Nhà ở công nhân và sản xuất ‘ba tại chỗ’ - Bài 2: Nhà ở công nhân chật vật kinh doanh

2 years ago 175

Gian nan thủ tục đầu tư

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Caseamex cho biết khu đất mà công ty xây dựng nhà ở xã hội được công ty chuyển nhượng từ người dân địa phương, sau đó làm thủ tục để giao đất cho chính quyền địa phương và được chính quyền địa phương ra quyết định giao lại để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Với quy trình “một vòng thủ tục” như thế đến năm 2016 công ty mới đủ thủ tục để khởi công được dự án.

“Dự án Nhà ở xã hội Gia Phúc có tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 130 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ vay được 65 tỷ đồng từ gói 30.000 tỷ của Chính phủ. Sau khi công ty khởi công dự án được 3 tháng thì gói vay 30.000 tỷ đồng đã khép lại, công ty phải tự bươn chải sử dụng vốn tự có và vốn vay thương mại để triển khai dự án đúng tiến độ. Vào thời điểm dự án hoàn thành 2 block nhưng nguồn vốn giải ngân cho người mua nhà ở xã hội được Chính phủ giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa phân bổ về cho các địa phương. Để hỗ trợ cho người mua nhà, công ty còn gồng mình hỗ trợ người mua nhà trả trước 30%, phần còn lại chờ đến khi vay được vốn mới thanh toán”, ông Đức chia sẻ khó khăn.

Dự án Nhà ở xã hội Gia Phúc do Công ty Caseamex đầu tư được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích gần 13.000m2 tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy. Toàn dự án có 6 block chung cư 5 tầng với tổng cộng 490 căn hộ. Diện tích mỗi căn hộ từ 40,5 đến 43m2, gồm: 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh, lô gia (ban công), giá bán dao động từ 5-10 triệu đồng/m2.

Nhiêu khê thủ tục kinh doanh

Ông Đức cho biết, tính đến nay dự án đã cơ bản trả xong dư nợ và lãi vay 65 tỷ đồng để đầu tư dự án Nhà ở xã hội Gia Phúc nhưng bán chưa được một nửa số căn hộ của dự án này, nguyên nhân do thủ tục mua nhà rất nhiêu khê.

Cụ thể, trong quy định về điều kiện để người lao động mua được nhà có 3 điều khoản mà người lao động khó hoàn thành, cụ thể, khi xét hồ sơ theo hộ gia đình, trong hộ khẩu có tên người mua nhà có một thành viên có thu nhập phải đóng thuế thu nhập thì các thành viên khác không được xem xét mua nhà ở xã hội.

 Nhà ở công nhân chật vật kinh doanh - Ảnh 1.

Nhiều KCN trên cả nước chưa có nhà ở xã hội dành cho công nhân. Ảnh: TL

 

Thứ hai là người xin mua nhà ở xã hội phải người mua nhà phải về địa phương xác nhận có tham gia hội, đoàn thể và là hộ nghèo không đất ở, đất sản xuất, đây cũng là cái khó khăn vì người mua nhà phải đi làm ăn xa ít tham gia đoàn thể tại địa phương.

Thứ ba là quy định người mua nhà phải được tất cả anh chị em trong hộ khẩu ký tên, đảm bảo chịu trách nhiệm về tài chính nếu người mua nhà không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đây là một điều cực kỳ khó vì không ai dại gì lãnh nợ về mình cho dù đó là anh chị em ruột trong gia đình.

Về phía bên bán cũng gặp không ít khó khăn trong việc xác định giá bán căn hộ. Theo quy định thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ quyết toán toàn bộ chi phía xây dựng (trừ giá trị về đất) để ngành chức năng thẩm định và quyết định giá bán trong phạm vi lợi nhuận của chủ đầu tư tối đa 10%. Tuy nhiên, điều này dẫn đến trở ngại rất lớn, ví dụ như dự án gồm có 6 block nhưng chủ đầu tư đã xây hoàn thiện 1-2 block muốn mở bán thì lại vướng thủ tục quyết toán vì công trình còn dang dỡ nên ngành chức năng không chịu quyết toán và như thế thì chưa thể xác định giá bán căn hộ, chủ đầu tư muốn bán tại thời điểm đó cũng không thực hiện được.

“Chính vì những khó khăn đó nên mặc dù Công ty Caseamex có đến hàng ngàn công nhân, trong đó còn rất nhiều người đang thuê mướn nhà trọ cũng rất muốn mua nhà ở xã hội do công ty xây dựng nhưng do không đáp ứng được các điều kiện theo quy định nên không mua được nhà”, ông Đức cho biết.

Trao đổi với ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ về những khó khăn của doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Toàn cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiên nay có khoảng 20.000 người lao động, cán bôi công nhân viên chưa có nhà ở, đó là chưa tính con số sinh viên mới ra trường, làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân, lao động ở các khu công nghiệp… Nếu tính hết thì tổng nhu cầu nhà ở của các đối tượng lên đến hàng chục ngàn người. Vì vậy, địa phương rất mong muốn có thêm nhiều nhà đầu tư phân khúc nhà ở xã hội cho thành phố.

“Về những vướng mắc tại dự án nhà ở xã hội Gia Phúc, qua phản ánh của nhà đầu tư chúng tôi đã kịp thời tháo gỡ về định giá bán căn hộ bằng cách tạm tính quyết toán hoàn công cho từng block để tạo điều kiên cho nhà đầu tư được kinh doanh từng phần. Hiện nay, Sở cũng đã ban hành quyết định cho phép chủ đầu tư mở bán 5 block đã hoàn thiện. Tuy nhiên, với những vướng mắc về thủ tục của người mua nhà vượt ngoài thẩm quyền của Sở nên chúng tôi đã có tổng hợp, báo cáo về Bộ Xây dựng”, ông Toàn cho biết.

Bên cạnh những khó khăn về thủ tục đầu tư, tiếp cận vốn tín dụng, ràng buộc về điều kiện mua nhà, các dự án nhờ ở xã hội còn gặp khó khi chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến giá đầu ra vượt xa “tầm với” so với thu nhập của đa số người lao động tại các KCN. Như vậy, giải pháp nào để giải quyết nhà ở xã hội cho người lao động tại các KCN để “cung và cầu” không vênh nhau?

(Còn nữa)


Theo An Hòa

Nhà đầu tư

Read Entire Article