Thiên thạch, tàu vũ trụ và trạm ISS cùng bay trên trời

1 year ago 123

Trong video, thiên thạch lao xuống với tốc độ nhanh nhưng bay cách xa tàu vũ trụ hàng trăm km và không gây nguy hiểm.

Ax-1 - phi hành đoàn dân sự đầu tiên lên thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - hạ cánh an toàn xuống Trái Đất bằng tàu Crew Dragon của SpaceX hôm 26/4. Trong hành trình này, một camera dùng để theo dõi thiên thạch đã ghi lại khoảnh khắc tàu vũ trụ, trạm ISS và một quả cầu lửa rực sáng xuất hiện cùng lúc.

"Một cảnh tượng đáng kinh ngạc: thiên thạch lao xuống, bốc cháy trong khí quyển Trái Đất, đi ngang qua phi hành đoàn 4 người trong tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX khi con tàu này rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để trở về nhà", Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) viết khi đăng video lên mạng xã hội Twitter hôm 29/4.

Trong video, thiên thạch rất dễ nhận biết. Nó là vật thể di chuyển giống như một vệt sáng đang lao nhanh xuống. ISS là vật thể sáng nhất đang chuyển động, nằm ở góc phía trên bên phải của thiên thạch. Trong khi đó, tàu Crew Dragon là dấu chấm mờ hơn phía trên vệt sáng.

Camera ghi lại sự kiện đặc biệt này thuộc mạng lưới thiên thạch AllSky7, dự án theo dõi và ghi hình các thiên thạch bằng một hệ thống camera quan sát bầu trời. Thiên thạch hôm 26/4 không gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ và trạm ISS. ESA cho biết, nó bay cách xa tàu vũ trụ hàng trăm km.

Theo kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ Ax-1 sẽ diễn ra trong 10 ngày nhưng thời tiết xấu khiến nhiệm vụ kéo dài tới 17 ngày, trong đó có 15 ngày trên trạm ISS. Ax-1 là nhiệm vụ đầu tiên với phi hành đoàn toàn cư dân và không có thành viên nào đến từ cơ quan chính phủ. Đây cũng là lần đầu tiên các cư dân bay tới trạm ISS bằng tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất.

Ba điểm sáng nhỏ bé trong video đại diện cho chuyến du hành không gian của con người và sự kết nối của Trái Đất với vũ trụ rộng lớn. Hai điểm sáng trong số đó là kết quả từ sự khéo léo và nỗ lực của con người. Điểm sáng còn lại là vật thể bay qua hệ Mặt Trời, sau đó kết thúc như một vệt sáng tuyệt đẹp trong khí quyển Trái Đất.

Bánh xe đạp biến trọng lượng của người lái thành lực đẩyTên lửa Neptune của Ukraine uy lực cỡ nào?Hổ dữ đụng độ trăn "khổng lồ" ở giữa đường và cái kết bất ngờ
Read Entire Article