Tản mạn về đình làng trong văn hóa cổ truyền của dân tộc

2 years ago 355

Đình làng thường tọa lạc ở nơi có địa thế đẹp nhất trong làng, phía trước có sân rộng rãi, cạnh đó là hồ, xung quanh có những cây cổ thụ tỏa bóng mát. Cũng như những cây cổ thụ, đình làng biểu tượng cho mạch sống bền bỉ che chở cho dân làng. Tản mạn về đình làng trong văn hóa cổ truyền của dân tộcCổng Đình So, 1673, xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Tây. (Ảnh dẫn từ bài viết “Kiến trúc Đình làng Việt” của ThS Vũ Thị Ngọc Anh, Tạp chí Kiến trúc)

Người làng dẫu đi đâu, mỗi khi đến ngày lễ làng, ngày giỗ Thành hoàng, lại trở về làng, tham gia lễ hội, thăm người làng và được nghe lại những câu truyện về truyền thống của làng. Vì thế mà có câu:

Nơi này hội tụ hàng năm,
Ơn sâu nghĩa nặng, viếng thăm thường kỳ.

Đình làng ban đầu được xây dựng làm nơi hội họp dân chúng, tổ chức lễ hội, thờ tự Thành hoàng, người có công lớn hay anh hùng. Sau đó trong quá trình phát triển, đình làm cũng là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường.

Đình làng cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng, là nơi người già trong làng kể lại các tích xưa, truyền lại lời dạy của tổ tiên từ hàng nghìn năm trước. Nơi đây trở thành mạch nguồn kết nối văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Đình làng rêu kín tường vôi,
Ngói nghiêng mãi giữ góc trời sớm trưa.
Đình làng che nắng che mưa,
Giữ tâm thôn xóm vọng chùa từng cao.

Trong nhiều ghi chép từ lịch sử, khi quan quân đi đánh giặc, dừng lại ở nơi đâu đều kính cẩn đến đình làng cúng Thành hoàng, mong được thắng giặc. Sau khi thắng giặc thì vua quan lại đóng góp tu sửa miếu thờ Thành hoàng.

Nhiều Triều đại đều sắc phong cho Thành hoàng của làng. Ví như Thành hoàng làng Mộ Trạch nổi tiếng về khoa bảng được các Vua từ nhà Trần đến nhà Lê ban tới 12 sắc phong. Thành hoàng làng nào được ban sắc phong là vinh dự vô cùng to lớn, nghi lễ rước sắc phong được tổ chức đặc biệt trang trọng.

Sách “Đại Phùng tổng khoán ước” mô tả rằng: “Sắc đưa về đến đình, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn vua). Sau đó, hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong đình.”

Vào thời Lý Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, Vua dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, ổn định Xã Tắc, vì thế đình làng thường xuyên trở thành nơi hội họp tín ngưỡng. Năm 1231, vua Trần Nhân Tông ban chiếu chỉ cho đắp tượng Phật ở đình quán.

Năm 1491, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng Quảng Văn đình ở cửa Đại Hưng (cửa phía nam thành Thăng Long) để Triều đình nghe ý kiến dân chúng. Đình này có treo cái trống lớn, nếu dân chúng có oan sẽ đánh trống và sẽ có người nhận đơn kêu oan. Đây cũng là nơi giảng pháp lệnh từ Triều đình cho dân chúng rõ.

Thế kỷ 16 đến 18 là thời đình làng phát triển mạnh, đặc biệt với cuộc khai phá vùng đất phương nam, nhiều ngôi làng mới được lập và tất nhiên đều có đình làng. Người Nam bộ gọi là đình Thần hay đình Nam Bộ.

Thời kỳ này có nhiều đình làng danh tiếng như: đình Thổ Hà ở Bắc Giang, đình Tây Đằng và Chu Quyến ở Ba Vì, đình Hoành Sơn ở Nam Đàn, đình Thổ Tang ở Vĩnh Phúc, đình Tam Hiệp ở Tiền Giang.

Từ thế kỷ 18 khi thương mại và kinh tế tư nhân phát triển, đình làng ngày thường cũng ít người hơn. Đến nay chỉ có những ngày lễ, ngày giỗ Thành hoàng thì dân chúng mới tập trung tề tựu tham gia lễ hội làng.

Dù các làng xã ngày nay đều có nhà văn hóa, nhưng việc hướng về văn hóa truyền thống dân tộc thì chỉ có đình làng mới có được ý nghĩa này. Suốt chiều dài nghìn năm lịch sử, đình làng trở thành biểu tượng của quê hương, là mạch nguồn kết nối với văn hóa cổ truyền của dân tộc, là điều vô giá cần phải bảo tồn.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Chuyện cụ Tả Ao điểm mắt cá chép cho làng Hành Thiện ở Nam Định Cụ Tả Ao và câu chuyện phong thủy làng Nam Trì

Mời xem video:

Read Entire Article