Ngôi nhà 'bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp'

2 years ago 107
Mới nhất Thời sự Góc nhìn Thế giới Video Kinh doanh Khoa học Giải trí Thể thao Pháp luật Giáo dục Sức khỏe Đời sống Du lịch Số hóa Xe Ý kiến Tâm sự Hài

Lâm ĐồngTrái với vẻ ngoài thô kệch và nặng nề, không gian bên trong căn nhà ở Đà Lạt đầy ánh sáng và cây xanh, thể hiện tính cách của gia chủ.

Ngôi nhà trên khu đất 260 m2 trong một khu dân cư yên tĩnh trên đồi Đà Lạt được kiến trúc sư Phạm Khoa Nguyên thiết kế cho bố mẹ khi vừa tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Mong muốn của anh là tạo ra không gian sống hòa hợp với thiên nhiên, riêng tư nhưng không cô lập để an dưỡng khi nghỉ hưu.

Giải pháp của kiến trúc sư là một công trình có hình dáng đơn giản như các khối hộp chồng lên nhau và cạnh vát ở những nơi cần thiết.

Những góc vát 25 độ được tính toán kỹ lưỡng để đưa các trục chính của ngôi nhà về hướng chính Bắc, gom gió mát và tạo đối lưu để tỏa đi khắp căn nhà. Góc vuông đối diện kết hợp với hàng cây lâu năm phía Tây tách gió mùa Tây Nam ẩm ướt thành những luồng nhỏ hơn đồng thời đổi hướng, trung hòa chúng.

Nhà lùi 1,2 mét so với mặt đường, bên ngoài có hàng rào gạch bê tông xếp chồng so le, không sơn phết hay tô vẽ. Viên trước xoay khoảng 5 độ so với viên sau, hàng trên lệch đi một viên rưỡi so với hàng dưới để tạo hiệu ứng động, giúp tường rào có sức sống hơn mà vẫn giữ được tính thô của gạch bê tông trần.

Ngoại thất nhà gây còn ấn tượng với phần gỗ thui (Shou Sugi Ban) bao bọc phần lớn bề mặt. Shou Sugi Ban là kỹ thuật của người Nhật, giúp gỗ chống ẩm và chống cháy.

Do Shou Sugi Ban ít được ứng dụng ở Việt Nam, không xưởng gỗ nào ở Đà Lạt nhận thui gỗ cho anh Nguyên. "Tôi may mắn thương lượng được với chủ một xưởng gỗ và tự thui tại sân sau của xưởng", KTS sinh năm 1989 tiết lộ, nói thêm bố mẹ anh ban đầu cũng hoài nghi nhưng khi nhà xong thì rất ưng ý.

Bên trong, công năng nhà được phân bố theo lối sinh hoạt thường ngày và tính cách của họ. Cổng chính dẫn lên tầng ba, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động chính như tu thiền, nấu nướng, ăn uống, tiếp khách.

Tầng ba như một khoảng không gian lớn hợp nhất các khu vực nhỏ lại với nhau. Cũng tại đây, cảnh quan thành phố Đà Lạt được thu gọn lại qua khung cửa sổ rộng. Nhờ đó, gia chủ có thể thưởng thức trọn vẹn khung cảnh hữu tình, thứ khiến họ ấn tượng đầu tiên khi mới đến xem miếng đất.

Một điểm đặc biệt khác của căn nhà là cây cầu tường kính nối giữa khu sinh hoạt và phòng thờ ở tầng ba. Ý tưởng này được KTS phát triển dựa trên cây cầu bê tông phía trước nơi gia đình từng sống.

Cầu tường kính kết nối không gian, cũng đóng vai trò như một phòng chào và đưa ánh sáng cùng gió trời vào công trình, xóa nhòa ranh giới giữa bên trong với bên ngoài.

Phòng thờ được tách khỏi khối nhà chính bên đầu kia cây cầu, như một lá chắn nhằm đem bình an đến cho căn nhà. Dải cửa sổ mỏng "nhấc" phần mái khỏi các mảng tường, thể hiện mong muốn của KTS là thổi bay phiền muộn cho gia chủ mỗi khi bước vào không gian linh thiêng.

Chỗ nghỉ ngơi của gia chủ được bố trí ở hai tầng dưới. Ban công, giếng trời kết hợp với cây xanh và thác nước xen kẽ các phòng ngủ. Việc đặt các ban công ở tầng dưới đảm bảo riêng tư cho người sử dụng mà vẫn giữ được sự gần gũi với thiên nhiên.

Ngôi nhà hoàn thành năm 2019 với tổng chi phí (bao gồm sân vườn, nội thất, trang thiết bị) khoảng năm tỷ đồng.

"Ngôi nhà như một ẩn dụ cho con người của bố mẹ tôi vậy. Họ không xa hoa, bóng bẩy nhưng khi hiểu rõ con người họ, bạn sẽ nhận ra họ thật sự giàu tình cảm", KTS Nguyên chia sẻ.

Minh Trang
Ảnh và thiết kế: Nguyen Pham Design

Read Entire Article