Người Hà Nội những ngày đầu được nới lỏng

2 years ago 243

Thấy quận mình có tên trong danh sách 19 "vùng xanh" được nới lỏng một số dịch vụ, anh Trần Văn Tùng nghĩ ngay đến việc hồi sinh cái máy giặt "đắp chiếu" hơn tuần nay.

"Bình thường thì không sao nhưng nhà có cháu nhỏ mới sinh, thiếu máy giặt quả là khổ sở", người đàn ông 32 tuổi có con trai mới sinh hơn 10 ngày, nói. Hôm cái máy giặt tự nhiên không hoạt động, anh Tùng đã gọi cho người bạn làm nghề sửa chữa đồ gia dụng để cầu cứu nhưng nhớ ra đây là nhiệm vụ bất khả thi. Chẳng ai dám liều ra đường, đến cứu cái máy giặt nhà anh.

Kể từ ngày 24/7, TP Hà Nội giãn cách toàn diện theo chỉ thị 16, mọi cơ sở kinh doanh, dịch vụ được cho là không thiết yếu đều phải ngừng hoạt động. Người dân cũng được yêu cầu "ai ở đâu, ở yên đấy", mọi người phải có giấy phép đi đường hoặc phiếu đi chợ, ai vi phạm có thể bị phạt từ một đến ba triệu đồng.

Người đàn ông ở Bắc Từ Liêm đành gọi video call để bạn "khám bệnh online" cho cái máy và được đoán là phím cảm ứng bị ẩm. Anh Tùng được hướng dẫn dùng máy sấy tóc để làm khô bảng mạch điều khiển. Có lẽ do được sấy kỹ quá nên bộ điều khiển bị nóng, từ liệt thành chết hẳn.

Nhìn đống tã, quần áo của cậu con trai mới sinh, Tùng ruột nóng như lửa. Anh giặt tay liên tục, vắt kỹ rồi bật quạt, dùng máy sấy hong khô đồ mới đủ cho con dùng. "Suốt một tuần, lộ trình quen thuộc của tôi là phòng ngủ ra nhà tắm giặt giũ, rồi vào bếp nấu ăn", anh Tùng than thở.

Dòng phương tiện đông đúc trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), hôm 17/9. Ảnh: Ngọc Thành

Dòng phương tiện đông đúc trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), hôm 17/9, sau một ngày dở chốt. Ảnh: Ngọc Thành

Tối 15/9, vợ chồng Tùng "giãn hết cơ mặt" nghe tin từ 12h trưa hôm sau, thành phố cho phép một số ngành nghề, dịch vụ như sửa chữa đồ gia dụng, điện tử điện lạnh và cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập... hoạt động trở lại. "Ngày hôm nay đáng ghi vào nhật ký để kỷ niệm hàng năm", anh nói vui khi thấy cái máy giặt hoạt động sau khi được bạn đến sửa giúp.

Chị Minh Hà, 38 tuổi, ở Nam Từ Liêm cũng như trút được gánh nặng nhờ dịch vụ sửa chữa điện được khôi phục và đường điện trong nhà mẹ đẻ chị được nối lại sau hai ngày tê liệt. "Trải qua giãn cách và dịch bệnh mới thấy những điều tưởng như rất bình thường lại vô cùng đáng quý", chị nói.

Thành phố nới lỏng giúp anh Lê Hoàng, 31 tuổi, được đoàn tụ với vợ con sau nửa tháng "3 tại chỗ" ở công ty. Sáng 16/9, anh và đồng nghiệp không ai bảo ai lặng lẽ gấp sẵn chăn màn, quần áo, đồ dùng cá nhân nhét chặt ba lô, đến 17h là đồng loạt ra về. "Lâu ngày không về rất nhớ vợ con. Ở công ty phải trải chiếu nằm sàn, nghĩ đến về nhà được ngủ trên giường thấy khỏe cả người", anh kĩ sư xây dựng nói.

Không phải xa tổ ấm như anh Hoàng, nhưng chị Minh Hà gần hai tháng không thể sang thăm mẹ dù chỉ cách hơn 5 km. "Mẹ tôi hay ốm đau, lại không được minh mẫn. Ngày thường, ba chị em luân phiên thăm bà mỗi ngày. Nay không đến được rất sốt ruột", người phụ nữ ở Nam Từ Liêm, nói. Sự sốt ruột bị đẩy lên mức cao hơn khi biết tin hệ thống điện trong nhà mẹ bị hỏng, bà ngã chảy máu tai.

Theo quy định mới của thành phố, dịch vụ ăn uống cũng được bán mang về. Sáng 17/9, bà Mai, 45 tuổi, ở phố Cốm Vòng đứng trước cửa giám sát cánh thợ đóng biển hiệu mới cho quán bún. Mấy tháng đóng cửa, tấm biển cũ đã nhạt màu, bà cũng gần cạn vốn bởi tiền thuê nhà hơn 20 triệu đồng một tháng vẫn phải trả. "Chỉ nghe được mở cửa lại là thấy vui, thấy khỏe rồi, dù chưa biết được lâu không", bà nói.

Bà dành một buổi chiều quét dọn, mua nguyên liệu. Hôm 18 mở hàng, chỉ bán được gần 20 bát bún nhưng người phụ nữ tin rằng mấy ngày tới sẽ đông khách hơn bởi nhiều cơ sở kinh doanh, văn phòng còn đóng cửa, các hàng rào xung quanh chưa dọn hết.

Trên đường về, anh Lê Hoàng nhắn vợ sẽ mua vịt quay, không cần lo bữa chiều. Cô vợ tíu tít khi biết từ hôm sau nếu bận bịu có thể ra quán, không phải lọ mọ trong bếp ngày ba lần. Sau bữa tối, vợ chồng họ cho con đi siêu thị gần nhà. "Lâu mới được ra đường, thằng bé nói luôn miệng, chỉ trỏ như lần đầu ra phố", anh Hoàng nói.

 Phạm Nga

Tấm biển mới bà Mai treo lên hôm 17/9 để chuẩn bị mở cửa trở lại. Bà cho biết, biển cũ không có món Bún bò, nên không thu hút khách. Ảnh: Phạm Nga

Dẫu vậy, anh Hoàng vẫn thấy thấp thỏm, bất an. Thành phố đã dỡ 39 chốt kiểm soát phân vùng nhưng quy định giãn cách chưa thay đổi. Người dân ở 19 quận, huyện "vùng xanh" vẫn cần có giấy đi đường khi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, bốn ngày qua, người dân đổ ra đường đông hơn thường lệ, nhiều nơi không đảm bảo giãn cách. Một số cửa hàng không nằm trong danh sách được hoạt động lại đã mở cửa, thậm chí nhân viên không đeo khẩu trang.

Nỗi lo của Hoàng không phải không có cơ sở, ngày 18/9, quận Long Biên xuất hiện một ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đến hôm nay, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận một F1 của ca này đã dương tính.

"Tâm lý chủ quan, xả láng bù cho mấy tháng giãn cách đã xuất hiện ở nhiều người. Đến quầy thanh toán mọi người không xếp hàng mà đứng san sát nhau. Tôi thực sự rất lo có thêm người nhiễm, thành phố lại siết chặt", anh Hoàng nói sau buổi tối đến siêu thị.

Phạm Nga

Read Entire Article