Người cai trị sáng suốt mưu cầu lợi ích vì dân không vì mình

2 years ago 175

Sách “Lã Thị Xuân Thu” viết, Quốc guân có tấm lòng quảng đại, khát vọng lớn lao khi thống nhất và cai trị đất nước thông thường đều không dựa vào chế độ hà khắc và binh lính mạnh mẽ, càng không có việc phá tường thành rồi giết hại dân chúng của nước khác. Họ chính là dựa theo hình thế chung của thiên hạ, gánh vác nguy nan của xã hội, san sẻ nỗi khổ sinh kế của dân chúng, giải trừ tai họa và đại nạn cho dân chúng. Như thế, thiên hạ tự nhiên sẽ quy thuận khuất phục, dân chúng trong thiên hạ lo toan làm ăn sinh sống, quốc gia hưng thịnh.

Khi Thần Nông Thị Viêm Đế trị vì đất nước đã ra sắc lệnh rằng, nam tử khi thành niên rồi mà không đi trồng trọt thì thiên hạ sẽ có người chịu đói, nữ tử khi thành niên rồi mà không biết dệt vải thì thiên hạ sẽ có người bị lạnh mà không chịu được. Cho nên, Thần Nông đã tự mình cày bừa trồng trọt, vợ của ông thì tự mình dệt vải.

Ban đầu, Thần Nông Thị chưa biết được loại quả, hạt hoặc rễ, cành lá của cây nào có thể ăn được, loại nào không nên ăn. Để mọi người được ăn no, không bị đói, để cho mọi người được sinh tồn, Thần Nông Thị đã quyết định dùng chính miệng của mình để thử mùi vị của các loại thực vật hoang dại. Ông cũng đã phát hiện ra những loại lá, loại quả có chứa chất độc và đánh dấu tỉ mỉ kỹ càng chúng lại để dân tránh. Bằng cách này, ông đã tìm được những thực vật có thể làm ra lương thực, những loài cây có thể làm rau ăn, đã tìm được những trái cây ngon, còn tìm được cả những cây có thể chữa bệnh được. Đây đều là thể hiện ra tấm lòng nhân đức, vì dân chúng mà mưu cầu lợi ích của bậc cai trị.

Thời thượng cổ, khi Long Môn chưa khai mở, Lữ Lương Sơn chưa thông khiến cho nước sông Hoàng Hà từ Mạnh Môn Sơn chảy ra làm ngập lụt, hủy hoại vô số đồi núi, đồng ruộng và bình nguyên màu mỡ, dân chúng lang thang khắp nơi. Đại Vũ đã đảm nhận trách nhiệm lớn lao là cứu dân chúng thoát khỏi nạn. Ông đã xẻ núi khơi thông sông Hoàng Hà, đào kênh dẫn đường sông Trường Giang, xây dựng đê làm cho lũ lụt dần hết. Điều này mang lại lợi ích cho dân chúng rất nhiều quốc gia, cũng thể hiện ra công trạng của Đại Vũ và luôn được người dân biết ơn, ngưỡng mộ.

Thời Chiến Quốc, Mặc Tử đã đi bộ suốt mười ngày đêm để đến được Sính Đô – đô thành của nước Sở và tìm cách ngăn cản nước Sở tấn công nước Tống. Việc làm này của Mặc Tử đã cứu dân chúng nước Tống thoát khỏi nguy nan chiến tranh sắp sửa xảy ra. Mặc Tử chưa làm quân vương nhưng ông đã có tư tưởng ái nhân, vì dân chúng.

“Hành đức ái nhân” không chỉ khiến người khác được lợi mà còn khiến quốc gia được trật tự, an bình. Hơn nữa, bản thân người hành đức ái nhân cũng sẽ được lợi rất nhiều.

Sách “Lã Thị Xuân Thu” viết, có một lần, Tần Mục Công ngồi xe ngựa xuất hành nhưng xe bị hỏng. Con ngựa phía bên phải xe bị đứt dây cương đi lạc và bị một nhóm người nông phu bắt được. Lúc Mục Công đi tìm con ngựa ấy thì thấy một nhóm nông dân ở phía nam núi Kỳ Sơn đang chia thịt ngựa của mình. Thấy vậy, Tần Mục Công không những không tức giận mà còn cảm thương, nói với những người nông dân: “Các ngươi ăn thịt ngựa mà không uống rượu thì thịt ngựa sẽ làm tổn thương thân thể các ngươi”. Thế là Tần Mục Công thưởng rượu cho từng người rồi rời đi. Những người này đã không bị trừng phạt lại còn được nhà vua đãi ngộ nên trong lòng vô cùng cảm động.

Một năm sau (Năm 645 TCN), Tần Quốc và Tấn Quốc xảy ra chiến tranh ở Hàn Nguyên. Quân lính nước Tấn bao vây xe ngựa của Tần Mục Công. Bên xe ngựa là quân nước Tấn đang giơ cao giáo mác, tình thế rất nguy cấp. Đúng lúc này, hơn ba trăm nông phu ở phía nam Kỳ Sơn đến cứu nguy cho Tần Mục Công. Cuối cùng, họ đánh bại được quân Tấn, cứu được Tần Mục Công.

Cho nên, bậc Quân vương đối đãi với những người tài đức phải công bằng chính trực thì mới giúp họ thi triển được nhân đức. Bậc Quân vương phải đối đãi với những người bình thường một cách khoan dung và nhân hậu thì mới khiến họ hết lòng hết sức lại với mình. Bậc Quân vương yêu dân, chăm lo cho dân, nhất tâm mưu cầu phúc lợi cho dân thì dân cũng sẽ kính yêu Quân vương.

Câu chuyện Triệu Giản Tử thời Chiến Quốc giết chết con la yêu quý, lấy gan để cứu mạng Tư Cừ cũng là một ví dụ. Triệu Giản Tử rất yêu quý hai con la trắng của ông. Một đêm nọ, có tiểu quan Tư Cừ đến trước cổng nhà Triệu Giản Tử nói: “Tôi bị bệnh, thầy thuốc nói rằng phải ăn gan của con la trắng thì bệnh mới khỏi, nếu không thì sẽ chết”. 

Người gác cổng đem chuyện này nói lại với Triệu Giản Tử. Một thuộc hạ ở bên cạnh Triệu Giản Tử nghe thấy vậy liền tức giận nói: “Tư Cừ dám mưu toán đến bạch la của Quân vương chúng ta, thỉnh lập tức cho xử trảm!”

Triệu Giản Tử nói: “Vì giữ mạng sống của súc vật mà giết người thì là quá bất nhân, vì để cứu mạng sống của con người mà giết súc vật thì đó chẳng phải là thi hành nhân ái sao?” Triệu Giản Tử đã cho đầu bếp giết con la trắng mà ông yêu quý, lấy gan đưa cho Tư Cừ.

Không lâu sau, Triệu Giản Tử dẫn quân đi đánh nước Địch, Tư Cừ dẫn theo bên trái 700 quân, bên phải 700 quân xông lên thiện chiến, giúp Triệu Giản Tử toàn thắng. Từ đó có thể thấy, Quân vương hành đức ái nhân thì nhất định cũng sẽ có được nhiều sự báo đáp.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Read Entire Article