Ngôi làng Trung Quốc giàu lên nhanh chóng

2 years ago 81

Nhờ sự nổi lên của loại chè đặc sản, những người dân ở vùng núi khó khăn tỉnh Vân Nam nhanh chóng kiếm được bộn tiền từ những gốc chè lâu năm, vốn bị cho là vô giá trị.

Ở vùng núi phía Nam tỉnh Vân Nam, dọc biên giới Trung Quốc - Myanmar, người dân tộc thiểu số Bulang địa phương thường kể câu chuyện về già làng Pa Ai Leng, người đã mang lại sự thịnh vượng cho họ.

Theo truyền thuyết, ông không để lại ngựa, bò cho đời sau vì sợ chúng sẽ chết nếu dịch bệnh bùng phát, cũng không cho vàng bạc vì lo con cháu sẽ tiêu hoang. Cuối cùng, ông để lại những cây chè, xem đó là nguồn của cải vô tận cho con cháu.

Dù rất khó để tìm ra nguồn gốc của truyền thuyết Pa Ai Leng, nhưng ít nhất nó cũng có một phần sự thật. Kể từ đầu những năm 2000, những cây chè lá to lâu năm và loại trà Phổ Nhĩ độc đáo sản xuất từ cây này đã trở thành một trong những mặt hàng có giá trị và được săn lùng trên khắp Trung Quốc, theo Sixth Tone.

Một kg trà Phổ Nhĩ thu hoạch từ những cây cổ thụ, thường có tuổi đời hơn 100 năm, có giá 1.000 đến 2 triệu nhân dân tệ (157 USD đến 313.000 USD), mang lại sự giàu có cho vùng quê biên giới này.

ngoi lang trung quoc giau len nhanh chong
Người dân vùng núi tỉnh Vân Nam đổi đời nhờ loại chè đặc sản.

Quá khứ khó khăn

“Khi giá chè ở quê tôi tăng từ dưới 15 nhân dân tệ/kg vào năm 2003 lên 100 nhân dân tệ/kg vào năm 2005, tôi đã thấy rất cao. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình giàu có. Năm đó, tôi đã mua 3 chiếc xe máy cho các con, đứa út khi đó còn chưa biết chạy xe”, Xiang (50 tuổi), người dân làng Manban ở Vân Nam, nói.

ngoi lang trung quoc giau len nhanh chong
Những cây chè cổ thụ ở Vân Nam từng bị xem là không mang lại giá trị.

Giống như các ngôi làng khác hưởng lợi từ việc bán trà Phổ Nhĩ, làng Manban ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 2 thập kỷ.

Giai đoạn 1950-1980, tỉnh Vân Nam tìm cách hiện đại hóa việc sản xuất chè trong khu vực bằng cách chuyển đổi các vườn chè thành đồn điền kiểu mới.

Nhiều người dân chặt bỏ các gốc chè cổ thụ, thay bằng giống mới năng suất cao hơn. Trong khi đó, nhiều người Bulang chỉ khai phá đất mới trồng chè, bỏ bê các vùng trồng cũ chứ không chặt bỏ cây.

Cho đến cuối những năm 90, trà thu hoạch từ những gốc cổ thụ vẫn có giá chưa tới 1 nhân dân tệ/kg, bị coi là loại có chất lượng kém nhất. Các công ty chè chỉ chuộng loại màu nhạt, lá nhỏ, búp nhỏ.

Đổi đời

Mọi thứ thay đổi vào năm 2007, khi một số công ty chè nhỏ và vừa bắt đầu quảng bá loại chè cổ thụ. Không lâu sau, Phổ Nhĩ cổ thụ trở thành lựa chọn ưa thích của những người sành trà, thương gia và người tiêu dùng tầng lớp trung lưu trở lên. Họ ca ngợi hương vị, kỹ thuật thu hái được bảo chứng qua thời gian và xem nó như di sản, thứ trà chỉ có vua chúa ngày xưa được thưởng thức.

Từ năm 2005 đến 2007, giá trà Phổ Nhĩ cổ thụ ở làng Manban đã tăng gấp 3 lần. Đến năm 2014, giá tăng gấp 10 lần. Thu nhập bình quân của một hộ gia đình trong làng cũng tăng từ dưới 2.000 nhân dân tệ vào năm 2000 lên 100.000 nhân dân tệ vào năm 2019, gần gấp 10 lần mức trung bình của vùng nông thôn Vân Nam.

ngoi lang trung quoc giau len nhanh chong
Nhiều dân làng Manban giàu lên nhờ thu hái chè cổ thụ.

Tuy nhiên, sự nổi lên của chè cổ thụ đã gây ra sự bất bình đẳng giữa những người trồng chè cũ và người đầu tư canh tác theo mô hình mới. Từ năm 2016 đến 2021, giá trà Phổ Nhĩ cổ thụ cao gấp 5 lần trà Phổ Nhĩ giống mới.

Ví dụ như trường hợp của Bing (ngoài 30 tuổi). Những năm 90, chú anh được thừa kế toàn bộ rừng chè cổ thụ từ ông nội.

“Khi đó, bố tôi cho rằng những cây chè đó vô giá trị nên không lấy. Giờ, gia đình chú tôi có thể dễ dàng kiếm được 100.000 nhân dân tệ chỉ trong một mùa xuân, trong khi nhà tôi khó mà kiếm được một nửa số đó trong cả năm”.

Sự phân chia kinh tế xã hội giữa các ngôi làng còn đáng kinh ngạc hơn. Năm 2003, một nửa dân làng Manban đã chuyển đến một ngôi làng mới xây dựng ở chân núi, hứa hẹn giao thông thuận tiện và kết nối dễ dàng hơn với thế giới bên ngoài.

Nhưng chỉ vài năm sau, giá trà cổ thụ tăng vọt, những người đã di dời nhận ra các gia đình ở lại, từng bị coi là ngoan cố và bảo thủ, đang được hưởng lợi.

ngoi lang trung quoc giau len nhanh chong
Trà Phổ Nhĩ cổ thụ được nhiều người săn lùng.

Hiện, giá chè ở làng mới thấp hơn làng cũ 12 lần, nhiều người ở làng mới trở thành nhân công hái, sao chè thuê cho dân làng cũ.

“Trước năm 2007, không có cô gái nào trong làng chúng tôi muốn kết hôn với những chàng trai ở làng cũ. Giờ chúng tôi lại cạnh tranh để trở thành người làm cho họ”, Ban, người dân làng mới, đùa trước hoàn cảnh trớ trêu.

Nhiều người tìm cách đầu tư vào các cây trồng khác, từ macca đến sắn, nhưng do thiếu hiểu biết về thị trường và các kỹ năng liên quan, phần lớn rơi vào cảnh thất bại.

Tuy nhiên, những người đang được hưởng lợi từ loại chè cổ thụ cũng không tránh khỏi lo lắng. Khi tất cả thu nhập chỉ đến từ một nguồn, họ dễ bị ảnh hưởng nếu thị trường thay đổi đột ngột.

Câu chuyện về trà Phổ Nhĩ cổ thụ - món quà của Pa Ai Leng dành cho người dân của mình - cũng phản ánh hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Khi các loại hàng hóa thông thường được tôn sùng, giá trị của chúng không còn được hiểu bằng các lý thuyết kinh tế học.

Read Entire Article