Philippines đối mặt 'khủng hoảng giáo dục' sau 2 năm triển khai việc học online

2 years ago 280

"Em muốn đi học", Kylie Larrobis, 7 tuổi, cho biết. Cô bé phàn nàn rằng mình không thể đọc sau một năm học mẫu giáo trực tuyến bên trong căn hộ ổ chuột nhỏ ở Manila, nơi mà em ở chung với sáu người.

"Em không biết một lớp học trông như thế nào. Em chưa bao giờ nhìn thấy một lớp học."

Larrobis, năm nay bước vào lớp một, đã khóc trong thất vọng khi không thể hiểu được các bài học trực tuyến mà cô bé theo dõi trên điện thoại thông minh, theo chia sẻ từ mẹ của em, Jessielyn Genel.

Nỗi khổ của cô bé còn bị gia tăng thêm bởi lệnh cấm trẻ em chơi ở ngoài trời.

Bà Genel, người từng phản đối việc mở lại các lớp học trực tiếp, giờ cho biết: "Những gì đang xảy ra là không tốt."

Philippines đối mặt khủng hoảng giáo dục sau 2 năm triển khai việc học online - Ảnh 1.

Philippines đã triển khai việc học online được 2 năm, kể từ khi đại dịch bùng phát.

Các lớp học ở Philippines hôm 13/9 tiếp tục vắng lặng khi hàng triệu học sinh vẫn ngồi học ở nhà trong năm học từ xa thứ hai ở quốc gia này, điều mà các chuyên gia lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm một "cuộc khủng hoảng về giáo dục".

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã mở lại một phần, hoặc toàn bộ trường học để triển khai các lớp học trực tiếp, Philippines đã đóng cửa các trường học này kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, theo đại diện Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn bác bỏ đề xuất thí điểm mở lại các trường tiểu học và trung học vì lo ngại trẻ em có thể nhiễm Covid-19 và lây cho những người thân lớn tuổi.

Một chương trình "học tập kết hợp" bao gồm các lớp học trực tuyến, tài liệu in và các bài học được phát sóng trên truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội đã được chính quyền nước này khởi động vào tháng 10 năm ngoái.

Nhưng nó đã phải đối mặt với một vấn đề: Hầu hết học sinh ở Philippines không có máy tính hoặc internet ở nhà.

"Học sinh có thể không bao giờ trở lại"

Isy Faingold, trưởng bộ phận giáo dục của UNICEF tại Philippines, cho biết hơn 80% phụ huynh lo lắng con mình đang "học kém hơn". Khoảng 2/3 trong số họ ủng hộ việc mở lại các lớp học ở những khu vực ít lây nhiễm.

"Học từ xa không thể thay thế học trực tiếp", Faingold nói. "Đã có một cuộc khủng hoảng học tập trước Covid-19... giờ nó sẽ còn tồi tệ hơn."

Philippines đối mặt khủng hoảng giáo dục sau 2 năm triển khai việc học online - Ảnh 2.

Điều kiện học tập tại nhà của một đứa trẻ ở Philippines.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thanh thiếu niên 15 tuổi ở Philippines hiện xếp cuối hoặc gần cuối về khả năng đọc, làm toán và khoa học.

Hầu hết học sinh theo học tại các trường công lập, nơi sĩ số các lớp lớn, sử dụng phương pháp giảng dạy lạc hậu, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh, và nghèo đói là những nguyên nhân khiến chúng tụt hậu. Theo số liệu chính thức, số lượng đăng ký học tại trường đã giảm xuống còn 26,9 triệu vào tháng 9/2020 và đã giảm thêm 5 triệu kể từ đó.

Faingold lo ngại nhiều học sinh có thể "không bao giờ trở lại".

"Chúng tôi hy vọng trong những ngày tới, lượng tuyển sinh tiếp tục tăng nhanh," Faingold nói.

Philippines đối mặt khủng hoảng giáo dục sau 2 năm triển khai việc học online - Ảnh 3.

