Phan Thiết vào mùa câu bạch tuộc

1 year ago 103

10h, hơn chục ngư dân phường Hàm Tiến chèo thúng đưa bạch tuộc vào bán tại làng chài Rạng. Những thuyền thúng tròn màu xanh dương chòng chành trên sóng, người trên thúng đưa tay quẫy mạnh mái chèo, lấy trớn cho thuyền lướt.

Phan Thiết vào mùa câu bạch tuộc
 
 
Phan Thiết vào mùa câu bạch tuộc

Các thuyền thúng đi câu trở về, mang bạch tuộc vào bờ biển Rạng bán. Video: Việt Quốc

Ông Nguyễn Văn Minh, 52 tuổi, sau khi kéo thúng lên bờ, nhanh chóng mang bịch nilon loại lớn đầy bạch tuộc lên cân cho người thu mua chờ sẵn dưới rặng dừa. Những con bạch tuộc tươi rói, mắt còn trong, ông bán sỉ với giá 140.000 một kg. Chuyến này câu được gần 6 kg, ông kiếm 800.000 đồng.

"Con mực dái này câu gần bờ, còn tươi rói, ăn ngon hơn mực đánh lưới giã cào, nên được mua giá cao", ông Minh nói.

Theo ông Minh, ở xứ biển Phan Thiết, bạch tuộc nhỏ được người dân địa phương gọi với cái tên dân dã là "mực dái". Các tàu giã cào thường đánh được nhiều ở những khu vực xa bờ biển Rạng. Nhưng với những người làm nghề đi thúng ở đây, họ thường câu ở cách bờ 1-2 hải lý, trong khu vịnh từ Mũi Né đến Phú Hài.

Làm nghề này, mỗi ngày họ phải thức dậy rất sớm, từ 3h để chèo thúng đi câu. Anh em trong hội cùng xuất phát từ bến rạng dừa sau nhà thờ Rạng, khi ra cách bờ chừng một hải lý, mọi người tự tản ra để thả câu.

Lưỡi câu bạch tuộc khá đặc biệt. Đó là chùm lưỡi móc gồm 12 cái đính vào nhau, xòe ra theo một hình tròn. Bên trên có gắn một "con mồi giả" làm bằng nhựa, bên trên có sơn phết nhiều màu sắc dạ quang sặc sỡ (xanh, hồng, tím, vàng...) để thu hút thị giác bạch tuộc.

 Việt Quốc

Ông Nguyễn Văn Minh, ngư dân làng chài xứ Rạng (Phan Thiết) câu bạch tuộc trên biển. Ảnh: Việt Quốc

Mỗi người câu thường mang 10 chùm lưỡi. Tất cả được thả xuống nước, dây cước thòng xuống nước nằm quanh thúng. Hễ thấy dây cước giật giật và căng ra, người câu biết bạch tuộc đã dính. "Mực dái, nó thấy con mồi giả, chúng bơi đến vồ lấy, các tua sẽ mắc vào chùm lưỡi câu khó thoát ra được", ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Sáu, gắn bó với nghề hơn chục năm nay, cho biết vào đầu mùa mưa, bạch tuộc vào gần bờ nhiều để tìm thức ăn, nên nghề câu mực dễ dàng và thuận lợi hơn. Những mùa khác, anh em cũng làm nghề, nhưng mực thưa hơn hoặc phải câu xa bờ hơn.

Ở khu vực làng chài Rạng (phường Hàm Tiến) có khoảng 20 người làm nghề câu bạch tuộc, tuổi 24-55. Hôm nào cũng vậy, rạng sáng mỗi người thả câu tản mát một nơi. Nhưng cứ gần 10h, như quy ước với nhau từ trước, họ sẽ cùng chèo thúng vào bờ một lúc để bán mực dái cho mối hàng đợi sẵn.

"Trung bình mỗi người kiếm từ 500.000 đến 800.000 đồng một ngày, có hôm trúng nhiều được tiền triệu", ông Sáu nói.

 Việt Quốc

Bạch tuộc tươi sống vừa được đánh bắt ở biển Rạng (TP Phan Thiết). Ảnh: Việt Quốc

Anh Lê Văn Tư, một người chuyên thu mua bạch tuộc câu trong khu vực cho biết, dân sành ăn bạch tuộc ở Phan Thiết thường ra bến dừa Rạng vào thời điểm này để tìm mua bạch tuộc tươi ngon nhất vùng.

Theo anh Tư, những năm gần đây loại hải sản này rất được khách du lịch cũng như người dân địa phương ưa chuộng. Do vậy, nguồn hàng mua được lúc nào cũng bán chạy, ít bị tồn.

"Trong các dịp nghỉ lễ và cuối tuần, bạch tuộc bán rất chạy, nên được thu mua giá cao từ 120.000 đến 140.000 đồng một kg, còn bình thường khoảng 100.000 một kg", anh Sáu nói.

Bạch tuộc câu ở biển Phan Thiết có kích cỡ nhỏ, dài 8-16 cm, được những người sành ăn hải sản cho rằng là loại hàng ngon nhất, nhờ thịt giòn, không dai như bạch tuộc già cỡ lớn.

Bạch tuộc được chế biến nhiều món ngon, như: nướng không, nướng sa tế, chiên, hấp, nhúng giấm, nhúng mẻ, nhúng lá me, gỏi, cháo... Hiện, tất cả nhà hàng, quán ăn ở khu vực Mũi Né và trung tâm Phan Thiết đều có bán loại đặc sản này.

Việt Quốc

Read Entire Article