Singapore và thách thức trên lộ trình trở lại cuộc sống bình thường

2 years ago 152

Làn sóng lây nhiễm mới nhất tại Singapore bắt đầu ngày 23/8 với hơn 8.000 trường hợp mắc mới COVID-19 đã được phát hiện. Số ca trung bình hằng ngày cũng tăng lên, từ 146 ca hai tuần trước lên 682 ca.

singapore va thach thuc tren lo trinh tro lai cuoc song binh thuong
Singapore đóng cửa khu vực công cộng để phòng dịch COVID-19 tại Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Singapore đang trên con đường chuyển đổi sang một cuộc sống bình thường mới với sự tồn tại của COVID-19, tuy nhiên đây là một hành trình không chắc chắn và đầy những chỗ quanh co khúc khuỷu. Đó là nhận định của Bộ trưởng Y tế (MOH) nước này, ông Ong Ye Kung, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh tại “đảo quốc sư tử” vài tuần gần đây.

Tiêm mũi tăng cường cho người có hệ miễn dịch kém

Làn sóng lây nhiễm mới nhất tại Singapore bắt đầu ngày 23/8 với hơn 8.000 trường hợp mắc mới COVID-19 đã được phát hiện. Số ca trung bình hằng ngày cũng tăng lên, từ 146 ca một hai tuần trước lên 682 ca trong tuần qua, với hơn 98% số ca mắc không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và chỉ 0,1-0,2% cần điều trị ICU, 0,04% tử vong.

Mặc dù số ca mắc hằng ngày tăng gấp đôi mỗi tuần và sáng 19/9, Singapore đã ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày, nhưng chính phủ nước này không đưa ra các biện pháp siết chặt hạn chế như trong các làn sóng lây nhiễm COVID-19 trước đây. Thay vào đó, Singapore có thêm một số biện pháp hỗ trợ và thay đổi cách thức xử lý đối với các bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, những nỗ lực truy vết tiếp xúc và cách ly được tập trung vào những ổ dịch lớn và những nơi dễ bị tổn thương như các bệnh viện.

Thời gian cách ly giảm từ 14 ngày xuống còn 10 ngày. Hầu hết những người từ 12 đến 69 tuổi mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không có bệnh lý nền nghiêm trọng và đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ sẽ được điều trị tại nhà nếu đáp ứng các tiêu chí của MOH.

Ngoài ra, từ ngày 15/9, Singapore đã triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhóm người có hệ miễn dịch kém, người từ 60 tuổi trở lên và những người sống trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Bên cạnh đó, tất cả học sinh và nhân viên các trường tiểu học, trường mầm non và trường giáo dục đặc biệt thuộc Bộ Giáo dục Singapore (MOE) trên toàn quốc được phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) để học sinh có thể tự làm xét nghiệm tại nhà với sự hỗ trợ của phụ huynh. Để thuận tiện hơn, 100 máy bán hàng tự động cung cấp các bộ ART đã được triển khai tại 56 địa điểm.

Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cũng đã công bố các tiêu chuẩn mới đối với các khu ký túc dành cho lao động nhập cư gồm phòng ở rộng hơn và có wifi, có nhà vệ sinh riêng, thông gió tốt hơn và phân chia các khu vực chung. Trong khi các yêu cầu này áp dụng cho các cơ sở mới, chính quyền cũng đang xem xét lại cách thức cải thiện các khu nhà ở hiện có.

Ba ẩn số tồn tại

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, đồng Chủ tịch Lực lượng Liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF), cho biết làn sóng lây nhiễm mới không nằm ngoài dự đoán của chính phủ khi nước này nới lỏng dần các biện pháp hạn chế và sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn.

Theo ông, số trường hợp bệnh nặng và tử vong sẽ còn tăng lên và đây nên được coi là điều mặc định đối với bất kỳ quốc gia nào hy vọng sống chung với căn bệnh này.

Bộ trưởng Ong cũng nêu bật ba ẩn số tồn tại trong những ngày tới.

Thứ nhất, Singapore không biết được số ca mắc COVID-19 hằng ngày sẽ tăng trong bao lâu trước khi giảm xuống. Thứ hai, cũng không rõ liệu nước này có cạn kiệt công suất ICU hay không, mặc dù chính phủ đã chuẩn bị để tăng gấp ba số giường hiện có lên 300 trong thời gian ngắn. Và cuối cùng là không biết các bệnh viện nói chung có bị quá tải hay không, với khả năng các nhân viên y tế không thể đối phó được với khối lượng công việc gia tăng.