Một cuộc khảo sát gần đây của UNICEF cho thấy 80% phụ huynh lo lắng con họ học kém hơn khi học từ xa

Việc học online cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ em.

"Sự cô lập xã hội trong thời gian dài có liên quan mật thiết đến sự cô đơn và bệnh sinh lý ở trẻ em", Rhodora Concepcion, thuộc Hiệp hội Tâm thần học Trẻ em và Vị thành niên Philippine, cho biết. "Với sự gián đoạn của việc học trực tiếp và giao tiếp xã hội, có thể quan sát thấy sự thụt lùi trong các kỹ năng đã thành thạo trước đây ở trẻ em."

Liệu có an toàn khi mở lại?

Petronilo Pacayra, một ông bố đơn thân 64 tuổi, lo lắng cho các con trai của mình, đang ở độ tuổi 9 và 10. Giống như hầu hết trẻ em ở Philippines, chúng đang dựa vào các bài tập được in ra do trường học cung cấp.

"Kỹ năng đọc của chúng thực sự kém đi", ông chia sẻ trong căn phòng chật chội và thiếu ánh sáng mà mọi người đang cùng chung sống.

Pacayra vừa kèm các con học, vừa tranh thủ làm những công việc lặt vặt để kiếm sống.

"Cháu không thích đọc sách, cháu thích nghịch điện thoại hơn", đứa con út của anh, có biệt danh RJ, đang bắt đầu học lớp hai, cho biết.

Philippines đối mặt khủng hoảng giáo dục sau 2 năm triển khai việc học online - Ảnh 4.

Ông bố Philippines đang dạy hai con trai học tập.

Hiệu trưởng ngôi trường nơi hai đứa trẻ đang học, Josefina Almarez, từng tuyên bố "không có đứa trẻ nào sẽ bị bỏ lại phía sau" trong năm học đầu tiên triển khai việc học online. Nhưng bà thừa nhận một số vấn đề "cần đặc biệt chú ý".

Faingold từ UNICEFF cho biết, những đứa trẻ nhỏ hơn dễ bị ảnh hưởng đặc biệt bởi việc đóng cửa trường học, đặc biệt trong những năm đầu "nền tảng".

Ông nói: "Nếu không có nền tảng vững chắc về toán và đọc viết thì sẽ rất khó để học các môn học khác thuộc chương trình giáo dục tiểu học, trung học hoặc thậm chí đại học."

Giáo sư Mercedes Arzadon của Đại học Philippines thì cho biết thật "nực cười" khi giữ các trường học đóng cửa vô thời hạn trong khi các quốc gia khác, bao gồm cả Indonesia nơi đang bị đại dịch tàn phá, cho thấy chúng có thể mở cửa trở lại một cách an toàn.

Arzadon nói trong một tuyên bố: "Tương lai và hạnh phúc của giới trẻ của chúng ta đang bị đe dọa, và sự phát triển của quốc gia cũng vậy."

Philippines đối mặt khủng hoảng giáo dục sau 2 năm triển khai việc học online - Ảnh 5.

Hiện Philippines mới chỉ triển khai tiêm chủng cho khoảng 20% dân số, chưa bao gồm trẻ em.

Faingold cho biết một "kịch bản lạc quan" là các trường học ở Philippines sẽ mở cửa trở lại vào năm tới. Nhưng điều đó có thể phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng của quốc gia. Hiện chỉ có khoảng 20% ​​dân số được tiêm chủng và trẻ em vẫn chưa được đưa vào chương trình này.

Jessy Cabungcal, người có con gái 7 tuổi đang theo học tại một trường tư thục ở Manila hiện sử dụng iPad và máy tính để bàn để học trực tuyến, cũng đồng ý với quyết định đóng cửa các lớp học của ông Duterte.

Cô giải thích: "Bạn có thể thấy ông ấy sợ hãi vì ông ấy không thể đảm bảo với chúng tôi rằng bọn trẻ sẽ không bị nhiễm bệnh."

Bảo Nam

Pháp luật & bạn đọc

Read Entire Article