Săn pháo hoa chơi Tết

2 years ago 258

Nghe tin pháo của nhà máy Z121 đã có bán, anh Phạm Ngọc Phong, 39 tuổi, nói với hai con trai, Tết này đào quất có thể không mua chứ pháo hoa nhất định phải có.

Sau khi "chốt kế hoạch" với con, ông bố trẻ ở Đan Phượng (Hà Nội) mở điện thoại tìm danh sách các điểm bán pháo hoa Z121. Có 10 cửa hàng bán chính thức nhưng khi anh Phong gọi đến, tất cả các địa điểm, số điện thoại đều bận hoặc không nhấc máy, ngoại trừ điểm bán ở thị trấn Xuân Mai. "Họ cho biết mới có một lô hàng về hôm 13/1, chỉ sau một ngày đã hết sạch", anh chia sẻ. Đại diện cửa hàng hẹn anh Phong 3-4 ngày tới gọi lại, song cũng không chắc hàng về sớm hơn hay muộn hơn.

Chiều 15/1, khi vào nội thành xử lý công việc, anh đã tranh thủ tìm đến một điểm bán ở khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. "Tìm mỏi mắt và hỏi người dân mà cũng không ra được địa chỉ. Gọi đến số điện thoại trên đó thì không được", anh nói.

Tối đó, anh tìm được một số người bán online nhưng giá bán cao gấp ba so với giá nhà máy. Đoán là không còn chỗ nào rẻ hơn, Phong chấp nhận bỏ 1,9 triệu đồng mua một giàn phun hoa và một giàn phun viên.

"Chưa bao giờ đi mua pháo mà được nói to như thế", Nguyễn Hải, 29 tuổi, nhân viên bất động sản quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang nói nửa đùa nửa thật. Anh mới biết thông tin pháo hoa không tiếng nổ chơi Tết hợp pháp do nhà máy Z121, Bộ Quốc phòng sản xuất trước đó một ngày. Sáng 16/1, Hải gọi đến mấy điểm bán trong tỉnh, song hầu hết các số điện thoại đều không gọi được hoặc báo hết hàng. Anh gọi sang điểm bán ở tỉnh Thái Nguyên thì được báo giá 1,1 triệu đồng một giàn, đắt gấp gần bốn lần giá gốc. Hàng trôi nổi trên cácc diễn đàn mạng xã hội cũng đắt ngang ngửa.

Thông tin trên website của nhà máy Z121, sản phẩm pháo hoa giàn phun viên và giàn phun hoa - hai mặt hàng đang "hot" nhất Tết 2022 - có giá lần lượt 308.000 và 330.000 đồng.

Hụt hẫng vì không mua được giá gốc, song Hải vẫn háo hức với loại pháo hợp pháp, nên đã chạy xe 23 km sang tỉnh Bắc Ninh tìm mua. Tại điểm bán đầu tiên ở thành phố Từ Sơn, anh được thông báo hàng chưa về. Đến điểm bán ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Hải mua được theo combo 650.000 đồng một giàn, kèm theo một hai món phụ kiện, như một túi hoa xoay hoặc một túi pháo sáng. Có vẻ ở đây chưa nhiều người biết thông tin nên không hề phải xếp hàng. Mua xong, anh nhận hóa đơn bán hàng đầy đủ.

Đầu tối 16/1, tám thành viên gia đình anh Hải quây quần trước khoảng sân rộng để đốt thử. Từng quả pháo vút lên, kêu giòn tai dễ chịu, phát ra những chùm viên cháy nhiều màu sắc. Vợ Hải ôm con gần một tháng tuổi tròn xoe đôi mắt nhìn lên những cột sáng ở độ cao từ 10 đến 20 mét.

Hết giàn phun viên, Hải châm tiếp giàn phun hoa. Từng ống phóng lên nở ra bông hoa với nhiều màu sắc khác nhau. Giàn này có độ cao vừa phải nên lũ trẻ thích thú, không ngừng reo hò.

Sau khoảng vài phút tiếng nổ dứt và ánh sáng vụt tắt, mọi người có vẻ tưng hửng. "Bữa nay thử vậy cho biết. Mấy bữa nữa Giao thừa sẽ chơi cho thật đã", anh Hải nói.

Hai giàn pháo Hải mua với giá 1,3 triệu đồng, kèm vài món phụ kiện là các loại hoa xoay và túi pháo sáng, tại một điểm bán ở Thị trấn Chờ, tỉnh Bắc Ninh, sáng 16/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai giàn pháo Hải mua với giá 1,3 triệu đồng, kèm vài món phụ kiện là các loại hoa xoay và túi pháo sáng, tại một điểm bán ở Thị trấn Chờ, tỉnh Bắc Ninh, sáng 16/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại một group pháo hoa Z121 trên Facebook, chỉ sau một tuần thành lập đã có gần 3.000 thành viên. Trung bình mỗi ngày có trên 300 bài viết, chủ yếu "săn" nơi bán và trao đổi kinh nghiệm. Trên nhóm này cũng có nhiều người rao bán, giá từ 17 triệu đồng cho tới 21 triệu thùng mỗi thùng (24 giàn). Giá bán lẻ trung bình từ 850.000 đồng đến 950.000 đồng mỗi giàn.

Theo chị Trang, một người bán ở quận Hai Bà Trưng, pháo hoa Z121 "chắc chắn là mặt hàng hot nhất Tết 2022". Chị mua được hơn chục thùng, chủ yếu cung cấp cho khách sỉ ở các tỉnh. Riêng hôm nay có gần 200 khách gọi và nhắn tin hỏi mua, song cũng chưa có thêm hàng mới để bán.

Những bánh pháo từng là một phần trong ngày Tết cổ truyền xưa. Theo thời gian, xuất hiện những loại pháo mất an toàn và khiến phong tục đẹp bị biến tướng. Từ ngày 1/1/1995, nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, buôn bán, đốt pháo nổ. Dù vậy, tình trạng buôn bán và sử dụng pháo hoa nổ trái phép vẫn diễn ra trong các năm qua. Dịp Tết năm 2019-2020 tình trạng đốt pháo hoa nổ tăng đột biến khiến 200 người gặp nạn, theo thống kê của Bộ Công an.

Kể từ ngày 10/1/2021, Chính phủ cho phép sử dụng pháo hoa trong một số sự kiện đặc biệt và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Hiện tại ở Việt Nam, nhà máy Z121 là đơn vị duy nhất được phép sản xuất và phân phối pháo hoa không tiếng nổ ra ngoài thị trường.

 Lê Gạch

Nhiều người dân đang bỏ tới gần một triệu đồng để mua một giàn pháo hoa, gấp ba lần giá bán niêm yết. Ảnh: L.G

Mặc dù năm nay đại dịch vẫn đang diễn ra, song nhờ tiếng pháo khai xuân mà cái Tết với gia đình Hải sẽ xôm hơn mọi năm. Anh tính một vài ngày tới sẽ quay trở lại các điểm này mua thêm ể đêm Giao thừa năm nay được hoàn hảo nhất.

Với anh Phong, chiều nay nhận hai giàn pháo, anh đọc thật kỹ các thông tin rồi cho vào tủ khóa. Đối với anh, hai giàn pháo này vừa như nuông chiều cõi lòng khắc khoải ký ức xưa, vừa muốn mang một cái Tết vui vẻ, đầm ấm tới vợ con con.

"Với loại pháo hoa không tiếng nổ hợp pháp này, ngày Tết từ giờ sẽ lung linh hơn, đáng mong đợi hơn", anh Phong nói.

Phan Dương

Read Entire Article