Trái cây miền Tây đi chinh phục thế giới: Từ câu chuyện trái vú sữa Lò Rèn

1 year ago 145

Nếu sầu riêng được ví như “vua” thì vú sữa lại được xem là “nữ hoàng” của trái cây miền Tây. Trái vú sữa Lò Rèn với hương vị ngon ngọt từng đi tiên phong xuất ngoại và vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trái vũ sữa Lò Rèn đang dần biến mất tại chính quê hương của nó - xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

 Từ câu chuyện trái vú sữa Lò RènTrái vú sữa Tiền Giang chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: Nhật Trường

Đi tìm vú sữa Lò Rèn

Sau gần 10 năm đàm phán, tháng 12.2017 Hoa Kỳ đã cấp “hộ chiếu” cho trái vú sữa Việt Nam. Một ngày cuối năm 2017, lô vú sữa Lò Rèn đầu tiên nặng 2 tấn được trồng tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã lên đường sang Mỹ.

Trước đó 10 năm, năm 2007, vú sữa Lò Rèn đã vươn ra khỏi thị trường nội địa xuất khẩu thành công sang Nga. Nhưng trong khi tiếng thơm “Vú sữa Lò Rèn” ngày càng bay xa thì loại trái cây thơm mát, thanh ngọt này lại đang dần biến mất trên chính quê hương của nó.

Một ngày cuối tháng 11.2022, chúng tôi đã đến xã Vĩnh Kim để tìm trái vú sữa Lò Rèn nức tiếng một thời. Đang mùa thu hoạch loại trái cây này, nhưng hai bên Tỉnh lộ 864 không phải là cảnh chăm sóc vú sữa hay hái trái, mà là những thân cây bị đốn bỏ hai bên đường.

Ghé thăm một hộ dân ở bên đường là ông Nguyễn Văn Ba, ông cho biết, trước đây vườn của gia đình trồng gần 10.000m2 vú sữa Lò Rèn chính gốc, mỗi năm lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Những năm gần đây, nhiều cây thối rễ bị chết, số còn sống cho năng suất thấp, trái bị hư thối… Ông Ba nhận định, có thể do vườn cây bị lão hoá, mà cũng có thể do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, trong khi cây vú sữa lại rất dễ bị tổn thương. Gia đình ông đã chặt bỏ vườn vú sữa để trồng sapôchê đang gần tới lúc cho trái.

Một hộ trồng vú sữa khác, ông Trần Văn Chắt cũng đã đốn bỏ khu vườn trồng vú sữa rộng hơn 4.000m2  để trồng sapôchê và sầu riêng. Ông Chắt cho biết, cây vú sữa đã giúp gia đình ông thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, xây được nhà tường khang trang. Nhưng không hiểu sao thời gian gần đây vườn vú sữa ngày càng suy kiệt, cho trái không nhiều và trái cũng không to ngon như xưa. Ông đã cố gắng xử lý bằng nhiều cách nhưng không hiệu quả, đành đốn bỏ trồng loại cây khác.

Tìm gặp một số hộ trồng vú sữa khác, họ cho biết, vườn cây vú sữa của họ không bị tổn thương gì nhiều, nhưng họ cũng không mặn mà với loại trái cây này do nhà xuất khẩu tuyển chọn sản phẩm đạt chất lượng chỉ chiếm khoảng 20-30%. Số hàng "dạt" còn lại phải bán thị trường nội địa với giá rẻ. Từ đó nhà vườn không còn mặn mà với cây vú sữa nữa.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hiện diện tích vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 330ha, phần lớn ở huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và TX.Cai Lậy. Tại xã Vĩnh Kim, cái nôi của vú sữa Lò Rèn, hiện vỏn vẹn chỉ còn tổng cộng 17ha trồng vú sữa.

Không hẳn là thất bại

Trước tình trạng cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim bị suy kiệt, các ngành chức năng đã vào cuộc với nhiều giải pháp khôi phục và phát triển loại cây quý này.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim - cho biết, đầu năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt dự án “Thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn”. Theo đó, đến năm 2023, tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ xã Vĩnh Kim hơn 30 tỉ đồng để nhà vườn địa phương phát triển cây vú sữa. Tuy nhiên dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa chưa triển khai thực hiện được do một số bà con trong dự án không đồng tình vì họ đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn.

Trong khi cây vú sữa Lò Rèn đang dần biến mất ở quê hương của nó thị tại chợ xã Vĩnh Kim chúng tôi thấy bày bán rất nhiều vú sữa. Không cần giấu giếm, những thương lái cho biết, vì hiện nay thiếu hàng để cung ứng cho thị trường, nên họ phải gom hàng vú sữa từ các nơi như Sóc Trăng, Cần Thơ... về đây bán lại với danh nghĩa “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”.

Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho hay, trước đây cây vú sữa không phải là thế mạnh của địa phương. Trái vú sữa Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới đã có tác dụng kích thích nhà vườn tỉnh Sóc Trăng phát triển loại trái cây này. Hiện diện tích trồng vú sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 1.900ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Kế Sách, với nhiều giống vú sữa như bơ hồng, vú sữa tím, kể cả giống vú sữa “Lò Rèn” của Tiền Giang…

Ngành NNPTNT tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ nhà vườn liên kết cùng doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ trái vú sữa tím, vú sữa Lò Rèn sang các thị trường khó tính. Vụ vú sữa năm 2020 - 2021, nhà vườn tỉnh Sóc Trăng đã xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ tăng gấp 3 lần so với năm 2019 và gấp 8 lần so với năm đầu tiên 2018. Trong khi đó tại TP.Cần Thơ, diện tích vú sữa cũng tăng nhanh, hiện đã hơn 1.300ha. Sản phẩm được bán ra thị trường, kể cả xuất khẩu phần nhiều với thương hiệu “Vú sữa Lò Rèn”.

Theo các chuyên gia, từ câu chuyện vú sữa Lò Rèn cho thấy giá trị to lớn đằng sau câu chuyện trái cây chinh phục và tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu. Trái vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang đã đi đầu chinh phục thế giới với tên gọi “Lò Rèn - Vĩnh Kim”.

Dù hiện nay loại trái cây quý này đang dần biến mất khỏi quê hương của nó nhưng giống và tiếng thơm "Vú sữa Lò Rèn" lại đang được nhân rộng và kích thích sự ra đời những vùng trồng vú sữa rộng lớn khác trên khắp miền Tây.

Read Entire Article