Thói quen trốn tránh của người Việt

2 years ago 224

Khi đối mặt với những nỗi đau hoặc vấn đề quá lớn ngoài tầm giải quyết thì con người thường có xu hướng trốn tránh. Tại sao lại trốn tránh? Vì điều đó dễ hơn việc phải đối diện với nỗi đau hoặc vất vả để tìm cách giải quyết vấn đề. Làm thế nào để có thể trốn tránh? Người ta giả vờ rằng nỗi đau hoặc vấn đề đó không tồn tại.

Những người đủ mạnh mẽ để không trốn tránh là số ít, quá ít so với đám đông. Và vì thế nên họ cô đơn, đôi khi chạm đến tâm lý bất lực vì không thể xoay chuyển đám đông, nhưng vốn là người mạnh mẽ, họ lại tiếp tục cố gắng cách này cách khác để đối diện và giải quyết vấn đề.

Cái đám đông kia nhìn thấy những người mạnh mẽ đang tìm cách giải quyết vấn đề cho mình thì có hai tâm lý xảy ra:

Một là có tâm lý đứa trẻ và cái kẹo, coi việc những người mạnh mẽ đang làm là điều họ phải làm, là trách nhiệm của họ và nó chẳng liên quan gì tới mình, mình chỉ việc thụ hưởng thôi vì mình yếu đuối mình có quyền từ chối trách nhiệm!

Hai là có tâm lý tiếp tục chối bỏ để củng cố, khẳng định sự trốn tránh của mình là đúng. Những người có tâm lý này sẽ chửi bới nhục mạ nguyền rủa những người mạnh mẽ bởi những người mạnh mẽ vô hình chung đang làm cho họ cảm thấy nỗi hèn trong người mình. Họ không thể chấp nhận được sự tự ti mặc cảm của bản thân, họ phải thể hiện, họ phải chứng tỏ, và có cách nào hay hơn tốt hơn là chửi rủa chê trách tất cả nhũng việc những người mạnh mẽ thực hiện, phản bác tất cả những gì những người mạnh mẽ nói?!

Các bạn dễ dàng bắt gặp một đám đông chửi mắng một người là “ngu” khi người đó giúp đỡ một người bị tai nạn và sau đó bị người nhà nạn nhân đánh vì hiểu lầm. Người ta chửi người tốt bụng kia ngu không phải bởi người tốt bụng kia ngu mà chẳng qua họ chửi để che giấu đi cái mặc cảm xấu hổ vì không dám giúp đỡ người khác do sợ phiền phức của chính mình. Họ chửi để che đi việc họ thua kém người tốt bụng kia.

Nhìn thật kỹ, ngẫm thật kỹ, ta thấy rất nhiều ví dụ cụ thể xung quanh để chứng minh cho hai tâm lý trên đang tồn tại trong xã hội Việt. Và nó kéo lùi tất cả mọi thứ, phá nát mọi thứ từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ tình yêu thương cho đến đạo đức, các giá trị xã hội, các phong trào tranh đấu.

Làm thế nào để con người chịu nhìn nhận chính mình và nhìn nhận thực trạng xã hội, tìm cách giải quyết vấn đề? Đây là câu hỏi mỗi người nên tự đặt ra cho bản thân và trả lời.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây. Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây. Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Thói nhiều chuyện của người Việt

Mời xem video:

Read Entire Article