Sinh viên xoay xở trong những ngày mắc kẹt ở Hà Nội

2 years ago 179

Quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Giang, 22 tuổi, là sinh viên năm cuối một trường đại học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Từ cuối tháng 4 khi Covid-19 bùng phát, Giang chưa muốn về nhà ngay vì lo ngại có thể "mang bệnh về nhà", quyết định ở lại nhà trọ nằm trên đường Trần Quốc Hoàn để nghe ngóng tình hình. Đến khi nam sinh muốn về, Hà Nội lại dừng xe chở khách đi và đến Nghệ An, sau đó giãn cách theo Chỉ thị 16. Giang bị kẹt ở thủ đô.

Thời gian đầu khi dịch bệnh ở quê nhà chưa phức tạp, bố mẹ Giang gửi đồ ăn, rau củ cho em hai tuần một lần. Với lượng thức ăn đó cùng việc chỉ ở một mình, cuộc sống của nam sinh tương đối ổn định. Tuy nhiên, cuối tháng 6, Nghệ An liên tiếp ban hành quyết định giãn cách xã hội với thành phố Vinh sau khi ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng. Bố mẹ Giang không thể gửi đồ ăn đều đặn như trước, Giang phải tự xoay xở.

Vì không có xe, Giang chỉ có thể đi mua đồ ở gần phòng trọ. Thế nhưng một số sạp rau, củ của người dân xung quanh đã đóng cửa do cơ sở nhỏ, không nhập được hàng. Nhiều lúc hết thức ăn, Giang phải vào siêu thị gần đó mua, đành chấp nhận mức giá đắt hơn khả năng chi tiêu của bản thân.

Để tiết kiệm, Giang phải căn ke đồ ăn, chia từng bữa ăn dần nhưng chủ yếu vẫn là mì tôm. "Hôm nào thèm lắm, em sẽ nấu mì cùng với thịt gà công nghiệp", Giang nói.

Những ngày này, đồ ăn của Giang đã gần hết, chỉ còn 6 gói mì và một ít thịt băm, vài quả trứng. Em nhẩm tính có thể dùng trong 2-3 ngày, sau đó sẽ đi mua thêm một thùng mì và đồ khô dùng dần. "Chắc tình hình dịch bệnh còn kéo dài, giờ em chỉ mong sớm được về với bố mẹ", Giang nói.

Trần Thị Tường Vy, sinh viên Đại học Mở Hà Nội nhận nhu yếu phẩm từ trường hôm 15/8. Ảnh: HOU.

Trần Thị Tường Vy, sinh viên Đại học Mở Hà Nội, nhận nhu yếu phẩm từ trường hôm 15/8. Ảnh: HOU.

Giống như Giang, Trần Thị Tường Vy, sinh viên khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội, phải tính toán từng bữa ăn để giảm thiểu chi phí sinh hoạt. Về quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, dù biết Hà Nội ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên, Vy vẫn quyết ra Hà Nội bởi đang tham gia thực tập tại một công ty. Đây cũng là công việc đem lại cho em khoản thu nhập dạng part-time, đủ để trang trải cuộc sống trong khu nhà sinh viên ở Pháp Vân.

Thế nhưng, đến 24/7 khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, Vy phải nghỉ việc, đồng nghĩa mất thu nhập. "Không đi làm được nhưng vẫn phải duy trì cuộc sống ở đây, vẫn phải nấu ăn, đóng tiền phòng, điện nước. Điều này khiến em phải dùng đến khoản tích luỹ trước đó", Vy nói.

Đến đầu tháng 8, khi thành phố quyết định trưng dụng ký túc xá nơi Vy đang ở để làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, em phải chuyển đi. Xác định sẽ thuê nhà trọ nhưng việc thuê phòng và chuyển đồ khó khăn, Vy xin ở nhờ nhà bạn trên phố Tam Trinh.

"Ở trọ đồng nghĩa sinh hoạt phí tăng lên bởi tiền thuê phòng trọ cao, điện nước tính giá khác. Nếu ở chung với một bạn khác, thuê phòng khoảng 2 triệu đồng thì xác định sẽ hết 1,5-2 triệu một tháng, bao gồm cả tiền thuê phòng, điện nước, Internet, chưa kể tiền mua lương thực, thực phẩm hàng ngày", Vy tính toán.

