước vào 29/7/1980 phê chuẩn vào 27/11/1981.

Năm 2006, sau khi có Luật bình đẳng giới, việc lồng ghép giới đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn ở Việt Nam.

Theo N. Huyền

Infonet

Read Entire Article