Nỗi khổ của... viên thuốc đấu thầu

1 year ago 151

Thở phào, bởi gói thầu này đã chậm hơn tám tháng so với thời hạn, và việc thiếu thuốc thời điểm đó như vậy là do chưa đấu thầu quốc gia xong. Giờ xong là thuốc về đầy đủ đây!

Nhưng đấu thầu xong rồi, công bố rồi, thuốc vẫn thiếu! Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia vừa có báo cáo cho biết trong số 67 mặt hàng trúng thầu, mới có 43 mặt hàng (64%) có thuốc để cung ứng theo dự trù của bệnh viện. Có 15/67 mặt hàng (22%) có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng và 9/67 mặt hàng (13%) chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế.

Như vậy nếu tính từ tháng 11-2021 khi gói thầu cũ hết hạn, chuẩn bị cho gói mới 2022-2023 này đến nay đã hơn một năm. Trong hơn một năm qua, thuốc thiếu tơi bời, vật tư y tế thiếu tơi bời. 

Có những bệnh viện tuyến trung ương hiện đành báo ngưng một số dịch vụ vì không đủ thuốc và vật tư y tế, có bệnh nhân đành phải nhờ bệnh viện khác hỗ trợ. Nhưng điều đáng nói từ nay đến hết gói thầu mới này (hết 2023) chỉ còn một năm nữa, đoạn trường đấu thầu lại bắt đầu và vòng luẩn quẩn lại tái diễn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nhìn nhận khó khăn của ngành y tế, khi "đấu thầu mất nhiều hồ sơ, thủ tục, thời gian mất 6-8 tháng, nhưng hiệu lực gói thầu chỉ một năm". Những bó buộc tương tự như thế này đang dẫn đến những khó khăn cho khối bệnh viện: thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu vật tư y tế, thiếu thiết bị...

Trong giải thích khi bãi bỏ quy định dẫn đến khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế (quy định mới có hiệu lực từ 1-2-2023), Bộ Y tế cho rằng quy định cũ ra đời khi dịch COVID-19 đang bùng phát, giá thiết bị y tế tăng phi mã và cần có quy định để kiềm chế. Với thuốc và vật tư, những quy định hiện hành cũng để giải quyết vướng mắc kiềm chế giá và những lắt léo trong đấu thầu, để giá thuốc, giá vật tư, giá thiết bị "thật" hơn.

Vài tháng trước, khi bàn thảo về dự luật này, đại diện một bệnh viện tư nhân chia sẻ giá thiết bị họ mua luôn rẻ hơn rất nhiều so với khối y tế công. Theo ông này, bệnh viện công có đất (Nhà nước cấp) và nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đang đi tụt lùi, trong khi tư nhân phải tự túc toàn bộ nhưng ngay sau dịch COVID-19 họ đã gượng dậy, chưa kể vẫn đang đồng hành với các chương trình hỗ trợ người nghèo. 

Điều đó cho thấy ngay cả khi có hàng loạt chính sách kiềm chế nhưng hiệu quả kiểm soát giá thuốc và vật tư, thiết bị y tế vẫn chưa đạt, trong khi lại cản trở bệnh viện mua thuốc men, thiết bị, gây khó khăn cho người dân, và cần ngay các chính sách mới, phù hợp, khả thi để sửa chữa những vướng mắc này.

Và ngay trước mắt, đó là chính sách đấu thầu mua thuốc, có nhất thiết giá thuốc trúng thầu phải thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu 12 tháng trước đó? Nếu không nhất thiết thì cách nào kiểm soát giá, cắt đường đi lòng vòng của thuốc, thay vì sử dụng những biện pháp phi thị trường?

Nếu không viên thuốc bé tí vẫn cứ đi lòng vòng, trúng thầu rồi vẫn không có, vẫn muôn ngàn lý do, chỉ có người bệnh là chịu thiệt thòi.

Read Entire Article