Trí tuệ của cổ nhân: Tề gia, trị quốc bắt đầu từ việc tu thân

2 years ago 143

Nho gia đề xướng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, trong đó đặt tu thân ở vị trí đứng đầu. Sách “Lã Thị Xuân Thu” tiếp thu trí tuệ này, cho rằng bậc quân chủ phải tu dưỡng tốt thân và tâm của bản thân, trước tiên phải khiến mình trở thành hiền giả. Đây chính là điều then chốt đầu tiên để cai trị tốt một quốc gia.  Tề gia, trị quốc bắt đầu từ việc tu thânMột phần của bức tranh “Hiên Viên vấn Đạo đồ” mô tả cảnh Hoàng Đế tới núi Không Động để tìm Quảng Thành Tử cầu Đạo. Hoàng Đế, vị quân vương nổi tiếng bậc nhất thời thượng cổ tại Trung Nguyên, cũng là người tu Đạo. (Tranh: Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Trong sách Lã Thị Xuân Thu viết rằng: Cá nhân, gia đình, quốc gia, thiên hạ, bốn yếu tố này là “dị vị đồng bản”, tức là mặc dù chúng có vị trí khác nhau nhưng đều được quyết định bởi cùng một gốc, mà cái gốc này chính là “tu dưỡng tự thân”.

Xưa kia, Sở Vương hỏi Chiêm Hà rằng làm thế nào để thống trị quốc gia. Chiêm Hà đáp rằng: “Thần chỉ nghe qua như thế nào để tu thân chứ không nghe nói làm thế nào để thống trị quốc gia”.

Ý của Chiêm Hà chính là Quân Vương cai trị quốc gia đầu tiên là ở chỗ tu dưỡng bản thân mình. Tu dưỡng bản thân tốt mới có thể trở thành tấm gương trong gia đình, gia đình an trị thì mới có thể tính đến việc quốc gia. Đây chính là “tu nội mà an ngoại”.

Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” chép:

Một lần bàn về phương pháp trị vì đất nước, Điền Biền khuyên Tề Vương rằng trước tiên phải tu dưỡng tốt bản thân, trở thành bậc hiền giả. Tề Vương chưa hiểu hết liền nói: “Thứ mà trẫm có là nước Tề, nên chỉ muốn nghe một chút về cách thống trị nước Tề”.

Điền Biền đáp: “Trong lời nói của thần mặc dù không có việc chính sự nhưng có thể từ đó mà suy ra chính sự”.

Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều biến đổi không ngừng, nhưng đều tuân theo quy luật nhất định. Chỉ có dựa vào quy luật khách quan của vạn sự vạn vật để điều khiển thì chúng ta mới đạt được điều mình mong muốn. Trị quốc cũng giống như điều hành vạn vật, phải tuân theo quy luật mới đạt được sự hưng thịnh. Do đó, người hiểu được đạo lý tu thân trở thành bậc hiền giả thì sẽ nắm giữ được quy luật trị quốc an bang.

Ba triều đại Hạ, Thương, Chu lúc mới lập quốc đều đặt giáo hóa đạo đức ở vị trí hàng đầu, đặt hình phạt ở vị trí sau, cho nên quốc gia hưng thịnh, dân chúng an bình. Đây đều là vì tuân theo các quy luật khách quan của vạn vật mà đạt được như thế.

“Lã Thị Xuân Thu” còn cho rằng khi trị vì quốc gia thì phải hiểu được đạo lý dài ngắn, cong duỗi, biến hóa linh hoạt. Nghĩa là lúc không thể cưỡng cầu thì không nên cưỡng cầu, mỗi thời điểm khác nhau sẽ có sự biến hóa khác nhau, không thể có lòng tham vô đáy, quyền thế và sự thuận lợi là không thể kéo dài mãi. Giống như, Ngô Vương Phù Sai đánh thắng nước Tề mạnh ở Ngải Lăng nhưng sau lại bị Việt Vương Câu Tiễn vốn bị coi thường đánh bại. Tề Mẫn Vương tiêu diệt nước Tống mạnh nhưng lại bại bởi nước Yên bé nhỏ.

Đối với cá nhân một người cũng vậy, ai cũng đều có điểm mạnh điểm yếu. Nếu việc này là phù hợp với điểm mạnh của họ thì họ sẽ làm tốt, đạt được thành công. Nếu việc kia là rơi vào điểm yếu của họ thì họ sẽ làm không tốt và dẫn đến thất bại. Cho nên, một yếu tố không thể thiếu của tu thân là hiểu rõ mình, biết vận dụng sở trường và phòng ngừa sở đoản của bản thân, có vậy thì mới đạt được thành tựu, đồng thời tránh được hậu họa.

Khi xưa, nhà quân sự nổi tiếng thời Chiến Quốc, Ngô Khởi vì chỉ nhìn thấy ưu điểm của bản thân chứ không nhìn thấy khuyết điểm của bản thân, chỉ biết cái hay mà không biết cái dở của mình, cho nên mặc dù giành được đất Tây Hà cho nước Ngụy, được phong nhiều cấp bậc, nhưng cuối cùng vẫn bị gièm pha phải chạy nạn sang nước Sở và bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Tu thân trước hết phải bắt đầu bằng việc tôn kính người già, cha mẹ, kết giao bạn bè phải chân thành, không giả dối. Trước khi đảm nhận chức vị nào đều phải tự kiểm điểm suy xét lại bản thân xem mình đã có đủ tài đức để đảm đương hay chưa. Nếu cảm thấy tài năng và đức hạnh còn chưa đủ thì nên bồi dưỡng thêm, không nên tùy tiện tiếp nhận.

Trước khi nhận bổng lộc phải kiểm điểm lại xem bản thân mình đã có công lao tương ứng hay chưa, tuyệt đối tuân thủ đạo lý “không có công thì không nhận lộc”.

Cho dù tài hoa hơn người, trí lực hơn người thì cũng phải luôn luôn cẩn thận, không được khoe khoang tài trí. Làm được như vậy thì sẽ tránh được các mối họa không ngờ.

Người trị vì quốc gia tốt, thoạt nhìn là việc to lớn cao xa, nhưng kỳ thực lại bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, bình thường như vậy.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Đạo Đức Kinh: Đạo trị quốc của bậc quân chủ tài đức vẹn toàn

Mời nghe radio:

Read Entire Article