Phía sau mỗi tập phim chưa tới 10 triệu đồng của 'Mùa lá rụng'

2 years ago 130

Hơn 20 năm sau ngày 'Mùa lá rụng' phát sóng, đạo diễn - NSƯT Quốc Trọng kể về quá trình tạo dựng căn nhà và cảnh phim tàu điện đầy tiếc nuối.

Dựa trên hai tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn Đám cưới không giấy giá thú của nhà văn Ma Văn Kháng, phim Mùa lá rụng khai thác sự phá vỡ nếp nhà truyền thống nơi thành thị trong đoạn giao thời giữa bao cấp và đổi mới. Trung tâm của câu chuyện là gia đình ông Bằng, một nhà giáo lão niên có tư tưởng Tây học. Theo chân những người con của ông Bằng, câu chuyện mở rộng về tiêu cực giáo dục, vết đen báo chí và nhiều vấn đề khác của xã hội đương thời.

Sau hơn 20 năm phim chiếu, đạo diễn - NSƯT Quốc Trọng kể nhiều kỷ niệm hậu trường.

Đạo diễn Quốc Trọng trong buổi trò chuyện với Ngoisao.net tại khu vườn ở nhà riêng của ông ở Hà Nội.

Đạo diễn Quốc Trọng trong buổi trò chuyện với Ngoisao.net tại khu vườn ở nhà riêng của ông ở Hà Nội.

Gian nan tìm nhà cổ

- Thưa đạo diễn, hơn 20 năm trước chuyển thể hai tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng thành phim ‘Mùa lá rụng’, ông áp lực những gì?

- Nhiều thứ áp lực lắm, đặc biệt là hai điều: rất khó tìm được căn nhà của gia đình ông Bằng như hình dung trong tác phầm văn học và không biết bản nhạc ông Bằng hay nghe là gì.

Tôi cùng họa sĩ Dân Nam lang thang khắp phố phường cũng không tìm được căn nhà ưng ý. May sao với sự hỗ trợ của Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, anh em tôi được khảo sát đại sứ quán và nhà riêng của đại sứ hơn 20 nước đã hết hạn thuê. Sau cùng, chúng tôi chọn ba căn nhà 45 - 47 - 49 Điện Biên Phủ, gần lăng Bác làm bối cảnh chính. Tôi quay cổng nhà số 45, quay sân vườn nhà số 47 và quay không gian bên trong ở nhà số 49.

Với bản nhạc ông Bằng hay nghe từ máy hát, nhà văn Ma Văn Kháng không nhắc tên cụ thể. Tôi và nhạc sĩ Trọng Đài ngồi với nhau gần cả tháng, nghe mấy chục bản nhạc từ đĩa than. Chúng tôi trao đổi khá kỹ và tôi quyết định chọn bản giao hưởng cung rê thứ (Giao Hưởng Bỏ Dở) của Schubert. Tôi rất mừng là sau khi phim hoàn thành, bản nhạc đã tạo được một dấu ấn khá mạnh.

Một số khung hình đẹp trong bối cảnh căn nhà cổ của phim Mùa lá rụng.

Một số khung hình đẹp trong bối cảnh căn nhà cổ của phim 'Mùa lá rụng'.

- Căn nhà và khu vườn từ sách bước lên màn ảnh như thế nào?

- Tôi biết ơn họa sĩ Dân Nam và đội thiết kế mỹ thuật. Họ đã mất rất nhiều công sức để tạo dựng những bối cảnh đặc trưng thập niên 1980. Các anh em quét lại vôi tường, sửa từng cánh cửa, di chuyển từng món nội thất, chuẩn bị từ cái tăm, đôi đũa đến cái ghế, cái bàn, máy hát...

Chúng tôi thi công và quay từng bối cảnh. Trong lúc đoàn gói gọn tất cả cảnh cùng một phòng, đội thiết kế sắp đặt phòng khác. Mỗi phòng tốn vài ba ngày chuẩn bị. Khu vườn nguyên bản đã đẹp lắm rồi, cành lá rậm rì, lá rụng đầy sân rất hợp kịch bản. Tôi chỉ yêu cầu đội họa sĩ cắt tỉa bớt cành để tạo các vệt nắng rọi xuống vườn.

Anh quản lý nhà cửa phía Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn bảo căn nhà có giá thuê ngoại giao 350.000 Euro nhưng họ không thu tiền của đoàn phim. Tôi trộm nghĩ bán cả hãng phim cũng không kiếm được bằng ấy tiền (cười). Tiền cho việc thuê bối cảnh chỉ chừng vài ba triệu đồng. Tôi đề xuất gửi số tiền đó cho đội bảo vệ, cảm ơn họ hỗ trợ đoàn ba tháng quay.

Tôi nhận trực tiếp từ cơ quan khoảng 9 triệu đồng cho mỗi tập. Trong đó, 6 - 7 triệu dành cho dàn diễn viên chính, số còn lại lo hiện trường, ăn uống... Cát-xê cao nhất là Dũng Nhi với 500.000 - 600.000 mỗi tập.

- Tái hiện giai đoạn giao thời giữa bao cấp - mở cửa trên đường phố Hà Nội năm 1999 có gì thử thách với êkíp?

- Chúng tôi nhờ công an phường giúp "khép kín" những đoạn phố xưa cũ và quay trong khung giờ nhất định. Đoàn phim huy động quần chúng, vận chuyển các loại xe đạp, xe máy thời bao cấp làm đạo cụ.

Tôi nhớ phim Hà Nội mùa đông 46 của đạo diễn Đặng Nhật Minh làm một đoạn tàu điện chạy dọc hồ Gươm rất đẹp. Khi làm Mùa lá rụng, tôi nuôi tham vọng dựng khung cảnh giáp Tết với vòi nước công cộng trên vỉa hè, xe điện ngoài phố và các cô con dâu gói bánh chưng trong sân nhà ông Bằng.

Tôi thuyết phục mãi, công ty xe điện đồng ý không tính tiền thuê nhưng tôi phải lo khoảng 20 triệu đồng chi phí vận chuyển và vận hành trong một đêm. Thời ấy, 20 triệu to lắm, lương tháng của dân làm phim chúng tôi chỉ vài ba triệu thôi.

Tôi thuyết phục đạo diễn Khải Hưng, giám đốc trung tâm sản xuất phim truyền hình, nhưng không được. Đó là tiếc nuối lớn nhất của tôi với Mùa lá rụng. Nếu quay được những cảnh đó, chắc chắn phim sẽ mang đậm dấu ấn Hà Nội hơn nữa.

Đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ hậu trường Mùa lá rụng

Read Entire Article