Trong khi đó, Giám đốc Dịch vụ y tế của Singapore, ông Kenneth Mak, cho biết hiện tại, số ca bệnh nặng cần thở oxy hay điều trị ICU không tăng cùng tốc độ với tổng số ca mắc. Điều này cho thấy hệ thống y tế của Singapore sẽ có thể đối phó được. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị thận trọng, vì đây mới chỉ là những ngày đầu.

Bộ trưởng Ong cho rằng tỷ lệ bao phủ vaccine cao của Singapore (hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ) đã bảo vệ hệ thống y tế nước này khỏi bị quá tải ngay cả khi số ca mắc tăng mạnh trong những tuần vừa qua.

Không mạo hiểm bung mạnh mở cửa

Không áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhưng Singapore cũng không nới lỏng thêm. Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, người cũng là đồng Chủ tịch MTF, tại cuộc họp báo ngày 10/9 cho biết chính quyền không coi đây là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh các biện pháp mở cửa, nhất là khi Singapore đang ở giai đoạn bùng nổ số ca nhiễm mới. Sẽ là mạo hiểm nếu bung mạnh mở cửa trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, việc Singapore tiến tới như thế nào trong đối phó và sống chung với COVID-19 phụ thuộc vào "cái giá" mà quốc gia này sẵn sàng trả để đạt được điều đó.

Phó Giáo sư Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định không có lựa chọn nào hoàn hảo mà chỉ có sự đánh đổi tốt nhất mà Singapore mong muốn có được. Theo ông, quốc gia có thể mở cửa nhanh hơn nếu sẵn sàng chấp nhận 6 hoặc 7 ca tử vong mỗi ngày.

Còn Giáo sư Ooi Eng Eong của Trường Y Duke thuộc NUS thì cho rằng khả năng giữ tỷ lệ tử vong của Singapore xuống dưới 0,1% - trong khi ở một số quốc gia, tỷ lệ này cao tới 3% - là "cực kỳ đáng chú ý."

Tuy nhiên, các biện pháp giảm thiểu nghiêm ngặt lại gây ra các vấn đề khác. Ông cho biết để giữ giường bệnh miễn phí cho bệnh nhân COVID-19, rất nhiều trường hợp điều trị không khẩn cấp đang bị hoãn lại. Điều đó cũng gây tác động không nhỏ, ví dụ một ca thay thế khớp háng cho bệnh nhân không thể đi lại, nếu bị trì hoãn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của người đó khi họ không thể tập thể dục.

Ngoài ra còn các vấn đề không liên quan đến sức khỏe, như trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh mà đi học chỉ là học tập, không có vui chơi hay các hoạt động tập thể rất có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình trưởng thành.

Trong khi đó, Giáo sư Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về bệnh truyền nhiễm của Singapore (NCID), đánh giá ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe, còn có toàn bộ hệ sinh thái, nền kinh tế và nhiều điều kiện khác cần phải xem xét.

Đây lại là một sự cân bằng rất mong manh khác. Nếu Singapore mở cửa quá sớm, quá thoải mái, nước này sẽ phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong đó có ca bệnh nặng và tử vong. Nếu Singapore quá siết chặt, nước này sẽ phải chịu nhiều thiệt hại về các lĩnh vực khác, không chỉ là y tế.

Sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã làm đảo lộn các kế hoạch trước đây của Chính phủ Singapore. Thời gian ủ bệnh ngắn hơn của loại biến thể này khiến cơ thể con người có ít thời gian hơn để tự vệ. Điều đó có nghĩa là vaccine kém hiệu quả hơn trong việc giảm lây nhiễm.

Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo sẽ không có khả năng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, cho dù tỷ lệ tiêm phòng cao đến đâu và các biện pháp đã có hiệu quả vào năm ngoái ở “đảo quốc sư tử” có thể không còn hiệu quả nữa.

Cách tiếp cận mới của Singapore về việc sống chung với COVID-19 đang gặp phải thách thức, phần nào phản ánh quan điểm đối nghịch giữa nhóm lo sợ bùng phát lây nhiễm có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát với những người đang lên tiếng yêu cầu chính phủ cần mở cửa nhanh hơn.

Hai đến bốn tuần tới là thời điểm then chốt để Chính phủ Singapore đưa ra các kế hoạch tiếp theo./.

Read Entire Article