Bố mẹ ở quê chỉ làm nông, Vy xác định tự bươn chải. Số tiền tích luỹ eo hẹp dần nên thời gian này Vy vừa tìm phòng trọ, vừa tìm việc online.

Học cùng trường với Vy, Trần Văn Quân, quê Thanh Hóa, may mắn hơn vì vẫn duy trì được việc làm thêm thiết kế online. Tuy nhiên, kỳ lấy lương đầu tháng 8 gần 3 triệu đồng đã gần hết do phải trả tiền thuê nhà, trả nợ và mua thêm vật dụng cá nhân.

Dù nhà trọ ở Tân Mai (quận Hoàng Mai), nam sinh đang mắc kẹt ở nhà bạn bên Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) do sang chơi đúng ngày Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16. Cùng hai bạn đi chợ, nấu ăn, em "kêu trời" vì mọi thứ tăng giá. Cái bắp cải ngày thường 7.000-10.000 đồng nay tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. "5 ngày mới đi chợ một lần, nhưng cứ thế này em không đủ trang trải đến kỳ nhận lương tiếp theo", Quân chia sẻ.

Thấy Đại học Mở Hà Nội có chương trình hỗ trợ sinh viên, Quân nhanh chóng đăng ký. Hôm qua, được thầy cô trong trường đem nhu yếu phẩm đến tận nơi hỗ trợ, Quân cảm động. Em mong dịch sớm qua để cuộc sống trở lại bình thường, thầy cô cũng không phải vất vả đến từng nhà trọ sinh viên "cứu trợ".

Không gặp quá nhiều khó khăn về vật chất nhưng Sonxay Luangoudom, nghiên cứu sinh Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cảm thấy dễ gặp vấn đề về tâm lý trong thời gian Hà Nội giãn cách. "Cả ngày chỉ ở trong ký túc xá, không được ra ngoài mua đồ ăn hay những vật dụng phục vụ sinh hoạt khiến sinh viên quốc tế như chúng em thấy bức bí. Cũng may thầy cô trong trường thường xuyên gọi điện, email hỏi thăm và hỗ trợ nên mọi thứ dễ dàng hơn", Sonxay Luangoudom nói.

 HUST.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận nhu yếu phẩm do trường hỗ trợ qua chốt kiểm dịch cứng ở ngõ 174 phố Lê Thanh Nghị. Ảnh: HUST.

Hiện Hà Nội có hàng nghìn sinh viên mắc kẹt khi thành phố giãn cách. Dù các trường chủ động chuyển sang dạy trực tuyến từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều sinh viên vẫn phải trở lại Hà Nội vì phải duy trì việc làm thêm, thực tập hay vướng lịch thi.

Như Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng 1.800 sinh viên đang còn ở Hà Nội (bao gồm cả sinh viên quốc tế). Để hỗ trợ các em, một tuần nay nhà trường triển khai "chiến dịch thần tốc", liên hệ tới từng sinh viên cả trong và ngoài ký túc xá để hỗ trợ về tài chính và nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, trứng, sữa, giúp các em ổn định sinh hoạt để học tập.

Đại học Mở Hà Nội cũng có gần 1.000 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội, trong đó nhiều em ở trọ tại các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì. Từ ngày 11/8 đến nay, trường đã phát động chương trình "Thầy, cô giúp học trò - Bạn giúp bạn", mua gần 5 tấn gạo cùng rất nhiều mì tôm, trứng, xúc xích ăn liền, dầu ăn với tổng trị giá gần 300 triệu đồng để "cứu trợ" sinh viên. 20 thầy, cô chia thành 10 tổ trực tiếp đến động viên, tặng quà cho các em.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng phối hợp với các đơn vị trao gần 200 suất quà, nhu yếu phẩm tới sinh viên của trường đang gặp khó khăn do bị kẹt lại Hà Nội. Nhiều đại học khác như Điện lực, Ngoại thương cũng có những chính sách hỗ trợ sinh viên.

Dương Tâm - Thanh Hằng

Nữ sinh mặc đồ bảo hộ dự lễ kết nạp Đảng trực tuyến Trường đại học hỗ trợ sinh viên khó khăn do Covid-19 Thêm nhiều đại học hỗ trợ sinh viên mùa dịch
Read Entire Article