Sẽ có nhiều ưu đãi mới cho gói 120.000 tỷ đồng

1 month ago 74
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo

(PLVN) -  Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN vẫn đang hàng ngày hàng giờ đánh giá, nghiên cứu để tìm cách giải ngân gói 120.000 tỷ một cách tốt nhất.

Tăng trưởng tín dụng có nhiều yếu tố tích cực

Ngày 23/7, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tổ chức Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm 2023 đã để lại tác động nhiều chiều, đặc biệt với doanh nghiệp (DN), dẫn đến cầu về vốn của nền kinh tế thấp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm. Tuy nhiên, từ tháng 3, tăng trưởng tín dụng có xu hướng tích cực hơn. Theo ước tính, đến cuối tháng 6 đã đạt được 6%.

Để có kết quả này, theo ông Phó Thống đốc Tú, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tạo điều kiện thêm năng lực hoạt động cho DN. Đây là điều kiện giúp DN hoạt động tốt sau đó mới đến câu chuyện vốn. Bên cạnh đó, NHNN đã rất quyết liệt, tích cực tăng cường tín dụng cho DN như có nhiều gói ưu đãi để tạo cú hích cho tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó thực hiện các biện pháp tổ chức điều hành, kết nối giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng và DN để chia sẻ tháo gỡ khó khăn để các tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn cho vay hơn. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ từng nhóm, từng ngành nghề, lĩnh vực, thậm chí từng dự án lớn, nhất là các dự án liên quan đến bất động sản và nhà ở xã hội.

“Tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm là phản ánh khách quan của nền kinh tế, chứng tỏ nền kinh tế đã khởi sắc hơn. Câu chuyện dòng vốn, dòng tiền, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, cầu tiêu dùng có nhiều yếu tố tích cực hơn” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Đáng chú ý, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Hà Thu Giang thông tin, hệ thống tín dụng đã đáp ứng được yêu cầu hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, ghi nhận sự tăng trưởng tín dụng lớn vào công nghiệp và xây dựng với mức tăng 4,2%; Tín dụng các lĩnh vực ưu tiên có những lĩnh vực tăng trưởng cao, cao hơn so với mặt bằng chung như công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, lĩnh vực công nghệ cao 18,16%, công nghiệp nông thôn - lĩnh vực có tỉ trọng lớn nhất trong cấu phần tín dụng ưu tiên cũng tăng trưởng 2,57%; Tín dụng bất động sản (BĐS) tăng 4,61%, trong đó kinh doanh BĐS tăng 10,29% - chiếm đến 40% trong tổng tín dụng BĐS.

Gói tín dụng dành cho lĩnh vực lâm sản thủy sản trị giá 30.000 tỷ đồng cũng đã được giải ngân tích cực với doanh số 31.000 tỷ đồng. Trong đó Agribank dẫn đầu về quy mô giải ngân với 6.738 tỷ đồng; BIDV đứng thứ 2 với 6.000 tỷ đồng và Vietcombank đứng thứ 3, đạt 5.000 tỷ đồng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, hết gói 30.000 tỷ đồng này, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo thêm gói 15.000 tỷ cho lĩnh vực lâm sản - thủy sản vì đây là giải pháp tích cực cho lĩnh vực này, giúp tạo điều kiện cho sản xuất chế biến, nông nghiệp nông thôn và thúc đẩy xuất khẩu những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam.

Sẽ có nhiều ưu đãi mới cho gói 120.000 tỷ đồng

Bà Hà Thu Giang chia sẻ, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội, hiện có 34/63 tỉnh công bố danh mục và gửi dự án nhà ở với 78 dự án, ngân hàng thương mại (NHTM) đã giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó 49 tỷ đồng cho người mua nhà, còn lại dành cho chủ đầu tư. Lý giải về khó khăn trong giải ngân gói tín dụng này, bà Thu Giang cho biết là do nguồn cung hạn chế, nhiều địa phương chưa công bố danh mục dự án; Ngoài ra, nhiều địa phương có danh mục dự án rồi nhưng lại có nhiều dự án không có nhu cầu vay vốn.

Riêng về việc triển khai giải ngân, theo bà Thu Giang, từ phản ánh của các TCTD cho thấy, còn nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý như chuyển quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… Điều này chưa đủ yếu tố để TCTD cho vay, từ đó dẫn đến tốc độ giải ngân chưa cao. Riêng về phía người mua nhà, theo phản ánh của NHNN các địa phương thì do nhiều án đang thi công móng, có những dự án đang lựa chọn chủ đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng, chưa khởi công nên chưa đủ điều kiện mở bán.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN vẫn đang hàng ngày hàng giờ đánh giá, nghiên cứu để tìm cách giải ngân gói 120.000 tỷ một cách tốt nhất. Mục tiêu lớn nhất là làm sao để phát triển nhà ở xã hội, do đó, NHNN đã đề xuất Chính phủ tăng cường thêm các ưu đãi cho gói này như giảm lãi suất 3% (trước đây lãi suất giảm 2%) trong thời hạn 5 năm. Sau 5 năm đầu tiên sẽ thực hiện lãi suất trong 5 năm tiếp theo với mức giảm 1-2% để khách hàng yên tâm vay tiền mua nhà.

Ông Tú chia sẻ thêm, hiện có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã đăng ký thêm 20.000 tỷ để tham gia gói này, đưa quy mô gói tín dụng cho nhà ở xã hội lên tới 140.000 tỷ. Ngoài ra NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng có đủ nguồn lực tham gia với cơ chế chính sách phù hợp, hợp lý để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.

Read Entire Article